“Chúng ta đang nghèo mà để thất thoát tiền bạc do tham ô, lãng phí là điều không thể chấp nhận và tha thứ được. Cán bộ ai muốn làm giàu thì đi kinh doanh...” - ông Nguyễn Bá Thanh, Chủ tịch HĐND, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng - đã nói tại buổi làm việc với ngành LĐTBXH Đà Nẵng chiều 14.1.

Ông Nguyễn Bá Thanh làm việc với Sở LĐTBXH Đà Nẵng. Ảnh: H.V.M

Đây là sở thứ hai (trước đó là Sở VHTTDL) và là sở cuối cùng ông Nguyễn Bá Thanh gặp để nghe, giải quyết kiến nghị và căn dặn, chỉ đạo… trước khi rời Đà Nẵng. Ông nói: “Trước khi đi Hà Nội nhận nhiệm vụ mới, tôi chỉ gặp hai sở VHTTDL và LĐTBXH vì văn hoá, du lịch liên quan đến mũi nhọn phát triển kinh tế xã hội của Đà Nẵng, còn ngành LĐTBXH liên quan thiết thực đến xoá đói, giảm nghèo và chính sách của thành phố”.

Sau khi nghe lãnh đạo Sở LĐTBXH báo cáo về công tác thực hiện chính sách đối với người có công; chính sách bảo trợ xã hội và giảm nghèo; lĩnh vực phòng, chống tệ nạn xã hội… và các đề xuất, kiến nghị của lãnh đạo sở, các trung tâm trực thuộc, ông Nguyễn Bá Thanh chỉ đạo: Sở LĐTBXH phải đặc biệt chú ý quan tâm đến nhóm người rất nghèo thuộc các đối tượng là người có công, bệnh tật, người nghiện ma tuý…

Ông yêu cầu Sở LĐTBXH phải luôn để mắt tới hoạt động của những trung tâm trực thuộc quản lý những đối tượng này. Ông nói: “Chúng ta đang nghèo mà để thất thoát tiền bạc do tham ô, lãng phí là điều không thể chấp nhận và tha thứ được. Cán bộ ai muốn làm giàu thì đi kinh doanh, chứ không thể đụng vào tiền bạc ở những lĩnh vực này”.

Với các nhiệm vụ trọng tâm của Sở LĐTBXH trong thời gian tới, ông Nguyễn Bá Thanh yêu cầu phải xem lại cách thức dạy nghề cho lao động nông thôn như lâu nay. Theo ông, dạy nghề cho lao động nông thôn là rất khó và ngành LĐTBXH thành phố Đà Nẵng làm như lâu nay là chưa hiệu quả: “Bây giờ đưa một ông tiến sĩ về dạy chưa chắc dân đã nghe; nhưng nếu đưa một ông nông dân có kinh nghiệm về nói chuyện cũng chưa chắc hiệu quả, vì nông dân có kinh nghiệm làm ăn thường giấu nghề”.

Mặt khác, ông Nguyễn Bá Thanh yêu cầu Trường Cao đẳng Nghề của thành phố từ nay chỉ đào tạo một số nghề mà xã hội đang cần để sinh viên tốt nghiệp là có thể xin việc được ngay, tránh đào tạo tràn lan để tiết kiệm tiền của. Ông cũng đề nghị UBND thành phố Đà Nẵng, nếu sắp tới không đủ sức quản lý Trường Cao đẳng Nghề thì nên chuyển về cho Sở LĐTBXH quản lý để tránh tình trạng “không ai quản lý” và biến trường này thành “ông trời con” như đã từng.

Liên quan đến chương trình “5 không 3 có”, trong đó “không có người lang thang xin ăn” cũng như bán hàng rong trên địa bàn thành phố, ông Thanh yêu cầu Sở LĐTBXH thời gian tới phải phối hợp với các địa phương xử lý quyết liệt hơn. “Ở các đường vùng ven thì được, nhưng tại các tuyến trung tâm thành phố thì tuyệt đối cấm. Cần thiết thì sử dụng chế tài mạnh. Vẫn biết là hoàn cảnh của họ cũng đáng thương lắm; nhưng mình thương họ thì ai thương mình, ai thương Đà Nẵng này? Một nhóm nhỏ không thể đè lên lợi ích của một nhóm to hơn. Phải sớm có chính sách để hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho nhóm người này”- ông nói.

Cuối cùng, ông Thanh yêu cầu Sở LĐTBXH Đà Nẵng phải “cho qua” các đối tượng nghiện ma tuý lâu năm để ưu tiên đối với các đối tượng mới. Ông nói: “Những đối tượng nghiện lâu năm, không thể cai được thì nên cho dùng chất ma tuý thay thế để cầm cự. Còn những đối tượng mới lần đầu, biện pháp chủ yếu là răn đe, giáo dục chứ đừng cắt đường học hành và hoà nhập xã hội của họ”.

Ông hiến kế: “Các anh nên đặt hàng cho người ta sản xuất những bộ phim ngắn nói về hậu quả kinh hoàng, gớm ghiếc của việc nghiện ma tuý để răn đe, giáo dục con nghiện mới. Mỗi tuần chiếu cho xem vài lần, không chừa thì cũng chờn”. Song song, ông Thanh yêu cầu lãnh đạo Sở LĐTBXH phải có biện pháp mạnh, hiệu quả để ngăn chặn tuyệt đối con đường “tiếp tế” ma tuý từ bên ngoài vào trại cai nghiện. “Nếu làm không tốt việc này thì sẽ trở thành công cốc vì chặn chỗ này lòi chỗ kia” - ông nói.

“Thành phố như Đà Nẵng mà còn dùng từ “thiếu đói” thì nghe buồn cười quá”

Tại cuộc làm việc, lãnh đạo Sở LĐTBXH thành phố Đà Nẵng báo cáo: Từ nay tới tết, sở sẽ phối hợp với các địa phương triển khai chăm lo đời sống của đối tượng chính sách, xã hội; rà soát kỹ, đảm bảo không để đối tượng thiếu đói… Ông Nguyễn Bá Thanh nói: “Thành phố như Đà Nẵng, bữa nay mà còn dùng từ “thiếu đói” thì nghe buồn cười quá. Các ông nói như thể chuyện ở một tỉnh miền núi nào đó…”.

Theo Lao động
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.