CafeLand - Canh bạc bất động sản đã khiến nhiều doanh nghiệp, nhà đầu cơ giàu lên nhanh chóng. Tuy nhiên, khi bất động sản đóng băng thì không ít trong số đó ôm phải trái đắng. Đáng nói là nhiều đại gia đang giàu có ăn nên làm ra từ ngành khác cũng lao đao vì bất động sản.

Tưởng ngọt hóa đắng

Vào những năm 2007, không ít doanh nghiệp ăn nên làm ra khi tham gia đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Thậm chí bữa tiệc vui dường như vô tận này đã kéo không ít nhà đầu tư “không chuyên” đến từ nhiều lĩnh vực kinh doanh khác như bánh kẹo, thủy sản, xuất nhập khẩu, taxi, phân phối…lao vào. Thay vì dành tiền lãi để tái đầu tư sản xuất kinh doanh, nhiều DN trong số này đã dồn hết vào để chơi “canh bạc” mang tên BĐS, Thậm chí, có những DN còn vay ngắn hạn để ném vào các dự án dài hạn.

Khi hàng loạt dự án đắp chiếu nằm im, hàng nghìn sản phẩm không người mua, “cơn sóng” bất động sản đã nhấn chìm hàng loạt doanh nghiệp “không chuyên” một cách không thương tiếc. Thậm chí lĩnh vực kinh doanh chính của những DN này cũng đang đứng trước những mối đe dọa to lớn. Bằng chứng nhất là hàng loạt DN đã tìm đủ đường để thoái lui ra khỏi lĩnh vực đầu tư trái ngành này.

Đó là lý do vì sao từ giữa năm 2012 đến nay hàng loạt công ty thoái vốn tại các dự án hoặc chấp nhận cho dự án đắp chiếu, nằm không chờ đợi thời cơ. Tuy nhiên, không phải cuộc rút chân nào khỏi BĐS cũng dễ dàng. Nhất là đối với những DN đầu tư trái ngành khi đã lún vào quá sâu không kiểm soát nổi tình thế. Để sống sót nhiều doanh nghiệp đành chấp nhận chia sẻ quyền kiểm soát công ty với đối tác như cho họ nắm phần lớn cổ phần hoặc có ghế trong HĐQT. Thậm chí có những doanh nghiệp hy vọng bị thâu tóm để mong giải quyết những khốn đốn trước mắt.

Sa lầy BĐS, Đậu phộng Tân Tân dần biến mất

Từ xuất phát điểm là một cơ sở chế biến đậu phộng chiên từ năm 1984, do Công ty TNHH Thương mại Chế biến thực phẩm Tân Tân là chủ sở hữu. Tuy giá bán chỉ có vài ngàn đồng nhưng đậu phộng Tân Tân có mặt trên khắp mọi nơi từ những quán ăn trên đường phố đến nhà bếp của từng gia đình. Sản phẩm tiêu thụ nhanh tới mức, công ty phải nhanh chóng mở rộng sản xuất.

Xem thêm: Kinh doanh bất động sản

Sản phẩm Tân Tân nhanh chóng có mặt khắp mọi nơi, theo ước tính của chuyên gia số điểm bán lẻ của Tân Tân trên cả nước vào lúc cao điểm là trên 150.000 tức là ngang với các thương hiệu hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) như Unilever, Thuốc lá 555 …Bên cạnh đó, Tân Tân xuất khẩu thành công đến thị trường của hơn 20 quốc gia trên thế giới.

Đang một mình một thế giới, đậu phộng Tân Tân bỗng dưng biến mất chỉ vì trót đầu tư vào bất động sản khiến Tân Tân gặp không ít khó khăn về tài chính. Đúng vào thời điểm bong bóng bất động sản tăng cao, Tân Tân cũng nhảy vào đầu cơ. Tân Tân mua lại những khu đất trồng nguyên liệu đậu phộng, với hy vọng sau này có thể chuyển đổi mục đích sử dụng sang bất động sản.

Từ cuối năm 2007, Tân Tân rầm rộ “khoe” các dự án bất động sản giá trị hàng tỷ đồng; Thành lập công ty cổ phần đầu tư bất động sản Tân Tân; Xây dựng khu liên hợp căn hộ cho thuê và văn phòng cho thuê cao cấp tại khu đất đường Lương Minh Nguyệt; Xây dựng khu dân cư Tân Tân. Tuy nhiên, cho tới nay, khó có thể biết được số phận của các dự án này, khi tìm kiếm tên dự án, google không đưa ra bất cứ kết quả nào.

Cuối năm 2012, Tân Tân còn bị dính tin đồn phá sản do không trả được nợ vay ngân hàng. Tuy nhiên, không một tuyên bố chính thức nào được đưa ra. Nhưng có một thực tế là các sản phẩm đậu phộng Tân Tân đã vắng bóng trên thị trường. Bây giờ, tìm mua được một gói đậu phộng Tân Tân không phải là điều dễ dàng.

“Ruồng rẫy” cơ khí, lao vào bất động sản: VinaMegastar chết chìm

Phối cảnh dự án Megastar Xuân Đỉnh

Vina Megastar khởi đầu với tên gọi Công ty TNHH Thép Techmart, thành lập ngày 6/8/2001 với ngành nghề kinh doanh là sản xuất các sản phẩm cơ khí và kinh doanh sắt thép.

Đây là doanh nghiệp chuyên sản xuất công nghiệp nặng với những sản phẩm cần trục hạng được sản xuất trong nước có mặt trên nhiều công trình thủy điện, nhiệt điện, cảng biển lớn... Doanh thu của Vina Megastar năm 2008 đạt 1.864 tỷ đồng, với lợi nhuận hàng chục tỷ đồng.

Cũng giống như nhiều doanh nghiệp khác Vina Megastar không cưỡng lại được sức hấp dẫn của thị trường BĐS có thể đem lại lợi nhuận lớn hơn làm cơ khí, Vina Megastar nhanh chóng chuyển hướng mới đầu tư vào các dự án bất động sản. Sai lầm cũng bắt đầu từ đây khi chính bất động sản đã đẩy Vina Megastar rơi xuống vực thẳm.

Ở lĩnh vực BĐS, Vina Megastar được biết đến với công ty thành viên Megastar Land đang là chủ đầu tư khá nhiều dự án lớn trên địa bàn Hà Nội, như Vĩnh Hưng Dominium (được biết nhiều với cái tên 409 Lĩnh Nam), Hesco Dominium, công viên Nhân Chính… và cũng nhanh chóng nổi danh với những dự án này khi không ngừng bị kiện tụng hoặc bị thu hồi.

Để có tiền đầu tư vào các dự án lớn các công ty con của tập đoàn này đứng ra huy động vốn, vay ngân hàng ... Số tiền huy động lên tới hàng trăm tỷ đồng, vậy nhưng đến nay các dự án nêu trên đều giống nhau ở chỗ vẫn chỉ là những bãi đất trống ngổn ngang.

Nếu cứ hoạt động trong lĩnh vực cơ khí có lẽ đến giờ này Vina Megastar vẫn phát triển tốt với những sản phẩm thế mạnh của mình. Nhưng bước chân sang bất động sản thì Vina Megastar đi xuống và ngày càng lụn bại, đứng bên bờ vực thẳm. Mới đây, Chủ tịch tập đoàn, Nguyễn Hoàng Long đã bị bắt tạm giam về hành vi "Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản" của SeaBank với số tiền gần 30 tỷ đồng đang gây cú sốc lớn trên thị trường BĐS phía Bắc.

Mai Linh bán “cần câu cơm” để trả nợ bất động sản

Taxi sẽ là mảng mà Mai Linh tập trung phát triển trong thời gian tới, đặt biệt là ở thị trường TPHCM, nơi Mai Linh mất ngôi đầu vào tay Vinasun

Cuối năm 2012, giới kinh doanh chứng kiến Mai Linh - một đại gia vận tải hành khách - bị vỡ nợ. Tình huống bi đát khiến Mai Linh tính bán hơn 1.000 xe để thu hồi về 200-300 tỷ đồng dùng để trả nợ cho các nhà đầu tư.

Cho dù đang đứng đầu trên phạm vi cả nước về thị phần dịch vụ taxi với khoảng 12.000 đầu xe nhưng Mai Linh phải khất nợ với từng nhà đầu tư. Thê thảm tới mức, DN nổi tiếng này không thể thanh toán được những khoản nợ vài trăm triệu đồng của người góp vốn mà phải tìm cách gia hạn, mời gọi những người cho vay nhiều trở thành cổ đông trong công ty...

Dùng vốn vay ngắn hạn đầu tư dài hạn, trong đó có đầu tư vào bất động sản là nguyên nhân chính khiến Mai Linh lâm vào nợ nần mất thanh khoản. Bất động sản mà Mai Linh đầu tư nhà xưởng, trụ sở văn phòng phục vụ cho hoạt động vận tải. Tổng giá trị khoảng 1.000 tỉ đồng. Cuối cùng Mai Linh đã phải bán bớt để có nguồn tiền thanh toán các khoản nợ. Tuy nhiên trong tình hình hiện nay, khi thị trường bất động sản đang rơi xuống đáy, Mai Linh không thể thoái vốn ngay trong một sớm một chiều.

Sai lầm chính của Mai Linh là lan sang mảng đất đai, chứ nếu tập trung riêng vào lĩnh vực của Mai Linh thì họ vẫn phát triển vững vàng.

“Không chỉ Mai Linh còn rất nhiều doanh nghiệp khác cũng bị tình trạng tương tự, ngay cả công ty Thái Hòa doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực cà phê và Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cũng lao đao khi "sa lầy" vào các dự án đầu tư ngoài ngành và nợ vay quá nhiều khiến công ty mất khả năng thanh khoản, ngấp nghé bờ vực phá sản.

Có lẽ đây là câu chuyện buồn và đáng tiếc cho các doanh nghiệp Việt, vì họ đã trả học phí quá đắt để được bài học nhớ đời rằng: Nên tập trung và làm tốt lĩnh vực chính của mình và phải tập trung vào chuyên môn, không nên đầu tư dàn trải sang lĩnh vực mình không thông thạo.

Gia Bảo
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.