Thực tế cho thấy, chỉ sau khi bị "cướp" thương hiệu, nhiều doanh nghiệp mới nghĩ đến việc bảo vệ tài sản trí tuệ của mình.
Trên thế giới, thương hiệu được coi là tài sản vô cùng quan trọng của các công ty, có thương hiệu chiếm đến 70% giá trị doanh nghiệp. Thế nhưng, câu chuyện bảo vệ thương hiệu tại Việt Nam từ lâu vẫn khiến nhiều người tranh cãi bởi không ít doanh nghiệp đã để mất tài sản trí tuệ của mình chỉ vì không hoặc chậm trễ đăng ký bảo hộ thương hiệu.
Tại hội thảo "Xây dựng, phát triển, định giá và bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp" diễn ra sáng ngày 4/7, câu chuyện này một lần nữa được ông Lê Ngọc Lâm - Phó cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ nhắc đến.
Theo ông Lâm, trên thế giới từng xảy ra không ít cuộc cạnh tranh về sở hữu trí tuệ, trong đó lớn nhất là cuộc chiến giữa hai gã khổng lồ công nghệ Samsung và Apple diễn ra nhiều năm qua.
Ở Việt Nam, nhiều thương hiệu nổi tiếng cũng bị các doanh nghiệp nước ngoài xâm phạm. Ông Lâm lấy ví dụ, thuốc lá Vinataba đã đăng ký thương hiệu tại Việt Nam và chủ yếu phục vụ thị trường trong nước. Nhưng khi Vinataba có ý định xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài thì nhận ra thương hiệu của mình đã bị công ty P.T. Putra Stabat Industri (của Indonesia) đăng ký độc quyền tại nhiều quốc gia ASEAN và châu Á.
Một câu chuyện khác khiến doanh nghiệp Việt "khóc dở, mếu dở" là bài học từ thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột. Được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột cho sản phẩm cà phê nhân từ năm 2005 nhưng thương hiệu này đã bị một doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký bảo hộ.
Ngoài ra, các thương hiệu khác như cà phê Trung Nguyên, kẹo dừa Bến Tre, võng xếp Duy Lợi, nước mắm Phú Quốc... đều mất rất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức để đi tìm lại tên.
Ông Lê Ngọc Lâm - Phó cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ. Ảnh: Vietnamnet
Bên cạnh bảo vệ thương hiệu, việc xây dựng, phát triển và định giá đúng giá trị thương hiệu cũng rất quan trọng với các doanh nghiệp.
Theo ông Đặng Quyết Tiến - Phó cục trưởng Cục tài chính doanh nghiệp (Bộ tài chính), một số doanh nghiệp Việt Nam đã được các tổ chức uy tín quốc tế ghi nhận giá trị thương hiệu cao, tạo được uy tín trên trường quốc tế. Điển hình như VietinBank nằm trong Top 400 Thương hiệu ngân hàng toàn cầu với giá trị thương hiệu đạt 249 triệu USD năm 2016 theo đánh giá của công ty Tư vấn chiến lược và đánh giá thương hiệu Brand Finance. Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) đạt 2,686 tỷ USD; giá trị của Vinaphone là 1,04 tỷ USD; Mobiphone là 391 triệu USD.
Tuy nhiên, ông Tiến cho rằng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa xác định được giá trị thương hiệu, hoặc xác định chưa đầy đủ gây nên những trở ngại không đáng có trong quá trình phát triển.
"Nhà nước có thể bị thất thoát lớn trong quá trình cổ phần hóa, nhất là giai đoạn tới sẽ cổ phần hóa nhiều tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn. Doanh nghiệp thiệt thòi trong quá trình cạnh tranh, nhượng quyền thương mại, mua bán sáp nhập... Thậm chí, các đơn vị tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, thẩm định giá vẫn còn lúng túng trong việc xác định giá trị thương hiệu...", ông Tiến nói.
Ông Tiến nhận định, nguyên nhân chính của tình trạng trên do các quy định pháp luật tại Việt Nam về vấn đề này chưa đầy đủ theo thông lệ quốc tế, dù tài sản vô hình nói chung hay thương hiệu nói riêng đã được ghi nhận trên các báo cáo tài chính.
Vị lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, gần đây, các cơ quan chức năng đã có một số định hướng, bổ sung các quy định pháp lý, đặc biệt là tiến hành sửa đổi Nghị định 59/2011/NĐ-CP, trong đó chú trọng hơn vào việc xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị lợi thế kinh doanh.
Bàn về vấn đề giá trị thương hiệu, ông Samir Dixit - Giám đốc điều hành Brand Finance Châu Á Thái Bình Dương nhấn mạnh, "thương hiệu là tài sản vô hình mạnh mẽ nhất để tạo ra giá trị cho cổ đông và doanh nghiệp".
Theo ông Samir, thương hiệu và các quyết định liên quan đến thương hiệu có thể được quản trị bằng việc sử dụng cách tiếp cận kinh tế hoặc định tính. Tiếp cận định tính chủ yếu tập trung vào vẻ ngoài và cảm nhận, truyền thông, nhận biết thương hiệu, nhận diện thương hiệu, độ yêu thích, độ phù hợp với doanh nghiệp. Trong khi tiếp cận kinh tế chủ yếu tập trung vào khả năng của thương hiệu trong việc thúc đẩy và đóng góp vào thành công chung của doanh nghiệp, cũng như tính cạnh tranh của doanh nghiệp.
Linh Lam (NDH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.