Mỹ loay hoay mở cửa lại nền kinh tế với nỗi lo sợ về làn sóng virus thứ hai, tốc độ phục hồi chậm chạp và nhu cầu tiêu dùng sụt giảm mạnh.

“Nền kinh tế Mỹ đóng cửa chỉ sau một đêm nhưng không thể trở lại theo cách đó”, New York Times nhận định. Trong vài tuần qua, Tổng thống Donald Trump nói nhiều về việc các bang sớm mở cửa trở lại, doanh nghiệp và dịch vụ nối lại hoạt động. Tuy nhiên, câu hỏi lớn đặt ra là bằng cách nào để đảm bảo an toàn.

Georgia và một số bang đang bắt đầu quá trình mở cửa trở lại. Tuy nhiên, ngay cả theo ước tính lạc quan nhất, sẽ mất nhiều tháng, thậm chí cả năm, người Mỹ mới lại chen chúc trong các quán bar và tàu điện ngầm như trước khi đại dịch diễn ra.

“Đóng băng nền kinh tế thì nhanh, nhưng làm tan băng sẽ rất lâu”, New York Times dẫn lời ông Diane Swonk, nhà kinh tế trưởng tại công ty kế toán Grant Thornton, nhận định. Giới chuyên gia cho rằng không dễ dàng để tái khởi động một hệ thống nhiều lớp lồng vào nhau như nền kinh tế Mỹ.

Làm thế nào một nhà máy có thể mở cửa lại khi các nhà cung cấp vẫn chưa hoạt động? Các bậc phụ huynh trở lại làm việc bằng cách nào khi trường học vẫn đóng cửa? Làm thế nào người già quay trở lại như bình thường khi chưa có cách điều trị và vaccine hiệu quả?

Các doanh nghiệp kinh doanh không thiết yếu được yêu cầu đóng cửa để làm chậm sự lây lan của virus. Ảnh: New York Times.

Rất nhiều khó khăn

Chẳng hạn, South Carolina có thể là một trong những bang đầu tiên cho phép doanh nghiệp mở cửa trở lại rộng rãi. Tuy nhiên, nếu một nhà sản xuất tại South Carolina phụ thuộc vào một bộ phận được sản xuất ở Ohio, nhà máy vẫn không thể sản xuất bất kể lệnh mở cửa trở lại.

“Chúng ta đang sống trong một nền kinh tế có rất nhiều mối liên kết giữa các lĩnh vực khác nhau. Nói thì dễ nhưng làm rất khó”, chuyên gia Joseph S. Vavra tại Đại học Chicago bình luận.

Trong tháng này, Nhà Trắng đã công bố kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế bằng cách nới lỏng các hạn chế. Hồi tuần trước, Thống đốc bang New York Andrew M. Cuomo tuyên bố những khu vực có ít trường hợp nhiễm Covid-19 có thể được phép mở cửa lại nhanh hơn các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề khác.

Tuy nhiên, những đề xuất đó vẫn chưa trả lời câu hỏi là quá trình đó diễn ra như thế nào. Câu trả lời chi tiết có thể giúp xác định liệu nền kinh tế Mỹ sẽ phục hồi tương đối nhanh chóng sau đại dịch, hay phải đối mặt với một bước ngoặt chậm chạp, đau đớn giống như sau cuộc suy thoái kinh tế gần nhất.

Theo kế hoạch 3 giai đoạn của Nhà Trắng, nhiều doanh nghiệp sẽ được phép hoạt động ngay. Các trường học và trung tâm chăm sóc ban ngày cần chờ giai đoạn tiếp theo. Điều đó có nghĩa là hàng triệu cha mẹ có thể phải quay trở lại làm việc trước khi tìm được nơi trông nom, chăm sóc con cái.

Các nhà hàng sẽ chịu lỗ nếu hoạt động với 50% công suất. Ảnh: New York Times.

Chuyên gia Vavra và hai đồng nghiệp tại Đại học Chicago ước tính gần 1/3 hộ gia đình ở Mỹ có con dưới 14 tuổi. Ngoài ra, nhiều kế hoạch kêu gọi những người trẻ tuổi trở lại làm việc sớm hơn nhóm dễ tổn thương. Tuy nhiên, nhiều người trẻ cũng có con nhỏ ở nhà.

Tiếp đến là mối đe dọa về sức khỏe cộng đồng. Nếu các quốc gia vội vàng mở cửa nền kinh tế và không có biện pháp phòng ngừa đúng đắn, một đợt bùng phát mới có thể diễn ra, khiến nền kinh tế thêm lao đao. Trong giai đoạn đầu mở cửa trở lại, các doanh nghiệp sẽ được yêu cầu hoạt động với công suất thấp để thực hiện giãn cách xã hội.

Điều đó đòi hỏi hầu hết công ty phải thay đổi cách thức hoạt động. Chẳng hạn, các văn phòng có thể hoạt động theo ca luân phiên. Trong nhà máy, dây chuyền sản xuất sẽ được thiết kế lại để giữ khoảng cách giữa đội ngũ công nhân. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng dễ dàng thích nghi.

Virus mới là thứ đóng cửa nền kinh tế

Hầu hết nhà hàng có tỷ suất lợi nhuận gộp không cao ngay cả trong thời điểm tốt nhất. Nhiều nhà hàng sẽ chịu lỗ nếu hoạt động với 50% công suất. “Không thể đạt lợi nhuận với mức doanh thu 50% ở lĩnh vực kinh doanh nhà hàng”, Alex Smith, Chủ tịch Atlas Restaurant Group, bình luận.

Đối với các nhà hàng làm ăn không tốt từ trước khi dịch bùng phát, hoặc thành lập chưa đủ lâu để có lãi, việc mở cửa lại sẽ gây lỗ nhiều hơn. “Trước kia, bạn có lãi và kinh doanh phát triển, bạn sẽ duy trì và hy vọng rằng có ánh sáng ở cuối đường hầm. Nhưng nếu bạn chịu lỗ từ trước, bạn phải tự vấn: ‘Liệu mình có đang đào một cái hố sâu hơn không?’”, ông Smith nói thêm.

Người Mỹ tranh cãi về câu hỏi: "Khi nào nên dỡ bỏ lệnh cấm đối với các thành phố và bang trên khắp nước Mỹ?". Nhưng doanh nghiệp mở cửa lại không đồng nghĩa với việc khách hàng quay trở lại ngay lập tức.

Theo dịch vụ đặt chỗ OpenTable, phần lớn mọi người ngừng ăn ngoài từ trước khi các thống đốc và thị trưởng đưa ra yêu cầu ở nhà. Tại Thụy Điển và nhiều quốc gia khác, các hoạt động của người tiêu dùng giảm mạnh ngay cả khi không còn lệnh cấm của chính phủ.

“Tôi cho rằng không phải lệnh của chính phủ, virus mới là thứ đóng cửa nền kinh tế. Nói mở cửa nền kinh tế chỉ là lời nói đãi bôi. Nền kinh tế sẽ không được mở cửa trở lại cho đến khi mọi người muốn nó mở cửa”, chuyên gia Varva nhấn mạnh.

Nhu cầu của người tiêu dùng sụt giảm ngay từ trước lệnh phong tỏa và yêu cầu ở nhà. Ảnh: New York Times.

Tính đến nay, rất ít bằng chứng cho thấy người tiêu dùng đã sẵn sàng. Một số cuộc biểu tình bùng lên, nhưng nhiều khảo sát chỉ ra số đông vẫn ủng hộ yêu cầu ngừng hoạt động. Theo ông Smith, nỗi sợ hãi lớn nhất của ông là người Mỹ quay trở lại cuộc sống thường nhật quá nhanh, dẫn đến một đợt bùng phát và phong tỏa khác.

“Tôi chỉ có thể vay tiền và tiết kiệm để mở cửa lại một lần. Lần thứ hai rất khó kiểm soát, nhất là khi khách hàng cảnh giác cao độ hơn”, ông Smith thừa nhận. “Điều khiến mọi người sợ hãi nhất là làn sóng virus thứ hai”, ông nói.

Chính phủ liên bang đã chi số tiền lớn để duy trì hoạt động của các doanh nghiệp và cá nhân trong thời gian phong tỏa. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định vai trò của chính phủ mới chỉ bắt đầu.

Cần thêm sự hỗ trợ từ chính phủ

Các doanh nghiệp còn phải vượt qua giai đoạn giảm doanh số. Chính quyền bang và địa phương cũng cần giúp đỡ, hoặc họ sẽ phải cắt giảm nhiều chương trình để bù đắp doanh thu thuế giảm mạnh. Trong khi đó, người lao động cần trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ lương thực và thực phẩm.

Tính đến nay, không ai biết có bao nhiêu doanh nghiệp đã đóng cửa vĩnh viễn, bao nhiêu công nhân bị sa thải có khả năng quay trở lại công việc. Tuy nhiên, thời gian phong tỏa càng lâu, thiệt hại càng lớn và tốc độ phục hồi càng chậm.

“Tôi sợ rằng sự hỗ trợ của chính phủ sẽ chấm dứt trước khi nền kinh tế sẵn sàng tự duy trì, kéo dài thời kỳ suy thoái và làm tổn thương những người có thu nhập thấp. Tôi thậm chí lo lắng về việc mở cửa trở lại hơn thời gian đóng máy”, Elizabeth Ananat, nhà kinh tế học tại Barnard College, bình luận.

Phương Thảo (ZN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.