Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ vọn vẹn vài chục triệu đồng trong khi khoản nợ phải trả lên tới tiền tỷ khiến một số doanh nghiệp lỗ nặng, thậm chí phải xin giải thể vì không thể tiếp tục tồn tại.

Kinh tế khó khăn, thị trường èo uột đang khiến nhiều doanh nghiệp chết mòn. Theo thống kê của VnExpress.net và đối tác cung cấp dữ liệu VNDirect, trong số hơn 400 doanh nghiệp trên 2 sàn chứng khoán đã báo cáo tài chính quý III có 4 doanh nghiệp doanh thu dưới 50 triệu đồng.

Đơn vị có doanh thu thấp nhất là Công ty In Diên Hồng (Mã CK: DHI). Theo báo cáo tài chính quý III, doanh thu bán hàng và dịch vụ của công ty chỉ đạt 7 triệu đồng, giảm 324 lần so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế trong kỳ của công ty âm 157 triệu đồng, khiến 9 tháng lỗ 1,7 tỷ đồng.

Hiện tổng nợ của công ty này đến ngày 30/9 là 6,4 tỷ đồng. Công ty có vốn điều lệ 26,2 tỷ đồng còn vốn chủ sở hữu 19 tỷ đồng.

Trước đó, Diên Hồng đã gửi Ủy ban Chứng khoán cho hủy niêm yết vì lý do không thể tiếp tục tổ chức sản xuất kinh doanh. Nếu công ty tiếp tục tồn tại, sẽ thua lỗ thêm và mất dần vốn của cổ đông. Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã chấp thuận cho đơn vị này hủy niêm yết.

Với doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ quý III chỉ vọn vẹn vài chục triệu đồng đã khiến một số doanh nghiệp lỗ nặng trong quý III và 9 tháng. Ảnh: TNMT

Cũng trong tình trạng tương tự là Công ty cổ phần dầu khí Đông Đô (Mã CK: PFL). Theo báo cáo tài chính quý III, công ty có doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ 14,5 triệu đồng, giảm 139 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung cả 9 tháng đầu năm, doanh thu đạt gần 7 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ gần 5 tỷ đồng. Dẫu vậy, lợi nhuận sau thuế quý III của công ty âm 4,9 tỷ đồng, kéo lợi nhuận 9 tháng lên âm 56,8 tỷ đồng. Nợ phải trả của công ty này đến ngày 30/9 là 216 tỷ đồng.

Giải trình của công ty cho biết, nguyên nhân khiến lợi nhuận quý III giảm so với cùng kỳ là vì tình hình kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng có nhiều biến động, lãi suất cho vay đối với lĩnh vực bất động sản vẫn cao dẫn đến doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh thấp, chi phí tài chính tăng cao.

Doanh thu nhỉnh hơn đôi chút so với 2 công ty trên là Công ty cổ phần khoáng sản Quang Anh. Theo báo cáo tài chính quý III, Quang Anh có doanh thu 36 triệu đồng khiến cho lợi nhuận sau thuế âm 1,8 tỷ đồng. Nợ phải trả của công ty này đến ngày 30/9 là 12 tỷ đồng, tăng 2 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Lượng hàng tồn kho đến ngày 30/9 là 18,4 tỷ đồng, tăng 5 tỷ đồng so với đầu kỳ.

Công ty cổ phần Vinam (Mã CK: CVN), theo báo cáo tài chính quý III, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty 35,5 triệu đồng, giảm 29 lần so với cùng kỳ. Doanh thu 9 tháng của công ty cũng khá èo uột chỉ 880 triệu đồng, dẫn đến lợi nhuận sau thuế của công ty này âm 119,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi gần 200 triệu đồng. 9 tháng công ty này lỗ tới 14 tỷ đồng, nợ phải trả đến ngày 30/9 là 8,6 tỷ đồng.

Theo lý giải của công ty, lợi nhuận quý III giảm so với cùng kỳ là do doanh thu chính trong quý III chủ yếu là vật liệu xây dựng nhưng do nền kinh tế khó khăn các lĩnh vực xây dựng ngừng thi công và đình trệ nên kéo theo sự khó khăn của doanh nghiệp.Mặc dù tổng chi phí giảm nhưng lại vượt quá cao so với doanh thu trong quý III nên khiến lợi nhuận giảm mạnh so với cùng kỳ.

Ngoài 4 doanh nghiệp niêm yết trên sàn một số công ty chứng khoán khác cũng lâm vào tình cảnh này như Công ty chứng khoán Mê Kông (MSC) chỉ đạt hơn 46 triệu đồng doanh thu; lỗ 851 triệu đồng, lũy kế 9 tháng lỗ 1,3 tỷ đồng. Còn Công ty chứng khoán Hoàng Gia (ROSE), quý III cũng chỉ đạt hơn 48 triệu đồng doanh thu, lỗ 427 triệu đồng, giá trị tiền mặt chỉ còn hơn 300 triệu đồng, giảm mạnh so với hơn 3,3 tỷ đồng đầu năm nay.

Kết quả kinh doanh nói trên, theo các chuyên gia, chứng tỏ doanh nghiệp hầu như không hoạt động, việc bán hàng cũng như cung cấp dịch vụ của các doanh nghiệp này đang chết lâm sàng. Đây là hệ quả của nền kinh tế yếu kém trong mấy năm nay, sức mua ngày càng kiệt quệ, trong khi đó, các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn lại chiếm hết thị phần còn các doanh nghiệp nhỏ sức cạnh tranh quá yếu cho nên chết yểu.

Nhiều doanh nghiệp giá trị đang tiến về con số 0, tài sản không đủ đảm bảo để trả lãi ngân hàng nhưng vẫn chưa được sàng lọc mạnh mẽ trên thị trường một phần là do chưa dám đối diện với thực tế. Mặt khác, luật phá sản của Việt Nam chưa được đẩy mạnh, chưa khuyến khích doanh nghiệp. Chẳng hạn như bên Mỹ, nếu doanh nghiệp kinh doanh không tốt chính phủ khuyến khích doanh nghiệp đệ đơn phá sản để bàn giao việc kinh doanh lại cho đơn vị khác làm việc hiệu quả hơn. Chính vì thế bên Mỹ mới có những doanh nghiệp trị giá 1 USD, tức là ngoài việc cho không công ty, doanh nghiệp mua lại phải có trách nhiệm trả toàn bộ số nợ mà công ty này đang gánh. Sau đó, họ tái cấu trúc lại doanh nghiệp và đưa ra những đổi mới phù hợp với nền kinh tế. Có thế, những doanh nghiệp như thế này mới sống lại.

Ngoài ra, chỉ tiêu lên sàn trước đây được Ủy ban Chứng khoán đưa ra đối với các doanh nghiệp quá dễ dàng. "Những doanh nghiệp này có số vốn quá nhỏ không nên cho huy động vốn chứng khoán, do vậy để tránh tình trạng này lặp lại, Ủy ban chứng khoán cần xem xét lại và nâng chỉ tiêu vốn lên sàn. Nếu những doanh nghiệp này không đáp ứng tiêu chuẩn đưa ra nên loại khỏi sàn", chuyên gia này đề nghị.

Riêng đối với nhà đầu tư, ông khuyên nên cẩn trọng với những doanh nghiệp dạng này bởi khả năng vực dậy của những doanh nghiệp này không cao. Cơ hội để nhà đầu tư hưởng lợi trọng tương lai gần là rất khó. Mặt khác, việc tái cấu trúc mua lại doanh nghiệp ở Việt Nam chưa mạnh.

Hồng Châu (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.