Sự kết nối rộng với mạng xã hội Facebook và quan tâm nhiều hơn đến các sản phẩm cao cấp là hai trong những “sự thật” đáng chú ý về thị trường tiêu dùng nông thôn Việt Nam khiến tiềm năng của thị trường này trở nên hấp dẫn đối với các doanh nghiệp.

Một phiên chợ trong chương trình "Hàng Việt về nông thôn". Ảnh: tiepthithegioi.vn

Báo cáo “Khám phá những sự thật về khu vực nông thôn Việt Nam” vừa được hãng nghiên cứu thị trường Nielsen công bố cho thấy những “sự thật” (mythbuster) khá thú vị về thị trường nông nông Việt Nam mà các nhà bán lẻ cần khai thác.
Đây là những điều khác với những gì các doanh nghiệp vẫn thường quan niệm thời gian qua và dẫn đến việc chưa khai thác hết mức tiềm năng của thị trường chiếm đến 68% dân số Việt Nam và có những bước phát triển nhảy vọt.
Về tiếp cận thông tin, nghiên cứu của Nielsen Việt Nam chỉ ra rằng quá trình đô thị hoá đã giúp thu hẹp khoảng cách giữa người tiêu dùng nông thôn và người tiêu dùng ở các thành phố lớn, và giúp họ được sống trong các môi trường truyền thông đa dạng.
Kênh truyền hình ở nông thôn đã bão hòa với hơn 90% hộ gia đình sở hữu một chiếc tivi ở nhà và 57% trong số đó kết nối thường xuyên với hơn 10 kênh truyền hình
.
Khác với quan niệm nông thôn thường lạc hậu về thông tin, nghiên cứu cho thấy hơn 90% người tiêu dùng nông thôn sở hữu một chiếc điện thoại di động và 50% trong số đó là điện thoại thông minh.
Hơn nữa, có gần 24 triệu người sử dụng Internet, xấp xỉ với số lượng ở các khu vực thành thị. Điều khá thú vị là đã có 22,5 triệu người ở khu vực nông thôn sử dụng Facebook để liên lạc với người thân, bạn bè, không kém nhiều so với con số 23,5 triệu ở khu vực thành thị.
Việc tiếp xúc nhiều hơn với các phương tiện truyền thông được nhận định là khiến hành vi và thái độ của người tiêu dùng nông thôn sẽ không khác biệt so với khách hàng thành thị.
“Những gì đang xảy ra ở khu vực thành thị thì cũng đang xảy ra tương tự ở khu vực nông thôn. Do đó, ranh giới giữa người tiêu dùng nông thôn và thành thị ngày càng mờ đi xét về khía cạnh sự kết nối và tư duy”, theo ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc – Trưởng Bộ phận Dịch vụ đo lường bán lẻ của Nielsen Việt Nam.
Trái với quan điểm phổ biến là người tiêu dùng nông thôn chỉ sử dụng những sản phẩm phân khúc giá thấp, nghiên cứu cho thấy người tiêu dùng nông thôn đang quan tâm nhiều hơn đối với sản phẩm cao cấp.
Theo Nielsen, tăng trưởng của ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) trong quý I/2017 ở khu vực nông thôn là 12,4%, cao gần gấp đôi mức tăng trưởng 6,5% ở thành thị, và đóng góp 51% vào tổng doanh thu ngành hàng FMCG toàn quốc. Trong đó, dòng sản phẩm phổ thông và cao cấp đóng góp lần lượt 40% và 38,5% vào mức tăng trưởng đó.
“Điều đáng ngạc nhiên là người tiêu dùng nông thôn không chỉ mong đợi các sản phẩm tốt, có chất lượng cao mà họ sẵn sàng chủ động tìm kiếm để sở hữu chúng. Vì vậy, nếu các nhà sản xuất chỉ tập trung vào việc đẩy các sản phẩm phổ thông đến vùng nông thôn, thì họ đang bỏ lỡ cơ hội sinh lợi khổng lồ mà khu vực này mang lại”, ôn Dũng khuyến nghị.
Nghiên cứu của Nielsen Việt Nam cũng chỉ ra rằng, có đến 77% người tiêu dùng nông thôn muốn được thử các sản phẩm mới và 95% đánh giá cao việc có nhiều loại sản phẩm để lựa chọn. Đây là lý do các sản phẩm mới khi tung ra tại thị trường nông thôn tăng trưởng tốt hơn so với hiệu quả kinh doanh sản phẩm tương tự tại các thành phố chính.
Theo Nielsen Việt Nam, kênh thương mại truyền thống có hơn 1,1 triệu cửa hàng trải rộng khắp 58 tỉnh tại Việt Nam (không bao gồm 5 thành phố trực thuộc trung ương), chứa đựng nhiều sự cạnh tranh và phức tạp và sẽ tiếp tục tồn tại trong thời gian dài. Do đó, các doanh nghiệp cần biết "tập trung vào đâu" khi muốn mở rộng thị trường, tiến vào vùng nông thôn.
Báo cáo của Nielsen Việt Nam khuyến nghị, các doanh nghiệp nên tập trung đẩy hàng vào 400.000 cửa hàng ở các quận/huyện trọng điểm bởi các cửa hàng này có thể mang đến 39% doanh thu bán lẻ.
“Với kết quả này, thông qua việc tập trung vào mục tiêu một cách hợp lý, thì việc đạt được phần lớn doanh số bán hàng là điều khả thi và không tốn kém quá nhiều nguồn lực cũng như chi phí như các nhà sản xuất đã nghĩ”, ông Dũng nói.
Minh Anh (BizLive)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.