Thiếu thông tin và sự quan tâm về các hiệp định và chính sách thương mại toàn cầu khiến nhiều doanh nghiệp (DN) bỏ lỡ các cơ hội tham gia thị trường và gặp nhiều rủi ro khi phát triển ở phạm vi quốc tế.

Đây cũng là thách thức khi chuỗi cung ứng toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng.

Chuỗi cung ứng thay đổi

Khảo sát Navigator 2018 do HSBC thực hiện cho thấy đa số DN thường bỏ qua hoặc đánh giá thấp tác động của các chính sách và hiệp định thương mại quan trọng ở quy mô toàn cầu và việc này có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ.

Do thiếu thông tin, DN thường tập trung vào các thị trường láng giềng mà thiếu chú trọng đến các thị trường xa hơn. Những yếu tố này có thể khiến DN đánh mất lợi thế cạnh tranh do các chính sách thương mại đang làm thay đổi toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu, không còn mang tính khu vực hay địa phương nhỏ hẹp như trước đây.

Thị trường càng xa khiến DN càng giảm sự quan tâm, khảo sát cho thấy có đến 60% DN châu Âu cho rằng chính sách của Mỹ hay sáng kiến Vành đai con đường của Trung Quốc không ảnh hưởng đến họ; 66% DN châu Âu và Bắc Mỹ cho rằng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (ASEAN 2025) không ảnh hưởng trong hai năm tới. 64% DN châu Âu còn cho rằng Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) không ảnh hưởng đến họ trong hai năm tới, và ngay tại Bắc Mỹ tỷ lệ này cũng đến 39%. 65% DN kỳ vọng Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) không ảnh hưởng đến hoạt động của họ.

Đối với DN Việt Nam, 74% cho rằng NAFTA không ảnh hưởng đến việc kinh doanh và cũng đến 74% khá lạc quan về ảnh hưởng tích cực của ASEAN 2025; 63% cho biết CPTPP có ảnh hưởng tích cực và 35% cho rằng không ảnh hưởng. Chỉ 31% cho rằng chính sách tại châu Âu có ảnh hưởng tích cực đến DN, 66% cho rằng không ảnh hưởng; tương tự đối với thị trường Mỹ thì 31% cho rằng có ảnh hưởng tích cực và 60% cho rằng không liên quan. Trong khi châu Âu và Mỹ là hai thị trường quan trọng hàng đầu đối với các nhà xuất khẩu Việt Nam.

Các chuyên gia khuyến cáo, DN cần hiểu biết sâu hơn về toàn cảnh các chính sách thương mại toàn cầu, các hiệp định khác nhau có những tác động khác nhau, từ đó mới khai thác hiệu quả các lợi ích do tự do hóa thương mại mang lại, giảm rủi ro và kiểm soát tốt hơn chi phí chuỗi cung ứng để duy trì lợi thế cạnh tranh.

"Tại thời điểm chính sách bảo hộ đang tiếp diễn, DN cần tham gia các cuộc tranh luận nhằm bảo vệ các thị trường mở và các chính sách ủng hộ nền thương mại toàn diện và bền vững" là lời khuyên của chuyên gia.

Rào cản biên giới về dịch vụ

Năm 2017, tăng trưởng thương mại toàn cầu khởi sắc với sản lượng hàng hóa tăng nhanh hơn 1,4 lần so với GDP toàn cầu nhờ vào kinh tế thế giới khởi sắc, giá tiêu dùng tăng và đồng đôla Mỹ suy yếu. Navigator 2018 cũng cho thấy thị phần dịch vụ trong miếng bánh thương mại toàn cầu tăng nhanh những năm gần đây và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới, đạt mức 7% về giá trị trong năm 2018 và 4,5% về sản lượng - tương đương mức tăng gấp 1,2 lần tăng trưởng GDP.

Trong ngắn hạn, 61% DN được khảo sát lạc quan về tăng trưởng kinh doanh dịch vụ trong 12 tháng tới và con số này với Việt Nam khá cao - 78%. Dự báo dài hạn cho thấy giá trị thương mại dịch vụ ước tăng trưởng 7% mỗi năm giai đoạn 2021 - 2030, nhanh hơn tăng trưởng thương mại hàng hóa với 6% mỗi năm. Các thị trường phát triển đang chiếm phần lớn xuất khẩu dịch vụ quốc tế, nhưng dự báo các quốc gia đang phát triển sẽ tăng dần vai trò xuất khẩu dịch vụ.

Các xu hướng tác động chính đến thị phần khiến DN cần lưu ý: các yếu tố hệ thống công nghệ đang giúp các giao dịch dễ dàng hơn; sự tăng trưởng của một số khu vực như dịch vụ giữa DN và DN (B2B), hay công nghệ thông tin - viễn thông (ICT); chi phí vận chuyển giảm và tăng chi tiêu từ tầng lớp trung lưu.

DN đưa ra những cách tiếp cận để tăng trưởng như mở rộng thị trường mới (32%), mở rộng dịch vụ mới (24%), sử dụng thương mại điện tử (24%) và năng lực sử dụng dữ liệu. Đối với Việt Nam, thâm nhập thị trường mới chiếm tỷ lệ 57% nhưng khá ít DN xem xét yếu tố sử dụng thương mại điện tử.

Các yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng là nhu cầu dịch vụ tăng và môi trường kinh doanh thuận lợi với tỷ lệ lần lượt 31% và 30%, tận dụng công nghệ là 30%. DN Việt Nam cũng cho rằng nhu cầu tăng và môi trường kinh tế thuận lợi là hai yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng dịch vụ với tỷ lệ 44% và 60%, yếu tố độ sẵn có của lao động có tay nghề có tỷ lệ 33%, trong khi vai trò của công nghệ chưa được chú trọng.

DN nhận định những rào cản lớn nằm ngoài tầm kiểm soát bao gồm những thay đổi tiêu cực lên môi trường kinh tế (30%), hay chính trị (26%), hay chi phí lao động cao (27%). Đối với các DN tại châu Á - Thái Bình Dương, ba rào cản lớn nhất bao gồm những thay đổi tiêu cực lên môi trường kinh tế - 41%, chi phí lao động cao - 31% và vấn đề tỷ giá là 29%.

Cùng với dự báo về tăng trưởng, 62% DN toàn cầu kỳ vọng nhu cầu về tài trợ thương mại sẽ tăng và con số này với DN tại Việt Nam là 88%. Đối với Việt Nam, 86% DN kỳ vọng tiếp cận nguồn vốn tài trợ thương mại sẽ tăng; 52% cho rằng chi phí giao dịch cao là thách thức chính trong việc đáp ứng nhu cầu tài trợ thương mại; 44% cho rằng bất ổn tỷ giá là thách thức tiếp theo.

Nhờ ổn định chính trị, Việt Nam không nằm trong tốp 10 thị trường bị cho rằng môi trường chính trị là thử thách thứ ba trong việc đáp ứng nhu cầu tài trợ thương mại.

Các chuỗi cung ứng được rút ngắn vì nhiều công ty đa quốc gia thành lập các trung tâm sản xuất trong khu vực nhằm giảm thiểu rủi ro và tăng độ linh hoạt để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Về dài hạn, các thị trường mới nổi cũng hình thành hệ thống thương mại toàn cầu ngay tại nền tảng nội địa nhờ vào yếu tố nhân khẩu học thuận lợi và thu nhập tăng, hỗ trợ cho tăng trưởng dài hạn.

HSBC nhận định thương mại sẽ ngày càng chuyển hướng sang châu Á và các thị trường mới nổi khác, là dòng chảy DN cần quan tâm. "Cần chú trọng xu hướng các sản phẩm thông minh và được kết nối phổ biến, nhà sản xuất tích hợp dịch vụ với hàng hóa khiến ranh giới hàng hóa - dịch vụ mờ dần khi có internet. Các DN thông minh sẽ tích hợp các dịch vụ cộng thêm vào sản phẩm để cung cấp giá trị cao hơn" - Báo cáo khuyến nghị.

Tuyết Ân (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.