Họ được mệnh danh là những "ông vua", nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh mà họ lựa chọn.
Vua đồng nát
Đó là anh Nguyễn Văn Thưởng, Giám đốc Công ty Thương mại và Dịch vụ Thưởng Thưởng. Từ một người chuyên "mua của người chán, bán cho người cần", cộng với những kinh nghiệm vốn có của bản thân và một chút nhạy cảm với thị trường, chỉ trong một thời gian ngắn anh Thưởng đã nắm trong tay khối tài sản kếch sù.
Cách đây 4 năm, anh Thưởng từ Bắc Giang lên Hà Nội cùng người anh em chuyên nhận chuyển nhà, văn phòng trọn gói cho các công ty, xí nghiệp và người dân. Trong quá trình vận chuyển, nhận thấy có nhiều vật dụng còn có thể sử dụng tốt nhưng bị bỏ đi, anh xin thu mua với mức giá rẻ rồi bán lại cho lại cho những người đang có nhu cầu sử dụng.
"Vua đồng nát" với gia tài đáng nể

Ban đầu anh thuê cửa hàng 500m2 ở Bắc Thăng Long làm nơi tập kết hàng hóa và trao đổi mua bán. Nhưng một thời gian ngắn sau đó, diện tích này trở nên quá tải buộc anh phải tìm nơi rộng hơn. Khu chợ đầu mối Bắc Thăng Long bị bỏ không từ nhiều năm với diện tích có mái che lên tới 20.000m2 được anh nhắm tới. Cứ như thế từ số vốn khiêm tốn, tới nay anh Thưởng đã có khối tài sản khiến mọi người phải mơ ước.

Chia sẻ về bí quyết làm giàu, anh Thưởng chỉ gói gọn trong 2 từ: Quyết tâm. Anh thừa nhận mình có cũng một chút duyên may trong kinh doanh. Có lần, khi nhân viên thu mua thông tin qua điện thoại, anh đã đoán được bộ bàn ghế gia chủ đang muốn bán là gỗ sưa. Với giá mua chỉ 2 triệu đồng, nhưng đã có khách hàng trả anh cả trăm triệu đồng, song anh vẫn chưa đồng ý bán. Hiện bộ bàn ghế đó anh đang kê trong phòng làm việc để tiếp khách.
Hiện khách hàng của anh rất đa dạng từ những người thu nhập thấp đến những ông chủ sở hữu các chuỗi nhà hàng lớn ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Ngoài mua lại đồ cũ từ các nơi, anh còn tìm đến nguồn hàng là các sản phẩm mới của các công ty đang gặp khó khăn trong tiêu thụ để mua với giá xuất xưởng và phân phối lại đến người tiêu dùng. Anh Thưởng còn có đội thợ lành nghề chuyên về điện tử, điện lạnh, đồ gỗ, nhôm kính để phục vụ các nhu cầu và sẵn sàng bảo hành từ 6 tháng đến 1 năm đối với sản phẩm.
Anh Thưởng còn dự định biến chợ đầu mối Bắc Thăng Long thành khu chợ đồ cũ lớn nhất Thủ đô và là địa điểm du lịch độc đáo, khác lạ của Hà Nội.
Vua bưởi da xanh Việt Nam
Ông Đặng Văn Rô (trú ở xã Thanh Tân, huyện Mỏ Cày, Bến Tre) được mệnh danh là "vua bưởi" Ba Rô, từng đoạt hàng chục huy chương, cúp vàng và các bằng khen cho thương hiệu bưởi nổi tiếng của mình.
Năm 1971, ông Đặng Văn Rô (Ba Rô) đưa gia đình về định cư tại xã Thanh Tân. Trên mảnh vườn rộng vài ngàn mét vuông um tùm cây cối có một gốc bưởi cổ thụ chu vi khoảng 80cm. Sau vài lần hái ăn thấy ngon, ông chiết ra mấy chục nhánh trồng thử. Nhiều người trong xã cũng đến xin về trồng, ông hướng dẫn họ cách chăm sóc. Do cây quá già, lại liên tục cho trái nên sau một thời gian gốc bưởi cổ thụ chết. Sau nhiều năm kinh doanh lò ép mía, trồng cam và nhãn thất bại, ông Ba Rô chuyển sang trồng bưởi da xanh.
Ông Đặng Văn Rô được mệnh danh là "vua bưởi da xanh Việt Nam"

Từ vài ngàn mét vuông, ông nhân rộng ra vài chục, vài trăm hecta theo đơn đặt hàng. Tuy nhiên, mãi đến năm 1999, ông Ba Rô đưa bưởi nhà mình tham dự cuộc thi "đấu xảo trái cây ngon" do Trung tâm cây ăn quả Long Định (Tiền Giang) tổ chức và giành được giải nhì thì loại bưởi này mới được nhiều người biết đến. Bắt đầu nổi tiếng, ông Ba Rô nhân giống và chiết ra hàng ngàn cây con, được bao nhiêu khách hàng khắp nơi đều đến lấy hết.

Năm 2001, lứa bưởi da xanh của ông Ba Rô được xuất khẩu thử nghiệm thông qua Công ty rau quả Tiền Giang với số lượng 1.000 trái, giá 20.000 đồng/kg. Năm 2004 và 2005, thương hiệu bưởi da xanh "BR99" của gia đình ông được Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn trao huy chương vàng trong Hội chợ triển lãm nông nghiệp quốc tế tổ chức tại TP.HCM. Ngoài ra, Cơ sở Thuận Hòa (nay là Công ty TNHH SX-TM Ba Rô) của ông còn đoạt hàng chục huy chương, cúp vàng, bằng khen các loại...
Sau nhiều năm nghiên cứu mày mò, ông Ba Rô còn tạo ra loại mứt bưởi và rượu bưởi độc đáo. Năm 2009, mứt bưởi da xanh hiệu Ba Rô đã giành huy chương vàng tại Hội chợ triển lãm kinh tế nông nghiệp Việt Nam tổ chức tại Đồng Nai.
Vua bưởi Hà thành
Ông Nguyễn Hữu Thiện, Giám đốc Công ty Khải Hoàn, chủ thương hiệu bưởi Thiện Hồng được mệnh danh là "vua bưởi" đất Hà thành.
Vào đời từ năm 9 tuổi, từng bán trà đá, diêm quẹt, chuối chiên ở các bến xe, ga tàu tại Sài Gòn, rồi làm tài xế chạy xe đường dài... cuộc đời Nguyễn Hữu Thiện trải qua những chuỗi ngày lao đao, vất vả. Thế nhưng, như định mệnh, số phận đã gắn ông với trái bưởi miệt vườn.
"Vua bưởi Hà thành" - Nguyễn Hữu Thiện

Ông Thiện vốn là tài xế chạy xe Bắc - Nam từ những năm 1986-1987. Bà ngoại và mẹ ông cũng từng bán bưởi trên đường Cách Mạng Tháng Tám, TP.HCM nên ông cũng có thể phân biệt được trái bưởi nào ngon, dở. Sau khi lập gia đình tại Hà Nội, ông bàn với gia đình vợ đưa bưởi ra bán. Sau nửa năm sống chung với gia đình vợ, có được 4,7 triệu đồng làm vốn, vợ chồng ông ra riêng, mở cửa hàng bưởi Thiện Hồng.

Ban đầu, tiền ít không đủ lấy hàng, ông Thiện phải nhờ bạn hàng của mẹ vợ bán thiếu bưởi. Nhưng dù họ có giúp thì mỗi ngày chỉ có thể bán thiếu cho ông 100 trái bưởi. Ông nghĩ làm giàu thì không thể bán lẻ mà phải kinh doanh lớn. Vì vậy ông quyết tâm tìm địa điểm mới rộng hơn cho cửa hàng và bắt đầu chiến lược kinh doanh.
Hiện nay, mỗi ngày ông Thiện bán được 5 tấn bưởi, ngày nhiều khoảng 15-20 tấn bưởi. Bưởi Thiện Hồng có mặt ở hầu hết nhà hàng, khách sạn, quán bar ở Hà Nội. Và đến bất cứ nhà hàng, quán bar nào hỏi bưởi Thiện Hồng ai cũng biết. Bưởi Thiện Hồng không chỉ có mặt ở Hà Nội, mà còn chinh phục người sành ăn các tỉnh Hải Phòng, Thái Bình, Thái Nguyên.
Để đạt được thành quả như ngày hôm nay, những ngày đầu kinh doanh, ông Thiện đã phải gõ cửa từng nhà để bán bưởi. Có hôm cả hai bàn tay ông sưng vù để gọt bưởi giới thiệu cho nhà hàng, quán bar. Phương châm kinh doanh của ông là "đã kinh doanh là phải chiều khách". Ông Thiện chấp nhận đổi bưởi nếu khách hàng không thích, thậm chí còn "một đền năm" nếu khách chọn phải trái bưởi có hạt. Ông cũng đi giao hàng cho khách bất cứ lúc nào, thậm chí 12 giờ đêm.
Ông Thiện cho biết, nhờ vào việc kinh doanh, ông đã góp được một chút công sức vào việc xây dựng, sửa chữa, tu bổ lại một số chùa ở miền Bắc.
Vua hồ tiêu Việt Nam
Phan Minh Thông được mệnh danh là "vua hồ tiêu" Việt Nam, là CEO của Công ty cổ phần (CTCP) Phúc Sinh - một doanh nghiệp tưởng chừng "bé hạt tiêu", nhưng liên tục đứng đầu thị phần xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam trong 5 năm gần nhất, và hiện chiếm 6% thị phần xuất khẩu hồ tiêu thế giới, đồng thời chiếm 15-17% thị phần xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam ra toàn thế giới.
Doanh nhân Phan Minh Thông sinh năm 1975. Phan Minh Thông tốt nghiệp đại học Ngoại thương Hà Nội và khởi nghiệp bằng vị trí "chạy bàn giấy" ở một công ty chuyên xử lý nước thải Nhật Bản. Một năm sau, Minh Thông "Nam tiến", ứng cử vào vị trí nhân viên phòng xuất khẩu ngành hàng hồ tiêu của Pitco - doanh nghiệp vừa được thành lập trước đó 3 tháng, trực thuộc Tổng công ty Petrolimex.
"Vua hồ tiêu" - Phan Minh Thông

Sau khi "set up" hệ thống xuất khẩu hồ tiêu cho Pitco, ông Thông rời công ty nhà nước và chính thức khởi sự kinh doanh với số vốn ban đầu hoàn toàn từ vay mượn. Ông lập ra Công ty TNHH Phúc Sinh từ số vốn ban đầu 800 triệu đồng, sau tăng lên 26 tỷ đồng và hiện là 50 tỷ đồng.

Năm đầu công ty của ông kinh doanh lỗ 500.000 USD, tương đương 1 tỷ đồng. Nhưng không chịu khuất phục, ông quyết tâm làm cho bằng được. Ông cho biết, kinh nghiệm bán hàng từ năm 10 tuổi tại một cửa hàng khô của gia đình, với dòng máu kinh doanh có sẵn từ tấm bé của người Hải Phòng - miền đất giao thương buôn bán, và bên cạnh đó là một khả năng chịu khó, chịu học, cộng các kỹ năng mềm chính là "thế mạnh" của ông và làm nên thành công của Phúc Sinh hiện nay.
Ông Thông chia sẻ bí quyết kinh doanh chính nằm ở khâu marketing - chào hàng, muốn ra thị trường nước ngoài, người bán hàng phải hiểu văn hóa của người mua, nhu cầu của họ. Ngoài ra, công ty của ông còn có sự đầu tư rất nghiêm túc để nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện Phúc Sinh có 4 nhà máy để tuyển chọn hàng hóa đầu vào đến từng công đoạn để cho ra sản phẩm. Tùy thuộc vào ý muốn khách hàng mà Phúc Sinh giao hàng theo chất lượng, giá cả. Hiện tại, Phúc Sinh cũng là một trong bốn công ty tại Việt Nam đang có nhà máy tiêu tiệt trùng. Hai trong số đó là nhà máy của doanh nghiệp Hà Lan và Mỹ, nhà máy còn lại của Tập đoàn Singapore.
Được biết, ngoài kinh doanh hồ tiêu, công ty Phúc Sinh của ông Thông còn lấn sang lĩnh vực cà phê và đạt được những thành công nhất định.
Hải Sơn (Kiến thức)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Những “ông vua” mới nổi của Việt Nam

    Những “ông vua” mới nổi của Việt Nam

    08/08/2013 7:44 AM

    Họ được mệnh danh là những "ông vua", nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh mà họ lựa chọn.

  • Gia tài đáng nể của “vua đồng nát”

    Gia tài đáng nể của “vua đồng nát”

    12/05/2013 6:45 PM

    Từ một người chuyên “mua của người chán, bán cho người cần”, cộng với những kinh nghiệm vốn có của bản thân và một chút nhạy cảm với thị trường, chỉ trong một thời gian ngắn anh Nguyễn Văn Thưởng, Giám đốc Công ty Thương mại và Dịch vụ Thưởng Thưởng đã nắm trong tay khối tài sản “kếch sù”.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.