Bất chấp dịch Covid-19 và thực hiện giãn cách xã hội, hàng loạt doanh nghiệp vẫn báo lãi cao đột biến trong nửa đầu năm 2020.

Những doanh nghiệp đang sống tốt, sống khỏe qua mùa dịch

Nhóm ngành chứng khoán thắng lớn trong quý 2

Nhóm ngành hưởng lợi nhất trong nửa đầu năm có lẽ thuộc về các công ty chứng khoán. Trong bối cảnh thị trường thuận lợi trong quý 2 đã khiến hoạt động môi giới, đầu tư của các công ty chứng khoán tăng trưởng tích cực.

Trong quý 2/2020, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận sự hồi phục mạnh mẽ với thanh khoản toàn thị trường trong quý 2 đã tăng trên 40% so với quý trước đó, đạt trung bình khoảng 6.500 tỷ đồng/phiên. Theo đó với các báo cáo tài chính quý 2 được các công ty chứng khoán công bố đa phần đều báo lãi tăng trưởng rất cao so với cùng kỳ.

Chứng khoán VNDirect ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng trưởng mạnh mẽ nhất khi lợi nhuận sau thuế tăng đột biến lên 101,4 tỷ đồng, gấp 25 lần cùng kỳ năm trước, qua đó kéo lợi nhuận 6 tháng đầu năm lên 13 tỷ đồng. Kết quả tích cực của VDSC trong quý 2 chủ yếu đến từ việc đánh giá lại các khoản đầu tư tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) của hoạt động tự doanh trong bối cảnh thị trường chung hồi phục mạnh.

Chứng khoán SSI cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, lợi nhuận sau thuế đạt 523 tỷ đồng, tăng 138% so với cùng kỳ năm 2019. Hoạt động kinh doanh nguồn vốn, môi giới chứng khoán, cho vay ký quỹ và hoạt động đầu tư tiếp tục là các lĩnh vực đóng góp lớn cho tổng doanh thu.

Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) báo lãi ròng quý 2 đạt 219,5 tỷ đồng, gấp gần 4 lần cùng kì năm ngoái - mức kỷ lục trong nhiều năm gần đây nâng lợi nhuận 6 tháng đạt 332 tỷ đồng, vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm

Công ty chứng khoán lãi cao trong quý 2

Các ông lớn đầu ngành cũng báo lãi lớn

Ông lớn ngành điện EVNGenco 3 (PGV) lãi ròng 1.115 tỷ đồng cao gấp 13,6 lần cùng kỳ năm ngoái trong đó LNST công ty mẹ là 1.096 tỷ đồng. Có thể thấy việc cắt giảm chi phí tài chính là nguyên nhân chính đóng góp vào KQKD quý 2 và nửa đầu năm 2020 của PGV trong đó ngoài việc giảm chi phí lãi vay công ty còn giảm hàng trăm tỷ đồng lỗ chênh lệch tỷ giá.

Tiếp đó là khoản lãi của Dabaco Việt Nam (DBC), ông lớn ngành chăn nuôi báo lãi tới hơn 401 tỷ đồng, gấp hơn 53 lần cùng kỳ năm trước. DBC hưởng lợi lớn khi giá thịt lợn trong nửa đầu năm 2020 luôn đứng ở mức cao. Lũy kế 2 quý, lợi nhuận sau thuế hơn 750 tỷ đồng, gấp hơn 27 lần bán niên 2019 và vượt 64% kế hoạch năm. Đây là mức lãi cao kỷ lục từ khi doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính tới nay.

Ông lớn ngành thép Hoa Sen (HSG) đạt 318 tỷ đồng LNST cao gấp gần 2 lần so với quý 3/2019 nâng lãi ròng 9 tháng NĐTC 2019 – 2020 lên 701 tỷ đồng, tăng 153% so với cùng kỳ, hoàn thành 175% kế hoạch niên độ.

Ông lớn ngành phân bón, Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM) báo lãi ròng đạt 303 tỷ đồng, gấp gần 10 lần cùng kỳ năm 2019 (thời kỳ kết quả kinh doanh doanh nghiệp chạm đáy). Đây cũng là mức lãi cao nhất từ quý 2/2016.

Ông lớn ngành thủy điện là Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (DHN) công bố mức lãi ròng quý 2 đạt 189,5 tỷ đồng cao gấp 2,4 lần so với quý 2/2019.

Những doanh nghiệp lớn cũng lãi lớn

Thị trường cũng ghi nhận mức lãi tăng đáng kể của nhóm doanh nghiệp khu công nghiệp, trong đó quả ngọt đã thuộc về cao su Phước Hòa (PHR), nhờ thu về 314 tỷ đồng lợi nhuận đột khác trong quý 2, gấp 7,5 lần cùng kỳ năm trước chủ yếu nhờ ghi nhận khoản tiền đền bù đất cho dự án KCN Nam Tân Uyên với số tiền 300 tỷ đồng mà doanh nghiệp này báo lãi quý 2 gấp 5,3 lần cùng kỳ 2019.

Hai doanh nghiệp khu công nghiệp khác là Sonadezi Châu Đức (SZC) đạt lợi nhuận sau thuế 71,5 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ nâng lãi 6 tháng lên 125 tỷ đồng và vượt 8,5% kế hoạch lãi cả năm 2020 và Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (D2D) cũng báo lãi sau thuế quý 2 tăng 130% lên 101,5 tỷ đồng.

Sữa Quốc tế (IDP) bất ngờ lột xác trước khi về với Blue Point, doanh nghiệp này báo lãi ròng hơn 114 tỷ, cao gấp gần 3 lần so với thực hiện cùng kỳ năm 2019. Biên lãi gộp IDP tăng mạnh lên mức 36% - ngang ngửa với tỷ suất lợi nhuận của những doanh nghiệp hàng đầu của ngành FMCG như Masan Consumer, Vinasoy.

Những khoản lãi đáng chú ý khác

Nhóm doanh nghiệp lãi cao trong quý 2

Nhờ nhà máy giấy Giao Long đi vào hoạt động mà sản lượng sản xuất và bán ra của Dohaco (DHC) tăng cao so với cùng kỳ giúp doanh nghiệp lãi ròng 79 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần quý 2/2019.

Chuyên sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ y tế, sản phẩm thiết yếu trong thời buổi chống dịch Covid-19, Danameco (DNM) báo lãi ròng 17,4 tỷ đồng, gấp 6,7 lần cùng kỳ năm trước nâng lũy kế 6 tháng đạt 25,5 tỷ đồng cao gấp 8,5 lần cùng kỳ đạt 25,5 tỷ đồng và vượt 5% kế hoạch lợi nhuận năm.

Về với Masan, Bột giặt NET tiếp tục lãi cao kỷ lục trong quý 2, sản lượng tiêu thụ tăng cao giúp Bột giặt NET lãi 42 tỷ đồng trong quý 2 – cao gấp hơn 2 lần cùng kỳ và là con số lãi cao nhất trong lịch sử hoạt động.

Trong lĩnh vực bất động sản ghi nhận hiện tượng Đạt Phương (DPG), nhờ tiếp tục tiến hành bàn giao nhà cho người mua và hạch toán doanh thu của mảng BĐS mà doanh nghiệp này lãi ròng đạt 27 tỷ đồng tăng cao gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ.

Một số doanh nghiệp khác cũng đã công bố con số lãi ấn tượng trong quý 2 có thể kể đến như Than Đèo Nai (TDN) doanh nghiệp này báo lãi 18,4 tỷ đồng cao gấp 9 lần cùng kỳ nhờ sản lượng than tiêu thụ tốt và giá bán bình quân tăng.

Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PVB) báo lãi ròng 38 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 20,4 tỷ đồng giúp 6 tháng lãi 87 tỷ đồng vượt 79% mục tiêu kinh doanh cả năm 2020. Công nghiệp Cao su Miền Nam (CSM) công bố lợi nhuận sau thuế là 18,9 tỷ đồng, tăng trưởng 200% so với cùng kỳ.

Nhiệt điện Ninh Bình (NBP) lãi ròng 21,5 tỷ đồng cao gấp hơn 3 lần cùng kỳ năm ngoái. Nhờ lãi cao trong quý 2 mà lũy kế 6 tháng, NBP lãi ròng 23 tỷ đồng vượt 15,6% mục tiêu kinh doanh cả năm 2020.

Cá biệt cũng có những doanh nghiệp báo lãi lớn không phải đến từ hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp trong đó có trường hợp của Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (AGG) lãi ròng 192 tỷ đồng cao gấp hơn 2 lần cùng kỳ đến từ việc mua nhóm công ty con Hoàng Ân, là chủ sở hữu dự án The Sóng.

Bibica (BBC) lãi ròng quý II 49 tỷ đồng, gấp gần 4 lần cùng kỳ năm trước nhờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất Bibica Miền Bắc (hơn 77 tỷ đồng). Một doanh nghiệp bánh kẹo khác là Bánh kẹo Hải Hà (HHC) ghi nhận 8 tỷ đồng từ thanh lý tài sản, quý 2 lãi đột biến so với cùng kỳ.

Hay như Than Hà Lầm (HLC) mặc dù lỗ trước thuế gần 17 tỷ đồng nhưng lại được bù trừ chênh lệch thuế TNDN theo nghị định 68 về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết số tiền 34,6 tỷ đồng nên LNST đạt gần 18 tỷ đồng tăng cao gấp gần 4 lần so với quý 2/2019.

Trần Dũng (Tổ quốc)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.