Mua tháp Eiffel, mua tập đoàn Dell, mua thị trấn Mỹ là những thông tin khiến các tỷ phú gốc Việt trở nên nổi tiếng.

Triệu phú gốc Việt mua tháp Eiffel

Cuối tuần trước, báo chí bỗng dưng “nóng hổi” vì thông tin triệu phú gốc Việt mua tháp Eiffel. Thông tin được lan truyền từ tờ báo Le Monde của Pháp.

Theo Le Monde, triệu phú gốc Việt Chuc Hoang đang muốn mua lại Société de la Tour Eiffel (Công ty Tháp Eiffel). Công ty này đúng là do kỹ sư Gustave Eiffel thành lập năm 1889 để quản lý tháp Eiffel.

Tháp Eiffel vốn là công trình nổi tiếng toàn thế giới, là biểu tượng của nước Pháp nên việc một tư nhân đòi sở hữu tháp Eiffel đã gây sự chú ý không nhỏ. Và tên tuổi của Chuc Hoang bỗng dưng được nhắc tới nhiều.

Triệu phú gốc Việt Chuc Hoang

Thậm chí, có tờ báo của Pháp còn dành hẳn một bài báo viết về chân dung triệu phú gốc Việt này. Theo đó, ông Chuc Hoang sinh ra tại tỉnh Thái Bình (miền Bắc Việt Nam) vào thời Đông Dương. Cha ông là thẩm phán, có thời gian làm chủ tọa tòa án quân sự.

Hồi thời thiếu niên, ông Chuc Hoang đã sang Pháp học Trường Trung học Saint-Louis, rồi Trường Bách khoa Paris. Sau khi rời ghế trường, ông miệt mài làm việc và trở thành doanh nhân thành đạt.

Tạp chí Challenges (Pháp) đã phát hiện ra ông, tính toán giá trị cổ phiếu của ông và đưa ông vào danh sách 200 doanh nhân giàu nhất nước Pháp. Trong danh sách này, ông Chuc Hoang đứng thứ hạng 176 với tài sản ước tính 290 triệu euro.

Tuy nhiên, chỉ một ngày sau khi ông Chuc Hoang gây ồn ào với thông tin muốn mua tháp Eiffel, đã có bài báo phủ nhận thông tin này.

Theo đó, Société de la Tour Eiffel, công ty ông Chuc Hoang định mua, hoàn toàn không còn dính dáng gì đến tháp Eiffel nữa. Hiện công ty này chuyên kinh doanh địa ốc và đang rất lao đao vì những khoản nợ chồng chất dù sở hữu không ít bất động sản ở Paris.

Trong khi đó, Tour Eiffel (SETE - Công ty Khai thác tháp Eiffel) mới là đơn vị quản lý tháp Eiffel. SETE và Société de la Tour Eiffel là hai công ty khác nhau hoàn toàn.

Dù thông tin ông Chuc Hoang muốn mua tháp Eiffel không chính xác nhưng rõ ràng trong những ngày qua, cái tên Chuc Hoang đã kịp nổi tiếng.

Mua thị trấn của Mỹ

Năm 2012, dư luận Mỹ xôn xao khi doanh nhân Việt mua một thị trấn ở Mỹ trong một cuộc đấu giá. Theo thông tin do nhiều tờ báo lớn của Mỹ cung cấp, doanh nhân này đã trả 900.000 USD để sở hữu thị trấn mang tên Buford.

Vị doanh nhân khiến nước Mỹ “náo loạn” chính là ông Phạm Đình Nguyên - Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ phân phối tổng hợp quốc tế (IDS), trụ sở tại TP.HCM. Ông Nguyên đã vượt qua 25 người từ nhiều quốc gia trong một cuộc đấu giá nghẹt thở.

Thị trưởng Phạm Đình Nguyên của thị trấn Buford PhinDeli

Thông tin này không chỉ được hàng loạt các tờ báo lớn đưa tin mà một số hãng truyền hình uy tín trên thế giới như BBC, CNN, Telegraph cũng vào cuộc. Cái tên Phạm Đình Nguyên bỗng dưng trở nên nổi tiếng ở cả Việt Nam và Mỹ.

Tới năm 2013, cái tên Phạm Đình Nguyên đang “nguội” bỗng nóng trở lại khi ông Nguyên công bố quyết định đổi tên thị trấn thành Buford PhinDeli. Động thái này đi cùng với việc ông Nguyên ra mắt sản phẩm cà phê thuần Việt thương hiệu PhinDeli ngay trên thị trấn này.

“Đổi tên thị trấn có thể có người thích người không thích, người ủng hộ người phản đối nhưng tạo sự tò mò. Có thể người Mỹ ghé lại chỉ để coi thằng cha dở hơi người Việt làm ăn ra sao trên thị trấn này. Tất cả các việc đó dù tốt dù xấu đều tạo sự chú ý rất lớn cho thị trấn này. Đấy mới là khởi đầu để tiếp thị hàng Việt”, ông Nguyên thẳng thắn chia sẻ.

Tỷ phú mua lại hãng Dell

Dell là một trong những hãng công nghệ thông tin hàng đầu thế giới. Chính vì vậy, việc Dell bị thâu tóm là thông tin nhận được sự chú ý lớn từ dư luận. Chính E. Chu, một tỷ phú gốc Việt 45 tuổi là cái tên được nhắc tới nhiều trong thương vụ này.

Thực ra, Chính Chu không bỏ tiền túi ra mua Dell. Ông và giám đốc cấp cao David Johnson được Tập đoàn đầu tư tài chính Blackstone (Mỹ) giao cho trọng trách này. Chính Chu là người giữ vai trò chủ đạo trong thương vụ lần này.

Tỷ phú Chính Chu (ngoài cùng bên trái)

Tuy nhiên, thương vụ này không thành công. Giữa tháng 4/2013, Blackstone bất ngờ tuyên bố ngừng kế hoạch mua thâu tóm hãng máy tính Dell khi các thống kê cho thấy doanh thu PC trên toàn cầu đang rớt kỷ lục. Dù vậy, cái tên Chính Chu vẫn được biết đến nhiều hơn.

Theo TheRichest, tài sản hiện tại của Chính Chu khoảng 1,1 tỷ USD. Ông sở hữu nhiều bất động sản và dàn siêu xe có giá trị. Ở Việt Nam, tỷ phú Chính Chu nổi tiếng hơn khi ông là chồng của ca sĩ Hà Phương, chị em của 2 ca sĩ nổi tiếng Cẩm Ly và Minh Tuyết.

Bầu Đức khiến Chính phủ Lào lên tiếng

Năm 2013, Hoàng Anh Gia Lai và bầu Đức bất ngờ nổi tiếng một cách bất đắc dĩ khi 1 tổ chức phi chính phủ lên tiếng cáo buộc Hoàng Anh Gia Lai phá rừng, chiếm đoạt đất tại Lào và Campuchia.

Hoàng Anh Gia Lai rất nỗ lực thanh minh nhưng mọi nỗ lực từ bản thân Tập đoàn của bầu Đức không hiệu quả bằng sự bênh vực đến từ chính phủ Lào và Campuchia. Sau khi Hoàng Anh Gia Lai bị cáo buộc, báo chí Lào đã viết bài ca ngợi Hoàng Anh Gia Lai có nhiều đóng góp giúp đỡ nhân dân Lào nói chung và các địa phương nam Lào nói riêng.

Không chỉ có vậy, một số quan chức cấp cao của Lào và Campuchia cũng lên tiếng bênh vực Hoàng Anh Gia Lai. Vì vậy, sau một thời gian nổi tiếng bất đắc dĩ, Hoàng Anh đã “thoát” được cáo buộc của tổ chức này.

Thanh Hà (VTC News)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.