Làn sóng gọi vốn nước ngoài vẫn đang được các ngân hàng trong nước đẩy mạnh, trong khi lại không ít cuộc “ly hôn” giữa đối tác chiến lược ngoại với một số ngân hàng và dư luận vẫn đang chờ một sự đột phá.

Các cuộc “chia tay” giữa các đối tác không quá bất ngờ vì khoản đầu tư đã thu về được lợi nhuận tốt

Chứng kiến cuộc chia tay sau 6 năm giữa đối tác chiến lược nước ngoài và VPBank khiến không ít người đặt dấu hỏi về sự tan vỡ. Nhưng điều này không quá bất ngờ vì khoản đầu tư đã thu về được lợi nhuận tốt!

Bất đồng quan điểm!

Thực ra không chỉ có trường hợp VPBank, mà thị trường đã chứng kiến không ít cuộc chia tay giữa ngân hàng trong nước với đối tác chiến lược nước ngoài.

Sau hơn 6 năm “kết hôn” cùng Sacombank, với tỷ lệ cổ phần nắm giữ 9,73%, ANZ đã dần thâm nhập vào nội bộ Sacombank khi cử một số cán bộ nắm giữ các vị trí chủ chốt trong nhà băng này. Sacombank và ANZ cũng lên nhiều kế hoạch phát triển cho tương lai. Trong đó, có kế hoạch ra mắt trung tâm thẻ và chiến lược đẩy mạnh bán lẻ. Thế nhưng đầu năm 2012, ANZ đã chính thức nói lời chia tay Sacombank khi chuyển nhượng toàn bộ phần vốn nắm giữ tại Sacombank cho Eximbank.

Thời điểm ANZ thoái vốn khỏi Sacombank cũng là thời kỳ Sacombank bị thâu tóm bởi nhóm cổ đông lớn, trong đó có Eximbank. Mục đích của việc thoái vốn đều được ANZ và kể cả Sacombank từ chối tiết lộ, chỉ cho biết không còn phù hợp với mục đích của các bên. Đáng chú ý là kể từ khi ANZ chuyển đổi sang mô hình hoạt động của ngân hàng con 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, các kế hoạch hợp tác với Sacombank bị hủy bỏ.

Quay trở lại chuyện tại VPBank. OCBC đã thoái vốn hoàn toàn tại ngân hàng này sau 6 năm là đối tác, với tỷ lệ cổ phần nắm giữ xấp xỉ 15%. Bên nhận chuyển nhượng là các nhà đầu tư cá nhân trong nước. Các cổ đông cá nhân này đều không phải là cổ đông lớn (hơn 5% vốn điều lệ). Việc chuyển nhượng đã được NHNN kiểm tra và chấp thuận trước khi thực hiện giao dịch.

Theo ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank, các nhà đầu tư thường có lý do khi bỏ vốn vào bất cứ đâu, có khi là vì mục tiêu lợi nhuận hoặc nhằm củng cố hình ảnh hay xem đây là cách thức thâm nhập một thị trường mới… Với bất cứ lý do gì, thì việc thoái vốn có thể xảy ra khi họ đã đạt được mục tiêu hoặc xác định chắc chắn không thể đạt được mục tiêu của mình.

VPBank cho rằng, cơ hội bán cổ phần cho cổ đông chiến lược nước ngoài mới trong tương lai sẽ gia tăng vốn chủ sở hữu và các lợi ích khác cho ngân hàng cũng như các cổ đông của VPBank. Cũng theo ông Vinh cho biết, hiện cũng có một số nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng đã tiếp xúc và đang tiến hành thẩm định VPBank.

Cơ hội người mới đến

Do không tìm được tiếng nói chung với CitiBank nên phải chia tay sau một thời gian ngắn hợp tác, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank cho rằng, trong bối cảnh thị trường khó khăn hiện nay, việc tìm kiếm cổ đông ngoại phải thật kỹ để cổ đông của ngân hàng không bị “thiệt đơn thiệt kép”.

Cũng theo ông Bình, để bán được phần vốn có giá trị cao và mang lại thặng dư cho cổ đông, trước hết phải nâng cao tiềm lực tài chính, sức mạnh của chính mình, đồng thời cần chọn thời điểm thích hợp trước khi đi đến quyết định, chứ không thể vội vàng.

Lãnh đạo DongA Bank cho biết, hiện có không ít cổ đông chiến lược nước ngoài đã và đang tiếp xúc với ngân hàng để tìm hiểu với ý định hợp tác lâu dài trong tương lai. Tuy nhiên, DongA Bank vẫn chưa đi đến quyết định cuối cùng.

Với trường hợp Sacombank, kế hoạch bán 20% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài đã được lên sẵn ngay từ khi ANZ thoái vốn và giữa năm 2013 ngân hàng này còn phát đi thông tin sẽ hoàn tất việc bán cổ phần cho đối tác ngoại năm nay. Thế nhưng, gần hết năm 2013 kế hoạch trên của Sacombank vẫn chưa được hoàn tất…

Theo lãnh đạo các ngân hàng, chưa hẳn sớm hợp tác với đối tác chiến lược nước ngoài mà các nhà băng đã thành công trong chiến lược tăng tốc và phát triển. Thực tế cho thấy, một số ngân hàng đã có cổ đông ngoại nhưng đến nay vẫn chưa tạo được dấu ấn. Đơn cử như Southern Bank bán 20% cổ phần cho UOB, nhưng dường như đối tác chiến lược nước ngoài vẫn chưa chi phối được phần nào tại Southern Bank khi tại các cuộc ĐHCĐ thường niên của Southern Bank, đối tác chiến lược nước ngoài vẫn luôn bị lép vế? Và kết quả hoạt động các năm của Southern Bank không như kỳ vọng kế hoạch đặt ra, nợ xấu tăng…

Còn rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những tình trạng trên, song theo nhận định của một lãnh đạo cấp cao một ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, sở dĩ phải chia tay là do các nhà đầu tư cảm thấy không tìm thấy được tiếng nói chung hoặc họ vẫn cảm thấy không thể chi phối được phần nào trong HĐQT, cho dù đã nắm giữ một tỷ lệ cổ phần nhất định. Vì vậy, theo vị lãnh đạo trên, chia tay là cách lựa chọn tốt nhất, cho dù đã có một thời gian dài hợp tác.

Rõ ràng, làn sóng gọi vốn nước ngoài vẫn đang được các ngân hàng trong nước đẩy mạnh, trong khi lại không ít cuộc “ly hôn” giữa đối tác chiến lược ngoại với một số ngân hàng và dư luận vẫn đang chờ một sự đột phá.

Theo Thời báo Ngân hàng
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.