CafeLand - Đại dịch đã làm lung lay lực lượng lao động trên toàn nước Mỹ. Từ tháng Hai đến tháng Tư, hơn 22 triệu việc làm đã bị mất. Nếu tính cả mức tăng 1.371.000 việc làm trong tháng Tám, chỉ 48% lượng việc làm được phục hồi kể từ tháng Tư.

Hầu hết các trường hợp mất việc làm cho đến nay là thuộc các ngành bị ảnh hưởng bởi lệnh giãn cách xã hội như giải trí, nhà hàng và chăm sóc cá nhân, hoặc những ngành mà lao động không có bằng cử nhân. Những ngành này có thể phục hồi một khi nỗi lo về đại dịch giảm bớt. Tuy nhiên, tự động hóa và sự chuyển dịch nhanh chóng sang thương mại điện tử, làm việc từ xa và học trực tuyến sẽ dẫn đến tình trạng mất việc làm trong một số ngành khác tới sau đại dịch.

Bán hàng

Mặc dù doanh số bán lẻ đã trở lại mức trước suy thoái vào tháng Bảy, nhưng việc làm trong ngành bán lẻ đã giảm 5,8% từ tháng Hai đến tháng Bảy. Nếu không tính các cửa hàng ăn uống, việc làm trong lĩnh vực bán lẻ đã giảm 7,5%. Những tên tuổi lớn như JCPenney, Brooks Brothers và Sur La Table nằm trong số hàng chục nhà bán lẻ đã nộp đơn xin phá sản trong thời kỳ suy thoái.

Các vụ phá sản sắp xảy ra của những công ty khác sẽ cho thấy tình trạng sa thải nhân viên còn lâu mới kết thúc trong ngành này - vốn đã được dự báo sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi sự chuyển dịch sang thương mại điện tử. Đồng thời, khi hoạt động B2B dễ dàng được tự động hóa, thì ngày nhiều công việc bán hàng sẽ không còn.

Hỗ trợ văn phòng và hành chính

Trong thập kỷ trước, những công việc có nhiều khả năng bị thay thế bởi công nghệ không phải trong lĩnh vực sản xuất như nhiều người vẫn tin, mà là những công việc hỗ trợ hành chính và văn phòng, thường được thực hiện bởi những người không có bằng cử nhân.

Kể từ khi đại dịch bắt đầu, tỷ lệ thất nghiệp của những người lao động này đã tăng từ 3,3% trong tháng Hai lên 9,8% vào tháng Bảy. Khi nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực cắt giảm chi phí lao động, họ chắc chắn sẽ sử dụng công nghệ để tự động hóa hơn nữa các loại công việc này.

Giáo dục đại học

Đại dịch đã thúc đẩy sự chuyển đổi sang học trực tuyến vì các trường cao đẳng và đại học trên toàn quốc buộc phải kết thúc năm học 2019-2020 theo hình thức giáo dục từ xa. Năm học 2020-2021 sẽ bắt đầu với hình thức học trực tuyến và nhiều trường cao đẳng sẽ chuyển hướng trở lại học từ xa.

Sự gia tăng của giáo dục trực tuyến khiến việc cắt giảm đội ngũ giáo viên có thể vẫn còn ngay cả sau khi đại dịch đã kết thúc. Theo báo cáo, việc làm trong lĩnh vực giáo dục đại học tư nhân đã giảm 12% từ tháng Hai đến tháng Sáu.

Sự sụt giảm lớn về doanh thu và hỗ trợ tài chính từ chính quyền bang và địa phương cũng khuyến khích các trường cao đẳng và đại học cắt giảm chi phí lao động bằng cách tiếp tục chuyển sang giáo dục trực tuyến. Nhiều cơ sở giáo dục đại học có khả năng hợp nhất hoặc đóng cửa hoàn toàn trong vài năm tới.

Du lịch hàng không và khách sạn

Đại dịch đã làm giảm đáng kể số lượng các chuyến công tác vì nhiều doanh nghiệp nhận ra rằng họ có thể làm việc hiệu quả thông qua công nghệ họp trực tuyến. Vì vậy, việc đi công tác có khả năng vẫn ở dưới mức trước đại dịch.

Trước năm 2020, khách công vụ chỉ chiếm một phần trăm nhỏ trong số hành khách đi máy bay trên toàn cầu, nhưng lại chiếm một phần đáng kể trong doanh thu. Tương tự, khách công vụ tạo ra khoảng 70% tổng doanh thu cho các thương hiệu khách sạn toàn cầu do tổ chức các cuộc họp và sự kiện. Sự sụt giảm vĩnh viễn về khối lượng kinh doanh và doanh thu sẽ đồng nghĩa với ít việc làm hơn ở ngành khách sạn và hàng không ngay cả khi đại dịch đã kết thúc.

Xây dựng ngoài nhà ở

Sự chuyển dịch ồ ạt sang làm việc từ xa, mua sắm trực tuyến và học trực tuyến sẽ dẫn đến sự sụt giảm nhu cầu về mặt bằng bán lẻ và văn phòng, bao gồm cả không gian cho giáo dục đại học. Sự thay đổi này sẽ lớn và tương đối đột ngột. Nó sẽ có tác động chưa từng có đối với việc xây dựng bất động sản không phải nhà ở khi các tòa nhà ngừng phát triển. Việc làm trong các ngành dựa vào việc cung cấp dịch vụ cho các tòa nhà văn phòng và cửa hàng bán lẻ, chẳng hạn như vệ sinh và an ninh, cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Lam Vy (CNN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.