Đứng đầu danh sách của 24/7 WallSt là hãng chế tạo thiết bị quốc phòng Mỹ - Lockheed Martin với hơn 36 tỷ USD doanh thu năm 2011, xếp sau là Boeing (Mỹ) và BAE Systems (Anh).

1. Lockheed Martin

Doanh thu bán vũ khí năm 2011: 36,3 tỷ USD

Tổng doanh thu năm 2011: 46,5 tỷ USD

Tổng lợi nhuận: 2,7 tỷ USD

Lĩnh vực hoạt động: Máy bay, thiết bị điện tử, tên lửa, vũ trụ

Doanh thu vũ khí của Lockheed Martin năm 2011 nhỉnh hơn năm trước và chiếm 78% cả công ty. Tính đến hết 2011, hãng này có tới 123.000 nhân viên trên toàn cầu. Tuy nhiên, như các công ty tại Mỹ khác, Lockheed Martin cũng chịu ảnh hưởng từ việc Mỹ cắt giảm chi tiêu tự động và đã đã tuyên bố lên kế hoạch sa thải hàng loạt năm 2012.

2. Boeing (Mỹ)

Doanh thu bán vũ khí năm 2011: 31,8 tỷ USD

Tổng doanh thu năm 2011: 68,7 tỷ USD

Tổng lợi nhuận: 4 tỷ USD

Lĩnh vực hoạt động: Máy bay, thiết bị điện tử, tên lửa, vũ trụ

Boeing là nhà cung cấp thiết bị quân sự lớn thứ hai cho Chính phủ Mỹ. Họ cũng là hãng sản xuất máy bay thương mại lớn nhất thế giới, nổi tiếng với các dòng 747, 757 và 787 Dreamliner. Năm 2011, hãng giành được nhiều hợp đồng trị giá 1 tỷ USD với Cơ quan Hàng không - Vũ trụ Mỹ (NASA).

3. BAE Systems (Anh)

Doanh thu bán vũ khí năm 2011: 29,2 tỷ USD

Tổng doanh thu năm 2011: 30,7 tỷ USD

Tổng lợi nhuận: 2,3 tỷ USD

Lĩnh vực hoạt động: Máy bay, pháo, thiết bị điện tử, phương tiện quân sự, tàu thủy

Vũ khí đóng góp tới 95% doanh thu năm 2011 cho BAE Systems. Năm 2013, hãng cho biết sẽ tập trung tăng trưởng ngoài Mỹ và Anh. Họ dự đoán triển vọng cho hai thị trường này sẽ bị co hẹp do cắt giảm ngân sách và xung đột quốc tế giảm bớt.

4. General Dynamics (Mỹ)

Doanh thu bán vũ khí năm 2011: 23,8 tỷ USD

Tổng doanh thu năm 2011: 32,7 tỷ USD

Tổng lợi nhuận: 2,5 tỷ USD

Lĩnh vực hoạt động: Pháo, thiết bị điện tử, phương tiện quân sự, tàu thủy

Với 18.000 giao dịch trị giá 19,5 tỷ USD năm 2011, General Dynamics là nhà cung cấp thiết bị lớn thứ ba cho Chính phủ Mỹ. Trong đó, 19,2 tỷ USD là thuộc về Hải quân. Doanh thu vũ khí chiếm 73% cả công ty. General Dynamics hiện có gần 95.000 nhân viên trên toàn cầu. Tuy nhiên, họ đã thông báo sa thải hàng loạt trong tuần này do lo ngại việc cắt giảm ngân sách của Mỹ.

5. Raytheon (Mỹ)

Doanh thu bán vũ khí năm 2011: 22,5 tỷ USD

Tổng doanh thu năm 2011: 24,9 tỷ USD

Tổng lợi nhuận: 1,9 tỷ USD

Lĩnh vực hoạt động: Thiết bị điện tử, tên lửa

Đây là một trong những công ty sản xuất thiết bị quốc phòng lớn nhất của Mỹ, nổi bật với tên lửa Tomahawk Cruise. Doanh thu bán vũ khí chiếm đến 90% toàn công ty năm 2011. Tuy nhiên, con số này sẽ giảm mạnh trong thời gian tới do Mỹ đang tiến hành cắt giảm chi tiêu. Trong đó, chi phí quốc phòng chiếm tỷ lệ lớn nhất.

6. Northop Grumman (Mỹ)

Doanh thu bán vũ khí năm 2011: 21,4 tỷ USD

Tổng doanh thu năm 2011: 26,4 tỷ USD

Tổng lợi nhuận: 2,1 tỷ USD

Lĩnh vực hoạt động: Máy bay, thiết bị điện tử, tên lửa, tàu thủy, vũ trụ

Năm 2011, vũ khí chiếm tới 81% doanh thu của công ty. Tuy nhiên, doanh thu năm 2011 lại giảm mạnh so với 28,2 tỷ USD năm trước. Northrop Grumman đổ lỗi việc này cho quyết định cắt giảm ngân sách quốc phòng của Chính phủ Mỹ. Dù vậy, lợi nhuận ròng của hãng vẫn tăng nhẹ so với năm trước.

7. EADS

Doanh thu bán vũ khí năm 2011: 16,4 tỷ USD

Tổng doanh thu năm 2011: 68,3 tỷ USD

Tổng lợi nhuận: 1,4 tỷ USD

Lĩnh vực hoạt động: Máy bay, thiết bị điện tử, tên lửa, vũ trụ

Tập đoàn Hàng không Vũ trụ châu Âu (EADS) có trụ sở ở Hà Lan. Năm 2012, EADS và BAE Systems (Anh) dự định sáp nhập với nhau để tạo thành công ty hàng không - vũ trụ lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, thương vụ này đã sụp đổ vào tháng 10 sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel bày tỏ lo ngại công ty mới sẽ làm giảm tầm ảnh hưởng của Chính phủ Đức và chuyển quyền quyết định sang Pháp - Anh.

8. FInmeccanica (Italy)

Doanh thu bán vũ khí năm 2011: 14,6 tỷ USD

Tổng doanh thu năm 2011: 24,1 tỷ USD

Thua lỗ: 3,2 tỷ USD

Lĩnh vực hoạt động: Máy bay, pháo, động cơ, thiết bị điện tử, phương tiện quân sự, tên lửa.

Vũ khí đóng góp 60% doanh thu năm 2011 cho Finmeccanica. Tuy nhiên, công ty này đang bị cáo buộc hối lộ để giành hợp đồng 750 triệu USD cung cấp 12 máy bay quân sự cho Chính phủ Italy năm 2010. Chủ tịch khi ấy của công ty, Giuseppe Orsi, đã bị bắt giữ hồi tháng 2 vừa qua. Các lãnh đạo cấp cao khác đều bị thay thế. Báo cáo tài chính của hãng cũng bị hoãn công bố cho đến khi sự việc được làm sáng tỏ.

9. L-3 Communications (Mỹ)

Doanh thu bán vũ khí năm 2011: 12,5 tỷ USD

Tổng doanh thu năm 2011: 15,2 tỷ USD

Tổng lợi nhuận: 956 triệu USD

Lĩnh vực hoạt động: Thiết bị điện tử

L-3 Communications có bốn lĩnh vực kinh doanh khác nhau là: hệ thống điện tử, hiện đại hóa - bảo dưỡng máy bay, giải pháp an ninh quốc gia và các thiết bị điều khiển - liên lạc - giám sát. Trong đó, sản phẩm nổi trội nhất là hệ thống máy bay không người lái. Số nhân viên của hãng này là 61.000 người.

10. United Technologies (Mỹ)

Doanh thu bán vũ khí năm 2011: 11,6 tỷ USD

Tổng doanh thu năm 2011: 58,2 tỷ USD

Tổng lợi nhuận: 5,3 tỷ USD

Lĩnh vực hoạt động: Máy bay, thiết bị điện tử, động cơ

United Technologies sản xuất rất nhiều loại vũ khí, nổi tiếng nhất là trực thăng quân sự, như Black Hawk và Seahawk. Đây cũng là công ty có quy mô lớn nhất trong danh sách này với gần 200.000 nhân viên, tính đến năm 2011. Vũ khí đóng góp 20% doanh thu năm 2011 cho United Technologies. Ngoài ra, hãng này còn sản xuất thang máy, thang cuốn, điều hòa và tủ lạnh.

Theo Thùy Linh (vnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.