Chụp ảnh di động, chất lượng màn hình, bảo mật sinh trắc học là những công nghệ phát triển ấn tượng nhất thập kỷ.

10 năm có thể không dài, nhưng đủ để công nghệ thay đổi và phát triển đến chóng mặt. Không ít phần mềm, thiết bị mà chúng ta sử dụng từ năm 2010 đã, hoặc sắp bị xếp vào danh sách đồ cổ.

Hãy xem một số công nghệ đã thay đổi ấn tượng như thế nào trong thập kỷ qua.

Chụp ảnh di động

Tuy chưa thể sánh với máy ảnh chuyên nghiệp, chất lượng camera trên điện thoại đã cải tiến rất nhiều. Nếu 10 năm trước, máy ảnh du lịch (point-and-shoot) vẫn làm mưa làm gió thì hiện nay, người ta có thể chụp những bức ảnh chất lượng với một chiếc smartphone nhỏ gọn.

Không chỉ chụp ảnh đơn thuần, camera trên điện thoại ngày càng cung cấp nhiều tùy chọn đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau. Ảnh: 9to5mac.

Từ khi iPhone 4 ra mắt, camera trên điện thoại dần được các hãng chú trọng nâng cấp về số lượng lẫn chất lượng. Nhiều công nghệ mới giúp điện thoại chụp ảnh thiếu sáng tốt hơn, ảnh chân dung với chất lượng xuất sắc. Có thể thấy rõ sự khác biệt giữa ảnh chụp bằng iPhone 4 và iPhone 11 Pro.

Hiện nay, máy ảnh du lịch đã không còn chỗ đứng khi điện thoại dần đáp ứng nhu cầu cơ bản của người dùng. Chắc chắn trong tương lai, camera trên di động sẽ còn nhiều cải tiến vượt bậc.

Công nghệ màn hình

Năm 2010, Apple ra mắt iPhone 4 với màn hình Retina độ phân giải cao. Nhiều smartphone tiếp theo cũng tăng độ phân giải màn hình, song đó không phải cải tiến duy nhất của công nghệ màn hình trong thập kỷ.

Ngoài độ phân giải, màu sắc, độ tương phản cũng là những yếu tố được chú trọng nâng cấp. Tiêu biểu là sự ra đời của tấm nền sử dụng công nghệ OLED (đi-ốt phát sáng hữu cơ), mỗi điểm ảnh được phát sáng độc lập mà không cần đèn nền. So với LCD, OLED mang đến màu sắc chân thực, màu đen hiển thị sâu và độ tương phản tốt hơn.

Công nghệ màn hình là yếu tố quan trọng cho sự ra đời của smartphone gập, TV cuộn. Ảnh: The Verge.

Nhờ độ mỏng và tiết kiệm năng lượng, tấm nền OLED giúp tạo ra những chiếc TV siêu mỏng, trở thành món đồ trang trí sang trọng. Bên cạnh TV, OLED còn xuất hiện trên nhiều thiết bị công nghệ như laptop, smartphone và smartwatch.

Trong 10 năm tới, OLED sẽ là công nghệ màn hình chủ chốt khi có thể tạo ra TV hay điện thoại uốn cong, những thứ trước đây chỉ xuất hiện trong trí tưởng tượng.

Bảo mật sinh trắc học

10 năm trước, ít ai nghĩ rằng có thể mua hàng online bằng cách chạm vào đầu đọc vân tay, liếc nhìn điện thoại để mở khóa. Năm 2010, sinh trắc học vẫn là thứ gì đó xa vời người dùng. Chỉ các tổ chức như FBI, Bộ An ninh Nội địa mới có quyền liên kết dữ liệu sinh trắc học với danh tính chúng ta.

Những chiếc laptop, ổ USB có đầu đọc vân tay thường hoạt động chậm, phải vuốt nhiều lần mới quét được. Lúc đó, mật khẩu vẫn là giải pháp bảo mật đơn giản nhất.

Đến năm 2013, mọi thứ thay đổi khi Apple giới thiệu iPhone 5s trang bị cảm biến vân tay Touch ID. Người dùng có thể xác thực vân tay trên điện thoại trong chưa đầy một giây để mở khóa hoặc mua hàng trên App Store, sau này có thêm dịch vụ thanh toán Apple Pay.

iPhone 5s là sản phẩm mở đầu trào lưu trang bị cảm biến vân tay trên điện thoại. Ảnh: The Verge.

Với nhiều lợi ích, vân tay nhanh chóng trở thành phương thức bảo mật tiêu chuẩn trên smartphone thay cho mật khẩu hay vẽ hình. Tất nhiên, nhiều lo ngại về bảo mật được đưa ra khi dấu vân tay có thể bị làm giả.

4 năm sau, chính Apple giới thiệu cách bảo mật mới: nhận diện khuôn mặt (Face ID). Với Face ID, người dùng chỉ cần liến nhìn thiết bị để xác thực danh tính. Hệ thống camera TrueDepth do Apple phát triển có thể nhận diện khuôn mặt trong hầu hết điều kiện ánh sáng, mang đến khả năng bảo mật tốt và nhanh hơn Touch ID.

So với 10 năm trước, cách bảo mật điện thoại đã thay đổi rất nhiều.

Ứng dụng nhắn tin

Cách đây 10 năm, chúng ta vẫn lo hết tiền, số chữ cái không đủ, không thể gửi hình hay video bằng tin nhắn SMS. Đến nay, nhờ sự phát triển của smartphone và các dịch vụ nhắn tin bằng Internet, mọi lo lắng ấy không còn nữa.

Viber, WhatsApp, iMessage hay Facebook Messenger đã bắt kịp xu hướng khi cho phép người dùng nhắn tin không giới hạn, gửi bất cứ nội dung đến bất cứ ai mà không sợ tốn tiền điện thoại. Từng có lúc những app nhắn tin là yếu tố thúc đẩy doanh số smartphone khi người dùng không muốn tốn tiền nhắn tin SMS.

Với sự phổ biến của ứng dụng nhắn tin qua Internet, chúng ta không còn cảm giác sợ hết tiền, quá giới hạn chữ cái hay phải xóa tin nhắn cũ vì đầy bộ nhớ nữa. Ảnh: The Verge.

Không chỉ tiện lợi, khả năng đồng bộ tin nhắn giữa nhiều thiết bị cũng là ưu điểm của các dịch vụ nhắn tin. Bạn có thể nhận tin nhắn, gọi video từ điện thoại rồi tiếp tục nhắn trên máy tính hay tablet mà không gặp vấn đề gì.

Chỉ trong 10 năm, cảm giác trò chuyện cả đêm với người yêu bằng tin nhắn SMS đã qua rất lâu rồi.

Nhận diện giọng nói

Vào năm 2010, nhận diện giọng nói đã có mặt nhưng còn khá hạn chế. Phải đến năm 2011, nhận diện giọng nói mới thực sự bùng nổ khi Apple giới thiệu trợ lý ảo Siri trên iPhone 4s.

Sau Apple, nhiều hãng lớn đã bắt đầu quan tâm, ra mắt trợ lý nhận diện giọng nói của riêng mình như Amazon với Alexa (2014) hay Google Assistant (2016).

Với Siri, Alexa hay Google Assistant, người dùng có thể ra lệnh bằng giọng nói để trợ lý thực hiện nhiều tác vụ khác nhau. Không chỉ điện thoại, trợ lý ảo còn xuất hiện trên loa thông minh, smartwatch hay máy tính, trang bị trên hàng loạt sản phẩm nhà thông minh.

10 năm trước, ít ai nghĩ rằng có thể điều khiển điện thoại, rèm cửa hay loa phát nhạc bằng giọng nói. Ảnh: The Verge.

Giờ đây, hàng trăm thiết bị có thể điều khiển bằng giọng nói. Các phần mềm như Google Translate, Google Search còn chuyển giọng nói của người dùng thành văn bản, hỗ trợ nhiều ngôn ngữ khác nhau. Khả năng nhận diện giọng nói ngày càng được cải tiến cho độ chuẩn xác cao hơn.

Tuy nhiên bên cạnh sự tiện dụng, nhận diện giọng nói còn mở ra nhiều lo ngại về quyền riêng tư, các lỗ hổng có thể giúp kẻ xấu nghe lén hàng triệu gia đình.

Trí tuệ nhân tạo

Vào đầu thập kỷ, hầu hết chúng ta vẫn khá mơ hồ về khái niệm trí tuệ nhân tạo. Đây là những gì các nhà khoa học muốn có từ hàng chục năm trước.

Trong khi việc tái tạo não người thành một con chip còn quá xa vời, mô phỏng một phần não người đã là thành công của giới công nghệ, hướng tới tương lai đầy hứa hẹn với robot và xe tự hành.

Sau 10 năm, xe tự hành đã chạy trên đường, robot có thể thay con người trong một số lĩnh vực. Dù đã thành hình, vẫn còn nhiều thách thức cần giải quyết để giấc mơ về những chú robot mang ý thức của con người trở thành hiện thực.

Liệu trong tương lai, robot sẽ thay thế hoàn toàn con người? Ảnh: The Verge.

Về phương diện người dùng, trí tuệ nhân tạo cũng đóng vai trò lớn trong các ứng dụng mà chúng ta tiếp cận hàng ngày. Các phần mềm như Photoshop sử dụng trí tuệ nhân tạo để nhận diện, xóa hoặc lấp vật thể, Lightroom chỉnh màu sắc còn tốt hơn con người. Siri hay Google Assistant có thể học thói quen, đưa ra gợi ý dựa trên sở thích của người dùng.

Những khái niệm học sâu hay mạng thần kinh cũng trở nên gần gũi hơn, xuất hiện mọi nơi đặc biệt là trong deepfake - kỹ thuật ghép mặt, giọng nói vào video, thứ sẽ khiến chúng ta khó phân biệt thật giả hơn trong tương lai.

Theo dõi sức khỏe

Bên cạnh tính năng giải trí, các sản phẩm thông minh còn giúp đỡ chúng ta rất nhiều trong việc theo dõi sức khỏe. Khởi đầu với Nike Fuelband, thiết bị nhỏ gọn đeo trên cổ tay có thể cung cấp những thông số cơ bản về sức khỏe thông qua ứng dụng kết nối với smartphone.

Không còn dựa vào điện thoại, các cảm biến đo đạc trên vòng đeo thông minh cũng ngày càng chính xác, mang đến các thông số hữu ích khi chúng ta tập luyện thể thao.

Với Apple Watch hay smartwatch nói chung, người dùng có thể theo dõi thông số nhịp tim, bước chân dễ dàng với độ chính xác tương đối mà không cần những thiết bị đo đạc chuyên nghiệp. Ảnh: The Verge.

Năm 2015, sự ra đời của Apple Watch là bước ngoặt của thiết bị theo dõi sức khỏe đeo tay khi có thể đếm bước đi, tính toán lượng calo, đưa ra cảnh báo khi chúng ta ngồi quá lâu và nhiều công cụ hữu ích khác.

Năm 2018, Apple Watch Series 4 với tính năng đo điện tim, phát hiện té ngã tiếp tục mang đến khả năng theo dõi sức khỏe tuyệt vời. Không chỉ đo nhịp tim nhanh hơn, nó còn cảnh báo cho người dùng ngay khi phát hiện nhịp tim có vấn đề, hoặc gọi khẩn cấp khi người dùng té ngã để nhận trợ giúp kịp thời.

Kết nối không dây

Năm 2010, laptop có Wi-Fi còn khó tìm huống hồ gì điện thoại. Sau 10 năm, lượng thiết bị kết nối Wi-Fi trong nhà chúng ta đã tăng lên rất nhiều, đặc biệt là sự xuất hiện của các thiết bị nhà thông minh. Với kết nối Wi-Fi, bạn có thể điều khiển chúng ngay trên chiếc smartphone.

Tai nghe true-wireless là một trong nhiều thiết bị hưởng lợi nhờ sự phát triển của các công nghệ không dây như Bluetooth. Ảnh: The Verge.

Để đáp ứng nhu cầu kết nối lớn, bản thân công nghệ Wi-Fi cũng có những cải tiến về tốc độ, băng thông và bảo mật. Nhiều nhà sản xuất còn đưa ra giải pháp kết hợp (mesh), sử dụng nhiều bộ định tuyến để cùng phát một mạng Wi-Fi cho tốc độ, băng thông cao hơn, giảm tình trạng "nghẽn cổ chai" nếu kết nối quá nhiều thiết bị.

Bluetooth cũng là công nghệ chứng kiến nhiều thay đổi. Nếu 10 năm trước, tốc độ và phạm vi kết nối của Bluetooth còn kém thì đến nay, Bluetooth được sử dụng để kết nối hầu hết thiết bị không dây (loa, tai nghe, bàn phím, chuột...) với độ trễ thấp, tốc độ và phạm vi kết nối cao, góp phần tạo ra thế giới không dây mà chúng ta hằng mong ước.

Phúc Thịnh (ZN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.