Điểm lại năm 2021, Tập đoàn Danko cho thấy xu hướng phụ thuộc hơn vào nguồn lực bên ngoài, khi tổng giá trị vay và nợ thuê tài chính ngắn và dài hạn tăng thêm hơn 1.100 tỷ đồng, bằng phân nửa vốn điều lệ. Trong khi đó, khoản mục phải thu về cho vay ngắn hạn chứng kiến giá trị tăng xấp xỉ...

Những chuyển động tài chính tại Tập đoàn Danko, sản nghiệp nghìn tỷ của ông Trần Hữu Sử

Những bước tiến của Tập đoàn Danko

Tròn 10 năm hình thành và phát triển, từ một doanh nghiệp vô danh, Tập đoàn Danko đã trở thành cái tên có chỗ đứng trên thương trường, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư, quản lý, phát triển các dự án bất động sản khu vực phía Bắc.

Nhiều năm qua, Tập đoàn Danko không che giấu tham vọng muốn lọt tốp thương hiệu địa ốc hàng đầu Việt Nam, muốn thay đổi diện mạo các đô thị trên cả nước với những sản phẩm mang đậm phong cách châu Âu của mình.

Trong danh mục dự án đã và đang được Tập đoàn Danko phát triển, tiêu biểu là dự án khu đô thị Danko City với quy mô 50ha, tổng vốn đầu tư 1.300 tỷ đồng, tại xã Cao Ngạn, phường Chùa Hang, thành phố Thái Nguyên. Đây cũng là nơi tổ chức vòng chung khảo toàn quốc của cuộc thi Miss World Vietnam 2022, do doanh nghiệp này đăng cai hồi tháng 4 vừa rồi.

Một dự án trọng điểm khác của Tập đoàn Danko đó là khu đô thị Danko Avenue (khu nhà ở Bách Quang) có quy mô khoảng 18ha, nằm trên khu vực phường Bách Quang, thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên, nhận quyết định thực hiện vào tháng 7/2019.

Đầu năm 2022, Bộ Xây dựng đã yêu cầu tỉnh Thái Nguyên rà soát việc phân lô bán nền tại dự án này, để đảm bảo việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô bán nền tại dự án trên không trái với mục tiêu trong các quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận đầu tư, giao đất và các văn bản pháp lý có liên quan khác của dự án.

Bộ Xây dựng cũng nhấn mạnh việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải tuân thủ các quy định của pháp luật kinh doanh bất động sản, pháp luật về đất đai, nhà ở và pháp luật có liên quan...

Vẫn ở Thái Nguyên, Tập đoàn Danko đang "nhăm nhe" các dự án lớn khác của tỉnh, bao gồm khu đô thị và dịch vụ tiện ích Sông Công II (khu A) và khu đô thị và dịch vụ tiện ích Sông Công II (khu B), thông qua pháp nhân hoàn toàn mới là Công ty Cổ phần Đầu tư Hà Thu (viết tắt là Công ty Hà Thu).

Công ty Hà Thu, dù chỉ vừa thành lập vào đầu tháng 12/2021 với vốn điều lệ 450 tỷ đồng, đã trở thành nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện cả hai dự án trên, sau khi chính quyền tỉnh Thái Nguyên công bố kết quả sơ tuyển hồi tháng 3.

Trong trường hợp này, Công ty Hà Thu - đơn vị do Chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Danko Trần Hữu Sử nắm quyền chi phối tuyệt đối với 99,56% vốn điều lệ, nhiều khả năng sẽ được tỉnh Thái Nguyên lựa chọn là nhà đầu tư thực hiện cả hai dự án thông qua hình thức chỉ định thầu.

Bên cạnh việc tạo dựng tên tuổi ở Thái Nguyên, Tập đoàn Danko thời gian gần đây cho thấy xu hướng gia tăng sự hiện diện xuống khu vực miền Trung, trọng tâm là tỉnh Thanh Hóa - quê hương của chủ tịch Trần Hữu Sử.

Chẳng hạn hồi quý I/2022, Tập đoàn Danko đã đăng ký thực hiện dự án khu đô thị Tây Nam đại lộ Nam sông Mã 1 tại phường Quảng Hưng, thành phố Thanh Hoá. Doanh nghiệp rất rộng cửa tại dự án quy mô hơn 23ha, vốn đầu tư 3.600 tỷ đồng trên, bởi yếu tố thuận lợi nhất vẫn là nhà đầu tư "độc diễn" đăng ký thực hiện, đồng nghĩa với việc xóa tan mọi sức ép cạnh tranh mà đáng ra phải có.

Trước đó, ngày 23/3/2021, Tập đoàn Danko cũng đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép tài trợ kinh phí lập đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu đô thị mới Ba Đình, tại phường Ba Đình và phường Bắc Son thuộc thị xã Bỉm Sơn.

Vẫn tại Thanh Hoá, vào cuối 2020, Tập đoàn Danko đã được UBND tỉnh giao phối hợp với UBND huyện Quảng Xương để nghiên cứu, tài trợ kinh phí khảo sát, lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu đô thị mới Đông Tân Phong tại thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương với diện tích khu đất khoảng 22,8ha.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng từng đề nghị tài trợ kinh phí lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu dân cư đô thị mới tại xã Quảng Định, huyện Quảng Xương và xã Quảng Đông, thành phố Thanh Hóa, song không được xem xét do không phù hợp...

Những chuyển động tài chính

Diễn tiến cùng chiều với chiến lược phát triển, nguồn vốn của Tập đoàn Danko liên tiếp được nâng cấp trong suốt nhiều năm. Nhìn lại năm 2012, tại thời điểm sáng lập, Tập đoàn Danko chỉ có số vốn khiêm tốn 50 tỷ đồng.

Từ dấu mốc năm 2018, doanh nghiệp công bố thêm nhiều đợt tăng vốn nữa nhờ ông Nguyễn Hữu Sử cùng các cộng sự bơm thêm lượng tiền lớn, để rồi kết thúc năm 2020, vốn điều lệ của Tập đoàn Danko đã tăng lên 1.530 tỷ đồng và vượt ngưỡng 2.250 tỷ đồng vào năm 2021.

Khi ấy, từ mức tài sản 47,4 tỷ đồng ghi nhận năm 2016, với 5 năm duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, Tập đoàn Danko đã xây dựng khối tài sản lên đến 4.064 tỷ đồng, gấp gần 86 lần.

Bên cạnh sự thay đổi theo chiều hướng tích cực, là tài sản năm 2021 tăng 85% so với năm trước đó, thì một trong số chuyển biến khác của Tập đoàn Danko về tài chính, đó là dấu hiệu phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn lựa bên ngoài, phán ảnh qua hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 0,8 lần, trong khi năm trước là 0,4 lần, tương ứng mức tăng gần gấp đôi.

Đi sâu vào cấu trúc tài chính, nợ phải trả của Tập đoàn Danko năm 2021 đã nhảy vọt từ 670,9 tỷ đồng lên 1.813 tỷ đồng (tăng 2,7 lần), chủ yếu từ khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn, tăng thêm 1.060 tỷ đồng so với cùng kỳ, lên mức 1.561 tỷ đồng. Tương tự, khoản nợ vay ngắn hạn cũng tăng gấp đôi lên 149 tỷ đồng trong năm đã qua.

Sau khi huy động thêm nguồn lực khá lớn từ các đối tác (chiếm gần phân nửa vốn điều lệ), bảng cân đối kế toán tiếp tục thể hiện một điểm đáng chú ý, đó là sự gia tăng đáng kể của khoản mục phải thu về cho vay ngắn hạn.

Từ 235 tỷ đồng hồi đầu năm 2021, khoản mục này đã tăng lên 1.376 tỷ đồng vào cuối năm 2021, tức tăng hơn 1.140 tỷ đồng, cũng xấp xỉ so với số tiền chênh lệch tăng giữa tổng nợ vay trong năm. Không loại trừ khả năng, Tập đoàn Danko đứng ra vay số tiền lớn (bằng một nửa vốn điều lệ), sau đó chuyển cho bên thứ ba mượn lại.

Thu lãi từ khoản cho vay này, doanh thu tài chính của Tập đoàn Danko tăng gấp 2,6 lần so với năm 2020, lên gần 44 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp bỏ ra hơn 6 tỷ đồng trả chi phí lãi vay, gấp hơn 10 lần năm trước đó.

Không chỉ hoạt động tài chính, hoạt động kinh doanh cốt lõi của Tập đoàn Danko cũng biến động mạnh, với doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 81% so với năm 2020, xuống còn 5,7 tỷ đồng.

Trong năm, chi phí giá vốn lên đến 6,6 tỷ đồng, khiến doanh nghiệp lỗ gộp gần 900 triệu đồng, trong khi năm 2020 có lãi 441 triệu đồng. Thêm vào đó, với chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gấp 3 lần lên 28,4 tỷ đồng, nếu không có doanh thu tài chính đột biến chắc hẳn Tập đoàn Danko đã cõng khoản lỗ khá nặng.

Nhưng kết quả chung cuộc, doanh nghiệp vẫn công bố lợi nhuận sau thuế 716,5 triệu đồng, cao hơn mức thực hiện 501 triệu đồng của năm trước.

Nhìn nhận ở góc độ kém tích cực, các năm trở lại đây, doanh thu thuần của Tập đoàn Danko cho thấy sự sụt giảm nghiêm trọng. Không giống như đà tăng thần tốc giai đoạn 2016-2018, trái ngược lại, chỉ tiêu này liên tiếp dò đáy sau khi leo lên mức đỉnh 490 tỷ đồng (2018).

Hệ quả là các năm 2019-2021, lợi nhuận của Tập đoàn Danko vỏn vẹn chưa đầy 1 tỷ đồng/năm, trong bối cảnh doanh thu thuần giảm lần lượt 33%, 90% và 81% giá trị so với cùng kỳ.

Chưa dừng lại ở đó, dòng tiền kinh doanh của Tập đoàn Danko suốt 6 năm trở lại đây liên tục âm nặng. Đáng nói nhất là năm 2020 âm đến 1.155 tỷ đồng, trong khi năm 2019 âm 565 tỷ đồng, năm 2021 cũng là âm 565 tỷ đồng.

  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Những chuyển động tài chính đáng lưu ý tại Tập đoàn Danko

    Những chuyển động tài chính đáng lưu ý tại Tập đoàn Danko

    14/05/2022 1:15 PM

    Điểm lại năm 2021, Tập đoàn Danko cho thấy xu hướng phụ thuộc hơn vào nguồn lực bên ngoài, khi tổng giá trị vay và nợ thuê tài chính ngắn và dài hạn tăng thêm hơn 1.100 tỷ đồng, bằng phân nửa vốn điều lệ. Trong khi đó, khoản mục phải thu về cho vay ngắn hạn chứng kiến giá trị tăng xấp xỉ...

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.