Trung Quốc tiếp tục cho thấy khuynh hướng mua bất động sản và công ty nước ngoài, số thương vụ cùng số tiền đã lập kỷ lục trong vài tháng đầu năm nay, theo CNN.
Sau khi "vồ hụt" Starwood Hotels, Công ty Anbang của Trung Quốc đã nhắm tới Allianz - Ảnh: Bloomberg
Theo The Wall Street Journal ngày 6/5, Tập đoàn Bảo hiểm Anbang Insurance Group của Trung Quốc sắp đạt thỏa thuận 3 tỷ USD mua lại Allianz Life Insurance Korea và Allianz Global Investors Korea, hai chi nhánh hoạt động tại Hàn Quốc của Tập đoàn Allianz SE, Đức.
Bạo chi
Thông tin về Allianz đến chỉ vài ngày sau khi Anbang chính thức rút khỏi thương vụ mua lại Công ty Starwoods Hotels, Mỹ với giá kỷ lục 14 tỷ USD. Tuy nhiên, rõ ràng nó phản ánh "sức mua" khủng khiếp của các công ty Trung Quốc hiện tại.
Tính ra trong 5 tháng đầu năm 2016, các công ty Trung Quốc đã chi tổng cộng 108,5 tỷ USD cho các hợp đồng giao dịch nước ngoài, CNN ngày 3/5 dẫn kết quả nghiên cứu của Hãng Dealogic cho biết.
Như vậy, mới chưa đầy nửa năm mà số tiền các "đại gia" đại lục chi ra cho hoạt động này đã vượt qua mốc 106 tỷ USD mà họ đổ ra nước ngoài trong cả năm 2015. Mặc dù các hợp đồng đã được công bố này vẫn còn đợi sự chấp thuận của chính phủ các nước, nhưng nó rất ấn tượng về "kích cỡ".
Trong khi số tiền 106 tỷ USD của năm ngoái được chia cho 611 hợp đồng, thì năm nay, chỉ cần 281 bản thỏa thuận đã đạt đến con số 108,5 tỷ USD. Trong số này, có thể kể đến các hợp đồng như hợp đồng 48 tỷ USD giữa Tổng công ty Thiết bị Hóa chất Quốc gia Trung Quốc (ChemChina) và Công ty Sản xuất hạt và Hóa chất nông nghiệp Thụy Sĩ Syngenta, hợp đồng giữa Tianjin Tianhai Investment và Ingram Micro (6,3 tỷ USD), hợp đồng giữa Haier và GEs appliance business (5,4 tỷ USD), hợp đồng giữa Zoomlion Heavy và Terex (4,8 tỷ USD)...
Bên cạnh các hợp đồng mua doanh nghiệp, các công ty Trung Quốc cũng tích cực mua bất động sản tại nước ngoài. Thủ đô London của Anh, nơi có giá bất động sản đắt đỏ bậc nhất thế giới, lại thu hút người Trung Quốc hơn bất cứ nơi nào khác, theo Forbes.
Đa phần trong các hợp đồng này không phải là thâu tóm công ty, mà là tiếp quản tài sản thương mại, với ít nhất hai khu phức hợp văn phòng lớn đã được phía Trung Quốc công bố trong năm 2016.
Tòa nhà Aldgate Tower tại London đã được Công ty Bảo hiểm China Life Insurance và đối tác Brookfield Property Partners mua lại với giá 346 triệu bảng (hơn 500 triệu USD), trong khi khu phức hợp Canary Wharf cũng được Hãng Hàng không Hainan Airlines (HNA) mua lại.
Sự sôi động trong hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các công ty Trung Quốc, với sự hỗ trợ từ chính phủ phản ánh kế hoạch "Một vành đai - một con đường" của nước này - Ảnh: Bloomberg
Không chỉ là nước Mỹ
Báo chí quốc tế không ít lần hình tượng hóa rằng "Trung Quốc đang mua cả nước Mỹ”, đề cập tới việc những công ty hàng đầu xứ cờ hoa đã và đang bị các chủ đầu tư đại lục mua lại.
Mặc dù vậy có thể nói, nước Mỹ dẫu đóng vai trò quan trọng nhất nhưng cũng chỉ là một phần trong luồng chảy của dòng tiền từ Trung Quốc, một nền kinh tế đang bắt đầu ở giai đoạn thoái trào và buộc phải bành trướng sức ảnh hưởng ra các thị trường khác.
Đó cũng là lập luận trên tờ The Financial Times (Anh) từ năm ngoái, khi họ dẫn ra một nghiên cứu từ Rhodium Group và Viện Nghiên cứu Trung Quốc trụ sở ở Berlin (Đức) cho thấy Trung Quốc sẽ là nhà đầu tư quốc tế lớn nhất toàn cầu tính tới năm 2020. Theo đó, trong khi phần lớn đầu tư sẽ ở dạng dự trữ ngoại hối và đầu tư gián tiếp, một phần sẽ đến từ đầu tư trực tiếp của Trung Quốc tại các nước phát triển ở phương Tây.
Từ năm 2000 đến 2015, các công ty Trung Quốc đã chi 46 tỷ euro trên 1.047 vụ đầu tư trực tiếp tại 28 quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu (EU), với hầu hết các giao dịch xuất hiện đúng lúc diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và 2009.
Vương quốc Anh là nơi nhận đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc nhiều nhất với tổng cộng 12,2 tỷ euro trong giai đoạn ấy, kế tiếp là Đức (6,9 tỷ euro) và Pháp (5,9 tỷ euro). Sau giai đoạn thụt lùi từ 2011 tới 2013, Trung Quốc tái đầu tư mạnh mẽ vào châu Âu trong năm 2014, đạt tới 14 tỷ euro.
Sự tăng tốc lẫn cường độ đầu tư từ Trung Quốc ra nước ngoài một phần lớn cũng nhờ vào việc chính phủ nước này đưa ra các chính sách hỗ trợ điều đó, theo The Financial Times.
Hồi tháng 3 năm nay, tờ China Daily đưa tin Hội đồng Xúc tiến thương mại Trung Quốc phát hành một bản hướng dẫn dành cho thị trường xuất khẩu để hỗ trợ lĩnh vực thương mại nước ngoài.
Theo đó, bản hướng dẫn bao gồm tổng quan tình hình kinh tế, chính trị, chính sách, con người, tài nguyên, cơ sở hạ tầng... của các khu vực kinh tế mới nổi ở Mỹ La tinh và châu Phi.
Đây có thể coi là một nỗ lực giúp các doanh nghiệp Trung Quốc giảm sự phụ thuộc vào các thị trường lớn như Mỹ và EU, trong bối cảnh xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy các thị trường khó tính này ngày càng kiêng dè các sản phẩm và công ty Trung Quốc.
Với đồng nhân dân tệ ngày càng mạnh, các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ càng được khuyến khích đầu tư ra nước ngoài vì tài sản nước ngoài bỗng dưng sẽ rẻ hơn, theo cách lập luận của The Walls Street Journal.
Ngoài ra, việc nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại trong vài năm nay, những thay đổi lớn trong quy định về môi trường, cũng khiến doanh nghiệp nước này muốn tìm đến nhiều thị trường khác tiềm năng hơn.
Giang Lang (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.