Chuyên gia viễn thông Hoàng Mạnh Cường từng nói rằng những ứng dụng gọi điện miễn phí như Viber, Skype, Wechat sẽ “cướp cơm” của các hãng viễn thông Việt Nam. Bẵng đi một thời gian, khi sang Anh công tác, tôi mới thấy anh nói đúng. Thay vì roaming và mất hơn 24.000 đồng/phút gọi về Việt Nam, tôi không tốn đồng nào khi dùng Viber gọi cho người nhà. Âm thanh trong, rõ và hoàn toàn miễn phí.

Nếu đi đường cũ, các nhà mạng Việt Nam sẽ bị những ứng dụng thoại miễn phí giành mất thị phần.

Viber là một công ty nhỏ của Israel. Cuối tháng 7 năm nay, Viber đã công bố phần mềm gọi điện nhắn tin miễn phí Viber. Tới đầu tháng 9, Viber đã có được 100 triệu người dùng. Điều này đồng nghĩa với việc Viber đã “cướp” đi 1,5 tỉ phút gọi và 2 tỉ tin nhắn của các nhà mạng trên thế giới. Theo hãng nghiên cứu thị trường Ovum (Anh), năm 2011, các công ty viễn thông mất 14 tỉ USD do khách hàng chuyển sang sử dụng các dịch vụ miễn phí của Viber.

Ở Việt Nam, ngoài Skype, Whatsapp, Viber, còn có những phần mềm của Việt Nam như Wala, Zalo (VNG)... tham gia vào thị trường. Hiện tại, Zalo hay Wala đang là ứng dụng tin nhắn miễn phí mà những người dùng smartphone hệ điều hành Adroid, iOS có thể dễ dàng tải về. Trong vòng 1 tháng kể từ ngày ra mắt, Wala đã thu hút 15.000 lượt tải.

“Nếu các mạng viễn thông di động không có động thái nào để đối phó với những công cụ, ứng dụng thoại miễn phí này thì sớm muộn gì họ cũng chết. Chết thật sự chứ không phải đùa!”, ông Cường nhận định.

Tuy nhiên, các nhà mạng Việt Nam dường như vẫn thờ ơ với mối đe dọa này. Đại diện của Viettel và MobiFone đều nhận định hiện nay người dùng smartphone ở Việt Nam bắt đầu tiếp cận đến Viber cùng các ứng dụng tương tự khác nhưng chất lượng đàm thoại chưa ổn định nên họ không quá lo lắng. Hơn nữa, muốn sử dụng các phần mềm này, người dùng buộc phải có kết nối mạng hoặc wifi, 3G. Thêm nữa cả 2 máy đều phải là smartphone và đều cùng sử dụng cùng một phần mềm. Vậy nên cách nhắn tin và gọi điện thông thường vẫn đang chiếm xu thế lớn.

Tuy nhiên, đại diện của Viettel cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới Viettel sẽ đẩy mạnh các gói cước hấp dẫn cho khách hàng.

Ông Hoàng Mạnh Cường thì cho rằng, nhà mạng Việt Nam đang đứng trước ngã ba đường. Nếu tiếp tục đi con đường cũ, phát triển cách thoại truyền thống thì họ sẽ ngồi chờ thời điểm bị những ứng dụng miễn phí kia nuốt chửng. Nhưng nếu phát triển một công cụ thoại miễn phí tương tự thì họ cũng sẽ tự cắn vào thị trường của mình và không thể tiếp tục tăng trưởng mảng lợi nhuận truyền thống. “Tuy nhiên, nếu cứ ngồi yên, tôi sợ rằng họ sẽ chết trong bất lực trước sự bành trướng quá nhanh của những Viber, Skype, Webchat...”, ông Cường lo ngại.

Theo Lan Ca (Nhịp cầu Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.