Khi doanh nghiệp ngành nhựa phá sản hàng loạt vì thuế bảo vệ môi trường cao, ông lại nói với nhân viên: “Đây chính là cơ hội”.

Ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nam Thái Sơn.

Thay vì tập trung đối phó với khó khăn đầu vào - đầu ra, ông âm thầm lập phòng thí nghiệm, nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm bao bì nhựa thân thiện môi trường.

Nhờ đó, đến nay, sản phẩm túi nylon tự phân hủy sinh học của Nam Thái Sơn đã chiếm 70% thị phần tại TP.HCM. Đó chỉ là một trong những cách vượt khó của ông Trần Việt Anh, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nam Thái Sơn.

Ông Trần Việt Anh, 51 tuổi, là một trong những người tiên phong về sản xuất bao bì túi nylon ở Việt Nam vào cuối những năm 80 của thế kỷ trước. Khởi nghiệp từ năm 1989 với vốn đầu tư ban đầu 3,5 triệu đồng, thiết bị chỉ có hai máy dệt bao PP đơn sơ và vài khung in lụa giản đơn, nhân sự chưa tới 10 người, đến nay, công ty do ông sáng lập đã có hai nhà máy (một ở quận 9, TP.HCM và một ở tỉnh Hải Dương), giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động, đem về doanh thu 20 triệu USD/năm, trở thành một trong 3 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về sản xuất bao bì nhựa.

1. Năm 30 tuổi, khi đang là Phó giám đốc một nhà máy sản xuất của một doanh nghiệp nhà nước (Công ty Lương thực miền Nam), Trần Việt Anh đột ngột xin nghỉ việc để ra ngoài tìm hướng kinh doanh trước sự ngỡ ngàng của những người xung quanh.

Trong một lần tình cờ, ông được tận mắt chứng kiến một số người Hoa sản xuất sản phẩm bao bì nhựa tái chế từ những nguyên liệu bỏ đi. Tố chất nhạy bén trong kinh doanh giúp ông sớm nhận ra một khoảng trống mênh mông của thị trường bao bì nhựa. Bởi khi đó, những năm 80 của thế kỷ trước, người dân vẫn phải dùng bao đay để đựng gạo…, mà bao đay thì bị ngấm nước! Ông nhận thấy, đây chính là cơ hội kinh doanh có một không hai và đó là lý do chính khiến ông nghỉ việc nhà nước.

Xuất thân là một kỹ sư cơ khí (Đại học Bách khoa TP.HCM), nên sau khi nghỉ việc, ông nhận làm tư vấn kỹ thuật máy cho một số người Hoa sản xuất bao bì nhựa. Thay vì nhận tiền công, ông chọn cách trả công tư vấn bằng sản phẩm. Sau đó, ông dùng xe gắn máy chở hàng đi tiếp thị, bán lại cho các nhà máy may, nhà máy dệt để hưởng chênh lệch. Để ý mới thấy, cách kinh doanh của ông lúc đó có 4 cái không: không vốn; không nhà xưởng, máy móc; không công nghệ và không phương tiện vận chuyển. “Hồi đó, bán hàng không có hóa đơn, nên có khi bị hiểu lầm là buôn lậu, tôi thường xuyên phải làm giấy biên nhận”, ông nói.

Cơ hội thực sự đến với ông khi ông chủ phân xưởng sản xuất người Hoa nhượng lại xưởng sản xuất cho ông quản lý. Vốn kiến thức làm việc với người Hoa giúp ông nhận ra, sản xuất bao bì nhựa tái chế, thì chỉ có máy móc cũ “tái chế” lại mới sản xuất được ra sản phẩm. Ông bèn quay về doanh nghiệp nhà nước, nơi ông từng làm việc trước đây đề nghị mua lại một số máy móc cũ không sử dụng, sau đó về mày mò chế tạo lại. Từ đây, việc kinh doanh của ông có phần bài bản hơn.

Đến năm 1998, ông quyết định thành lập công ty để có điều kiện nhập thiết bị máy móc từ Đài Loan, nhằm sản xuất hàng phục vụ xuất khẩu. Nhờ cách làm táo bạo này, công ty ông trở thành một trong những doanh nghiệp đi đầu trong ngành nhựa mở đường xuất khẩu và cũng giúp ông nhận được giải thưởng đầu tiên trong đời doanh nhân - Giải Doanh nhân trẻ xuất sắc (năm 2000).

Giờ đây, Nam Thái Sơn đã trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu về ngành bao bì nhựa, nhưng ít ai biết, doanh nghiệp này đã từng đứng bên bờ vực phá sản. Năm 2007, giá nhựa nguyên liệu nhập khẩu tăng cao kỷ lục, đỉnh điểm lên tới gần 2.000 USD/tấn. Khi lô hàng do Công ty cổ phần Nam Thái Sơn nhập khẩu với số lượng 2.000 tấn đang còn lênh đênh trên biển, thì ông Trần Việt Anh nhận được hung tin: giá hạt nhựa nhập khẩu xuống còn 600 USD/tấn. Tính ra, chỉ riêng chênh lệch giá nhập khẩu đã khiến ông bị thiệt 1 triệu USD (trên 20 tỷ đồng).

Khi đó, Công ty mua hạt nhựa nguyên liệu với giá 40.000 đồng/kg về sản xuất thành phẩm để bán ra 30.000 đồng/kg, song ông Trần Việt Anh vẫn kiên quyết, dù lỗ vẫn làm để duy trì công ăn việc làm cho gần 1.000 lao động, cũng như tạo ra sản phẩm giữ chân khách hàng. Vậy là, thay vì chấp nhận lỗ 20 tỷ đồng/tháng nếu sản xuất theo phương thức cũ, ông chuyển sang chia nhỏ lô hàng để sản xuất từng tháng, chấp nhận mỗi tấn lỗ 500 triệu đồng/tháng và tiết giảm tối đa mọi chi phí. Phải mất 2 năm trời, ông mới xử lý xong khoản “hàng xấu” này. Cũng may cho ông, nhờ duy trì sản xuất, có dòng tiền ra vào thường xuyên (khoảng 600 tỷ đồng/năm), nên ngân hàng vẫn tin tưởng cho ông vay vốn, giúp Công ty dẫn dần vượt qua khó khăn và đi vào hoạt động ổn định trở lại vào năm 2010. “Lúc đó, cũng phiêu lưu lắm, nếu ngân hàng tiến hành thu hồi nợ ngay, chắc tôi phải đóng cửa nhà máy”, ông Trần Việt Anh nhớ lại.

2. Là người sớm nhìn ra bức tranh của thị trường bao bì nhựa Việt Nam, ông Trần Việt Anh luôn chủ động và có thể làm ngược lại với người khác. Năm 2012, khi Nhà nước bắt đầu áp dụng thuế bảo vệ môi trường lên đến 100% đối với doanh nghiệp ngành nhựa khiến hàng trăm doanh nghiệp phải đóng cửa, ông lại nói với nhân viên: Đây là cơ hội! “Muốn làm kinh doanh, việc đầu tiên phải có thị trường. Không có chiến lược về thị trường, chưa nhìn thấy thị trường, thì đừng có làm gì”, ông Trần Việt Anh nói.

Đúng như dự đoán của ông, khi chưa có thuế bảo vệ môi trường, công ty ông phải cạnh tranh với 300 doanh nghiệp, nhưng khi áp dụng mức thuế này, thì chỉ phải cạnh tranh với 100 doanh nghiệp. Tiếp đến, những doanh nghiệp còn lại muốn cạnh tranh với công ty ông, thì phải có “huân chương”, tức Giấy chứng nhận của Bộ Tài Nguyên và Môi trường. Điều này bắt buộc họ phải lập phòng thí nghiệm nghiên cứu sản phẩm, thì lúc đó, những doanh nghiệp này nản, họ bảo nhau: “Ngành bao bì nhựa thu nhập thấp, lại thêm phần thuế môi trường, chuyển qua làm cà phê, bất động sản khỏe hơn”.

Càng nhiều doanh nghiệp bỏ thị trường, sân chơi rộng, ông càng làm tới. Từ việc phải cạnh tranh với 100 doanh nghiệp, lúc này, Nam Thái Sơn chỉ phải cạnh tranh với hơn 10 doanh nghiệp. Mặc dù công ty ông cũng phải đương đầu với rất nhiều khó khăn, nhưng thay vì đối diện với khó khăn, ông tập trung nghiên cứu sâu về công nghệ, làm mọi cách cho ra túi tự phân hủy, để được chứng nhận không chịu thuế môi trường.

“Tôi dồn sức vào công nghệ. Lập phòng thí nghiệm nghiên cứu sản phẩm”, ông Trần Việt Anh nói và cho biết, nhờ làm hàng xuất khẩu, nên khi đó, ông mạnh dạn trao đổi, học hỏi một số nhà nhập xuất ở châu Âu về cách làm túi tự phân hủy và được họ tư vấn về nguyên liệu, cũng như cách thức. Vậy là, công ty ông sản xuất ra túi nylon tự phân hủy sinh học…

3. Doanh thu hàng năm của Nam Thái Sơn khoảng 20 triệu USD, trong đó xuất khẩu chiếm khoảng 60%, còn lại 40% phục vụ thị trường nội địa. “Tất cả khách hàng mua bao bì ở nước ngoài, hễ cứ đến Việt Nam là phải đến Nam Thái Sơn đầu tiên”, ông Trần Việt Anh tự tin tuyên bố trên cơ sở Nam Thái Sơn hiện đã nằm trong Top 3 nhà xuất khẩu bao bì lớn nhất Việt Nam (hai đơn vị khác là Công ty Nhựa Hưng Yên và một doanh nghiệp của Đức tại Việt Nam). Hiện Nam Thái Sơn đang xuất khẩu chủ yếu qua ba thị trường: châu Âu (60%), Australia (30%), Nhật Bản (10%). Một điểm đáng chú ý trong chiến lược xuất khẩu của Nam Thái Sơn là sự linh hoạt và có phân khúc thị trường rõ ràng.

Chẳng hạn, trong chuỗi nhà máy, Công ty luôn xác định rõ: nhà máy làm hàng cho Nhật Bản thì đầu tư có tính ổn định cao, có nhà ở dành cho công nhân; nhà máy làm hàng xuất khẩu sang châu Âu, thì đầu tư ở mức vừa phải. Dự kiến sắp tới, nếu xuất đi Mỹ, Công ty sẽ chỉ thuê xưởng, chứ không xây xưởng mới, bởi thị trường Mỹ tính ổn định không cao, do hay bị kiện bán phá giá. Mục tiêu đến năm 2020 của Nam Thái Sơn là xuất khẩu đạt 100 triệu USD/năm và sản xuất bao bì nhựa vẫn là ngành cốt lõi. Những cách làm ngược có phần táo bạo đã giúp ông Trần Việt Anh gặt hái được những thành công nhất định khi chỉ mới đây thôi, Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), Công ty nhận nhiều giải thưởng lớn: Huân chương Lao động hạng III; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Giải Doanh nghiệp TP.HCM tiêu biểu.

Nhưng xem ra, Trần Việt Anh không chỉ là người thích phiêu lưu, ông còn có phần lo xa như bản chất của một người gốc Hà Tĩnh. Ông bảo, làm xuất khẩu tức là tham gia sân chơi chung với thế giới. Mà muốn chơi tốt, doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị về đội ngũ kế thừa. Do vậy, từ năm 2000, Công ty đã lập Quỹ học bổng Nam Thái Sơn và mỗi năm, dành kinh phí cho học bổng này khoảng 200 triệu đồng. Khẽ vung tay vào không khí, ông Trần Việt Anh nói: “Lúc Công ty khó khăn nhất cũng phải gắng nhịn để làm việc này”.

Trò chuyện với ông Trần Việt Anh

Nhận nhiều giải thưởng cùng lúc, ông có cảm thấy “bội thực”?

Nhiều người nghĩ rằng, nhận nhiều giải thưởng là thiếu khiêm tốn. Nhưng ít ra, trong giai đoạn này, việc nhận nhiều giải thưởng cũng là cách khẳng định mình, cho người ta thấy rằng, dù ngành nhựa rất khó khăn, nhưng vẫn làm được.

Sở thích của ông là gì?

Tôi rất thích đọc sách.

Ông hay đọc loại sách gì?

Tiểu thuyết. Ước muốn của tôi là sau này làm cái thư viện thật to để cho mọi người đọc sách. Tủ sách của tôi hiện đã có vài ngàn cuốn. Hàng tuần, tôi đều đi nhà sách tìm mua thêm sách mới về đọc.

Thường thì doanh nhân không có nhiều thời gian, ông đọc sách vào lúc nào?

Cứ rảnh là tôi đọc, đọc cả trên xe hơi khi đi công tác.

Thú đọc sách của ông bắt đầu từ khi nào?

Từ hồi đi học tôi đã thích đọc sách. Chính nhờ đọc sách tôi mới làm được việc. Trong công việc, có những chuyện liên quan đến sách nhiều lắm. Ý tưởng từ sách. Cách ứng xử với con người hay người ta ứng xử với mình cũng từ sách mà ra.

Thanh Tân (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.