Tuyển chọn được những “người được việc” cho doanh nghiệp luôn là điều khó. Qua phỏng vấn, đánh giá, người quản lý sẽ có những phương pháp để “nhìn” ra những nhân viên tiềm năng. Thường thì yếu tố kỹ năng được đề cao, nhưng nhà quản lý sẽ phải đối mặt với rủi ro nếu như không chú trọng đến tính cách của ứng viên.

John R. Graham, người sáng lập Công ty tư vấn GrahamComm tại Mỹ, đã chia sẻ một cách làm của ông, xét từ góc độ tính cách đó: “Việc chọn lọc ứng viên dựa vào các kỹ năng cần thiết là điều cần phải làm. Tuy nhiên, người quản lý không nên chỉ chú trọng đến vấn đề kỹ năng mà quên đi tính cách của người đang sở hữu những kỹ năng đó. Tốt nhất là vừa có kỹ năng vừa có tính cách phù hợp”. Ông cho là người quản lý nên chú ý đến những tính cách sau đây của ứng viên:
Phát biểu ý kiến

Đóng góp ý kiến và những đề xuất mang tính xây dựng. Những người được việc thường lên tiếng khi thấy có một quyết định sai lầm và thường có cách để bảo vệ những ý kiến của họ khi bị phản biện. Phát biểu ý kiến còn được xem là một hình thức cam kết trong công việc. Đó là dấu hiệu cho thấy nhân viên có suy nghĩ về công việc và thể hiện thái độ tích cực tham gia vào hoạt động của công ty.
Thể hiện sự khiêm tốn

Trong trao đổi với những nhân viên hoặc ứng viên như vậy, sẽ dễ nhận ra là họ tỏ ra tôn trọng và tin vào sức mạnh của nhóm làm việc và đồng nghiệp, thay vì chỉ toàn nói về khả năng vượt trội của chính mình.

Thắc mắc với những giải pháp “kỳ diệu”

Người được việc có thể nhìn một vấn đề ở nhiều góc độ, tìm ra các lỗ hổng, học được nhiều bài học hơn từ các sai lầm quá khứ. Vì vậy, họ ít khi chấp nhận ngay những giải pháp “kỳ diệu” mà tìm hiểu rõ tác dụng thực sự của những giải pháp đó trước khi sử dụng.
Tự rút kinh nghiệm

Người được việc tự biết cách đánh giá bản thân. Khi nhận được ý kiến đóng góp đúng và mang tính xây dựng, họ thường đón nhận và có sự điều chỉnh. Nhờ vậy, họ sẽ thành công trong công việc và điều này có được không phải do may mắn.
Nhận biết khách hàng quan trọng

Họ có khả năng nhận ra những khách hàng mang lại lợi ích cho doanh nghiệp. Họ biết cách phục vụ và đáp ứng những kỳ vọng của khách hàng. Sau khi thảo luận với khách hàng, họ sẽ tập hợp được những thông tin cần thiết và thực hiện nhiệm vụ của mình, đó là đáp ứng những kỳ vọng của khách hàng một cách đầy đủ nhất.

Không lạm dụng từ ngữ chuyên biệt

Những người này thường tránh dùng từ ngữ quá chuyên biệt hay những từ viết tắt khi trao đổi công việc với người khác hoặc khách hàng. Họ dùng những từ ngữ rất thông thường, dễ hiểu. Nghĩa là họ luôn dễ dàng biến những điều khó hiểu trở thành dễ hiểu đối với mọi người.
Dễ tiếp cận

Họ thể hiện mình là người dễ tiếp cận và bắt chuyện, không tạo ra khoảng cách trong giao tiếp, đặc biệt là có thái độ tôn trọng người khác. Người được việc không tỏ ra khép kín và dấu hiệu để nhận ra điều này là những cuộc trao đổi của họ luôn có nội dung trong đó. Sự cởi mở trong trao đổi của họ là nhằm hiểu mọi người hơn và nhờ vậy – làm việc hiệu quả hơn.

Trên đây là những tính cách thường có ở người được việc. Một nhân viên được đánh giá cao về chuyên môn nhưng nếu thiếu những tính cách ấy sẽ khó trở thành người được việc. Dĩ nhiên, kỹ năng chuyên môn vẫn mang tính quyết định, tính cách tốt đẹp như thế nào mà thiếu kỹ năng chuyên môn thì cũng không có ích gì cho công việc.

TRƯƠNG CHÍ DŨNG - Giám đốc R&D, Công ty L&A
DNSG
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.