Là ngành có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng thủ công mỹ nghệ (TCMN) TP HCM lại đang rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.
Sức tiêu thụ chậm khiến nhiều DN thủ công mỹ nghệ bị ép giá

Ông Đặng Quốc Hùng – Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ & Chế biến gỗ TPHCM, Giám đốc Cty TNHH Thủ công Mỹ nghệ Kim Bôi cho rằng, ngành TCMN chủ yếu dùng nguyên liệu rẻ, phụ phẩm trong nước, ngoài ra còn tận dụng được phế liệu của các ngành khác như gỗ vụn, vải thừa… Trong khi nhiều ngành XK chủ lực của VN như dệt may, da giày, đồ gỗ DN VN có tỉ lệ thu lãi ròng và ngoại tệ rất thấp thì ngành TCMN thu lãi ròng có thể đạt từ 80 - 90% giá trị hàng XK do gần như không phải nhập khẩu nguyên liệu, vốn đầu tư ít. Tuy nhiên, ông Hùng thừa nhận thực tế, cơn bão khủng hoảng vừa qua đã “càn quét” thị trường truyền thống là Mỹ và châu Âu, khiến doanh số của nhiều DN thủ công mỹ nghệ tụt dốc không phanh.

Cần hỗ trợ đồng bộ

Theo ông Hùng, tình hình ngày càng khó hơn khi giá đầu vào từ nay đến cuối năm có xu hướng tăng, trong khi sức tiêu thụ chậm nên DN bị ép giá. Cty ông vừa nhận được đề nghị của đối tác giảm 20% giá bán so với bảng báo giá, đã vậy họ còn hẹn quý II/2014 mới đặt hàng.

Trong khi đó, thực tế hiện nay, khi DN thủ công mỹ nghệ vay vốn ngân hàng với mức lãi suất từ 9 - 10% để sản xuất là không còn lợi nhuận, bởi lợi nhuận mà DN thu được chỉ khoảng 10%, sau khi trừ chi phí nhân công...

Trước thực trạng trên, ông Hùng kiến nghị, TPHCM cần có các chính sách ưu tiên toàn diện về vốn vay, thuế, đất... để hỗ trợ ngành TCMN. Bên cạnh đó, các DN cũng mong nhà nước điều chỉnh lại chính sách thuế, không thu thuế nguyên liệu đầu vào, mà có thể chỉ thu thuế đầu ra. Đồng thời, TP phải có quy hoạch phát triển ngành TCMN một cách bài bản, lâu dài từ nguyên liệu cho đến nhân lực, tiêu thụ…

Cho đến nay, quy hoạch phát triển ngành TCMN TP còn nhiều bất cập. Ví dụ về nguyên liệu, nhiều loại nguyên liệu trước đây trong nước rất dồi dào nhưng nay lại thiếu nghiêm trọng, DN buộc phải NK mây, tre, nứa, lá, thậm chí cả đất sét.

Ông Hùng cũng kiến nghị, TPHCM cần thành lập trung tâm đầu tư phát triển ngành TCMN, làm hạt nhân phát triển nhân lực, mẫu mã, xúc tiến thương mại, đẩy mạnh XK.

Tất nhiên, “để giải quyết khó khăn, ngoài sự hỗ trợ của nhà nước, tự các DN phải thay đổi toàn diện từ quản lý cho đến kỹ thuật, chuyển sang sản xuất hàng giá trị cao” - ông Hùng nhấn mạnh.

Hướng tới thị trường Nhật

Đại diện Sở Công Thương TP HCM cho biết, trước khi có các chính sách hỗ trợ đồng bộ cho ngành thủ công mỹ nghệ, các cơ quan chức năng sẽ định hướng cho DN tìm kiếm và mở rộng sang thị trường mới đầy tiềm năng như các nước Trung Đông, châu Phi, Nga... đặc biệt là thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, đây là một thị trường khá “khó tính”, các DN phải nắm bắt được tâm lý cũng như “gu” thẩm mỹ của người tiêu dùng nơi đây.

TPHCM cần thành lập trung tâm đầu tư phát triển ngành TCMN.

Ông Hiroshi Sakamoto, chuyên gia về hàng trang trí nội thất của AJC (Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Du lịch ASEAN – Nhật Bản) cho hay, 3 yếu tố mà người tiêu dùng Nhật Bản luôn quan tâm đó là: sản phẩm được làm bằng nguyên liệu gì, nhà sản xuất sử dụng phương pháp gì để tạo ra sản phẩm và sản phẩm thể hiện tính truyền thống như thế nào. Trong đó, yếu tố thứ 3 là quan trọng nhất, bởi vậy họ luôn đòi hỏi sản phẩm làm ra phải có “hồn” và mang nét độc đáo riêng. Do đó, “để chiếm lĩnh thị trường Nhật Bản, DN VN cần tập trung sản xuất những sản phẩm chất lượng tốt và phải có giá trị sử dụng cao trong cuộc sống hàng ngày, không nên sản xuất đại trà vì sẽ vấp phải sự cạnh tranh của các sản phẩm đến từ Trung Quốc”, Hiroshi Sakamoto chia sẻ.

Ngoài ra, theo ông Hiroshi Sakamoto, người Nhật thường tiêu dùng sản phẩm theo mùa vụ, chu kỳ sống của sản phẩm rất ngắn, nên DN phải rất nhanh nhạy trong việc đáp ứng nhu cầu của thị trường và giao hàng đúng hẹn.

Ông Hiroshi Sakamoto cũng chia sẻ: đại đa số người tiêu dùng Nhật Bản không thích các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang phong cách ASEAN. Sở thích chung của người Nhật là hướng tới các thiết kế mang phong cách phương Tây, dựa trên gu thẩm mỹ của người châu Âu hoặc châu Mỹ. Theo đó, các nhà xuất khẩu VN nói chung, TP HCM nói riêng nên cung cấp các sản phẩm mang phong cách Tây Âu cho thị trường này, song phải chỉnh sửa kích cỡ, quy cách và màu sắc để phù hợp hơn với phong cách và môi trường sống của người Nhật. Hiện phần nhiều trong số họ đang sống ở các căn hộ chung cư diện tích khá chật hẹp.

Thêm một điểm đáng lưu ý, người Nhật cũng đòi hỏi rất khắt khe về chất lượng của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Sản phẩm phải đẹp và tốt đều, trong ngoài, mặt trên và mặt dưới của sản phẩm đều phải làm kỹ như nhau; Màu sắc trang nhã, không lòe loẹt, không qúa đậm hay quá tối.

Phạm Nguyễn (Diễn đàn doanh nghiệp)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.