Xu hướng bán lẻ đang dịch chuyển dần từ phương thức truyền thống sang hiện đại, nhưng tốc độ còn khá chậm.
Thị trường bán lẻ Việt Nam đang chứng kiến sự thâm nhập từng bước của giới đầu tư nước ngoài . Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Theo ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), tổng mức bán lẻ hàng hóa 11 tháng qua tăng 12,56% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó phần lớn các nhóm hàng có mức tăng tương đương hoặc cao hơn chút ít so với mức tăng chung. Tuy nhiên, nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì mức tăng là 5,54% là mức tăng thấp so với cùng kỳ nhiều năm trước. Nhưng các DN vẫn đánh giá tiềm năng cho sự phát triển của ngành này còn khả quan, chủ yếu nhờ thị trường lớn.

Hiện hoạt động bán lẻ ở Việt Nam thực hiện thông qua hai kênh chính là truyền thống gồm các chợ, cửa hàng đơn lẻ và hiện đại chủ yếu là siêu thị và mua sắm trực tuyến qua mạng. Xu hướng bán lẻ đang dịch chuyển dần từ phương thức truyền thống sang hiện đại, nhưng tốc độ còn khá chậm. Đến nay, cả nước có khoảng 700 siêu thị tại 60/63 tỉnh, thành phố.

Để các doanh nghiệp bán lẻ thích nghi với điều kiện hiện nay, theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước phải tìm cách vươn lên mạnh mẽ hơn nữa. Đây cũng là thời điểm thích hợp để doanh nghiệp bán lẻ nội tự đánh giá lại tiềm lực, cải tổ những thiếu sót, áp dụng những phương thức tích cực. Thời gian tới Bộ sẽ có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ trong nước liên doanh với các Tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới lập cơ sở bán lẻ ở Việt Nam để học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu trình độ quản lý và công nghệ tiên tiến.

Ông Võ Văn Quyền cho rằng: Với mức doanh thu nói trên của ngành bán lẻ tuy thấp nhưng là chấp nhận được trong bối cảnh kinh tế khó khăn và sức mua hạn chế khiến thị trường trầm lắng. Thị trường bán lẻ Việt Nam đang chứng kiến sự thâm nhập từng bước của giới đầu tư nước ngoài cũng như nỗ lực đầu tư, mở rộng hệ thống phân phối theo hướng hiện đại để tăng sức cạnh tranh, kết hợp với hợp tác giữa các đơn vị nội địa trong bối cảnh hội nhập.

Theo đó, dự báo đến năm 2020, tỷ trọng bán lẻ qua mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại sẽ chiếm 45% tổng mức bán lẻ hàng hóa xã hội. Song để phát triển bền vững và trở thành địa chỉ tin cậy của người tiêu dùng, hệ thống siêu thị phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Mặt khác, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cần phải quyết liệt thay đổi phương thức kinh doanh, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng nhằm đảm bảo khả năng cạnh tranh trên thị trường./.

Uyên Hương (Báo Hải quan)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.