Trong khi khối doanh nghiệp bất động sản, vật liệu xây dựng "méo mặt" vì làm ăn thua lỗ thì không ít doanh nghiệp ngành dệt may đã chia cổ tức "khủng" cho cổ đông.

Cổ tức 25-30%

Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) mới đây của Tổng Công ty cổ phần May Việt Tiến kết thúc trong hoan hỉ khi ban lãnh đạo công ty tiếp tục cam kết, cổ tức năm 2013 chia cho cổ đông tối thiểu không dưới 20%, với mức doanh thu phấn đấu đạt gần 4.300 tỉ đồng, tăng ít nhất 10% so với năm 2012. Trước đó, trong kết quả báo cáo kinh doanh năm 2012, Việt Tiến cũng làm nức lòng các cổ đông khi hàng loạt chỉ số kinh doanh đều rất ấn tượng: tổng doanh thu đạt 3.851 tỉ đồng, tăng 15% so với năm 2011, lợi nhuận trước thuế đạt 170 tỉ đồng, tăng 13% so với năm 2011, tổng cổ tức đã chia cho cổ đông ở mức 25%.

Một doanh nghiệp khác của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) có mức chia cổ tức không kém gì Việt Tiến là Tổng Công ty cổ phần May Đức Giang. Năm 2012, Đức Giang đã chia cổ tức ở mức 25% khi doanh thu đạt 1.368 tỉ đồng, tăng 17% so với năm trước; lợi nhuận đạt 36,2 tỉ đồng, tăng 44%. Đức Giang tiếp tục củng cố niềm tin với các nhà đầu tư khi hướng tới mục tiêu chia cổ tức năm 2013 ở mức 30%, trong đó doanh thu hướng tới mốc 1.600 tỉ đồng, kim ngạch xuất khẩu 62,8 triệu USD, kinh doanh nội địa đạt 300 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 40 tỉ đồng… Chị Nguyễn Bảo Ngọc, một cổ đông của Tổng Công ty cổ phần Phong Phú không giấu được phấn khởi khi biết, mức cổ tức năm 2013 được lãnh đạo công ty cam kết duy trì ở mức 20-25% dù năm nay được dự báo tình hình kinh tế tiếp tục khó khăn. Năm 2012, Phong Phú chia cổ tức 25%. Theo chị Ngọc, khi đặt mục tiêu đạt tổng doanh thu 4.500 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế 360 tỉ đồng trong năm 2013, chị tin "ban lãnh đạo công ty chắc chắn đã có chiến lược sản xuất kinh doanh rất vững mới dám cam kết với cổ đông như vậy. Vì năm ngoái tôi đã đi dự họp và đã nhận được mức cổ tức đúng như đã cam kết".

Cổ đông của Công ty cổ phần Sản xuất Thương mại May Sài Gòn (Garmex Sài Gòn) cũng vui không kém khi cổ tức năm 2012 được chia ở mức 25%. Là một trong số ít doanh nghiệp ngành dệt may đã niêm yết trên sàn chứng khoán có lợi nhuận sau thuế năm 2012 đạt 52 tỉ đồng, EPS (lợi nhuận trên một cổ phiếu) đạt 5.700 đồng/cổ phiếu. Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Garmex Sài Gòn cho biết, mức cổ tức dự kiến chia cho cổ đông trong năm 2013 chắc chắn không dưới 20%, trong đó tổng doanh thu đã được ĐHCĐ năm 2013 thống nhất thông qua con số 1.100 tỉ đồng, tăng 50 tỉ đồng so với năm 2012.

Ông Phan Văn Kiệt, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty cổ phần May Việt Tiến cho rằng, việc thực hiện đúng theo các cam kết đã công bố với các nhà đầu tư là một nỗ lực rất lớn của Việt Tiến nói riêng và của các doanh nghiệp dệt may khác nói chung, nhất là trong bối cảnh chi phí đầu vào như: điện, xăng dầu, nguyên liệu, vận chuyển, lương cơ bản... tiếp tục tăng trong thời gian qua.

Có lực mới có… thực tiền

Theo ông Phan Văn Kiệt, một trong những nguyên nhân chính khiến những doanh nghiệp dệt may trong năm vừa rồi tạo ra được lợi nhuận tốt để chia cổ tức cho cổ đông là do có thị trường xuất khẩu tốt, dù thị trường nội địa gặp không ít khó khăn. "Doanh nghiệp nào càng có quy mô sản xuất lớn, có thương hiệu và uy tín trên thương trường quốc tế, có công nghệ và hệ thống quản trị sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu gần như không hề thiếu đơn hàng. Lợi nhuận từ đó mà ra", ông Kiệt cho biết.

Quan điểm này phù hợp với trường hợp của Việt Tiến khi doanh nghiệp này hiện có khoảng 22 công ty con và công ty liên kết, có thị trường và khách đặt hàng quốc tế ổn định kéo dài hàng chục năm qua với hệ thống quản trị sản xuất theo phương pháp tiên tiến nhất hiện nay trong ngành dệt may. Sắp tới, Việt Tiến bắt tay triển khai dự án cụm công nghiệp may mặc Tân Thành Tiến tại tỉnh Bến Tre với quy mô hơn 20.000 lao động, có vốn đầu tư hơn 100 tỉ đồng hòng gia tăng năng lực sản xuất khi nguồn cầu được cho là sẽ tăng mạnh khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU và Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương chuẩn bị được thông qua vào những năm tới. Thực tế cũng cho thấy, những Phong Phú, Đức Giang, Nhà Bè… đều là những thương hiệu có quy mô sản xuất, xuất khẩu thuộc loại lớn nhất hiện nay của ngành dệt may Việt Nam. Tùy theo thị trường, các doanh nghiệp này đều có những sản phẩm chuyên biệt, tạo được thế mạnh riêng ở từng thành phần khách hàng, đáp ứng nhu cầu thị trường bằng thương hiệu riêng đã gây dựng được. Tất nhiên, để có được "cơ ngơi" như hiện tại, các doanh nghiệp này đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng vào hạ tầng cơ sở, máy móc thiết bị, hệ thống quản trị.

Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Garmex Sài Gòn cho biết, nếu nhìn vào việc chia cổ tức cứ tưởng doanh nghiệp dệt may nào cũng có lợi nhuận là chưa đúng. Vì chỉ có những doanh nghiệp có khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe lẫn quy mô đơn hàng lớn của các công ty đa quốc gia thì mới có "ăn", nhất là nếu thực hiện theo phương thức FOB (mua nguyên liệu bán thành phẩm). Còn các doanh nghiệp nhỏ, năng lực sản xuất thấp, đơn thuần làm gia công, hay nhận lại hàng "dạt" ra từ các công ty lớn quá dư đơn hàng thì rất khó có được đơn hàng và lợi nhuận ổn định.
Vũ Nghi (Diễn đàn doanh nghiệp)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.