Năm mới, bạn mong muốn sự nghiệp có bước chuyển biến về vị trí và thu nhập. Mạnh dạn đề nghị những điều xứng đáng với năng lực của bản thân, nhưng đừng quá hấp tấp khi thương lượng với cấp trên.
Một nghiên cứu của Đại học George Mason chứng minh rằng, việc thương lượng mức lương khởi điểm trong quá trình xin việc sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến sự nghiệp và thu nhập của bạn trong những năm tiếp theo. Đồng nghĩa với việc, nếu bạn không thương lượng được mức lương khởi điểm tốt thì thu nhập hay tiền thưởng của bạn cũng không cao.
Khi cảm thấy đóng góp của bản thân cho tổ chức xứng đáng được đền đáp, mọi người có thể nghĩ tới đề xuất tăng lương, thăng cấp. Nhưng đừng chọn những cách sau đây nếu muốn đề xuất của bạn được chấp thuận.
1. “Tôi xứng đáng được thăng tiến.”
Đừng yêu cầu tăng lương hay thăng tiến nếu chỉ với lời nói suông, điều này khiến sếp càng cảm thấy bạn là một kẻ ích kỷ. Hãy chứng minh bản thân xứng đáng với vị trí cao hơn, mức lương cao hơn bằng những thành tích cụ thể.
Nếu bạn đóng góp nhiều công sức vào thành tựu chung của công ty, cải thiện năng lực làm việc của bản thân, hỗ trợ đồng nghiệp, người lãnh đạo sẽ ghi nhận và tự động đề nghị tăng lương và thăng chức cho bạn.
Cách bạn đề xuất tăng lương ảnh hưởng rất lớn đến khả năng chấp thuận của cấp trên.
2. “Nếu không tăng lương, tôi sẽ thôi việc.”
Nếu bạn khẳng định điều này với sếp, nguy cơ mất việc của bạn khá cao. Bạn nên biết rằng, nhiều người sẵn sàng chấp nhận mức lương thấp hơn để thế chỗ bạn.
Dù bạn có xuất sắc như thế nào, đừng bao giờ sử dụng lời đe doạ nghỉ việc để đề nghị sếp tăng lương. Trong trường hợp xấu, cấp trên sẽ coi lời của bạn như một thông báo từ chức và họ sẽ chấp thuận cho bạn nghỉ việc ngay lập tức.
3. “Tôi cần mức lương cao hơn để trang trải nợ nần.”
Lời thú nhận về tình trạng tài chính cá nhân này rõ ràng không có lợi cho bạn, nhất là khi bạn làm việc cho một công ty về tài chính. Khi biết tình hình nợ nần của bạn, cấp trên sẽ đánh giá bạn là người không biết quản lí tài chính.
Họ không quan tâm bạn phải chi trả thế nào cho cuộc sống, họ chỉ quan tâm đến hiệu quả làm việc. Hãy dùng những thành tựu trong công việc của bạn để thể hiện bạn xứng đáng với vị trí và mức lương tốt hơn.
4. “Đã quá thời gian tăng lương định kỳ của tôi.”
Bạn không phải người quyết định thời hạn tăng lương hay thăng chức của bản thân. Thời hạn xét tăng lương định kỳ của các công ty hầu như chỉ có tính chất tham khảo. Các ông chủ sẽ không tự động tăng lương cho bạn chỉ vì đã đến kỳ hạn.
Hãy chứng tỏ lí do bạn được tăng lương bằng hiệu quả công việc, các đóng góp của bạn đối với sự phát triển chung của tập thể. Lời đề nghị tăng lương định kỳ nên đính kèm một bản báo cáo thành tích và đóng góp chi tiết.
5. “Đừng so sánh với đồng nghiệp.”
Đồng sự của bạn có thể có nhiều lí do để nhận được nhiều ưu đãi và tiền lương cao hơn. Họ có thể sở hữu bằng cấp hay kinh nghiệm làm việc lâu hơn. Vậy nên, so sánh thu nhập của bản thân với đồng nghiệp là một sai lầm. Người quản lí sẽ không đánh giá cao những cá nhân thường xuyên so sánh và ganh tị trong công việc.
Hãy nỗ lực và theo đuổi công việc theo cách của bạn, thành công sẽ đến với những người thực sự có năng lực.
6. “Tôi muốn tăng X% lương.”
Định mức tăng lương cho nhân viên không chỉ dựa vào thành tích của cá nhân đó mà còn phụ thuộc và tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Trước khi đưa ra lời đề nghị thăng tiến, bạn nên tìm hiểu về tình hình tài chính chung của công ty. Thông thường, một mức đề nghị hợp lí và thực tế sẽ dễ dàng được chấp thuận.
Hãy chứng minh bạn xứng đáng hưởng mức lương tốt hơn trước khi đề xuất với sếp.
7. “Lương của tôi quá thấp.”
Nếu cảm thấy mức lương khởi điểm không công bằng, bạn có rất nhiều cơ hội để thương lượng một mức lương cao hơn.
Hãy chứng minh bạn năng lực của bạn xứng đáng với một mức lương tốt hơn, thể hiện bản thân bằng những nỗ lực và hiệu quả công việc chứ không phải lời đánh giá và thái độ làm việc thiếu trách nhiệm.
8. “Tôi làm việc gấp 2 lần người khác.”
Có thể, bạn đang phải giải quyết khối lượng công việc gấp đôi người khác, nhưng bạn nên lựa chọn một cách gửi thông điệp dễ chấp nhận hơn. Lời phàn nàn này có thể khiến sếp đoán được ý của bạn và có phương án dự phòng.
Hãy thảo luận trước với người quản lí về vai trò, vị trí công việc trước khi nhận thêm khối lượng công việc. Bạn luôn có cơ hội thương lượng để làm việc phù hợp và thu nhập tốt hơn. Hãy lựa chọn cách thể hiện phù hợp và đúng đắn.
9. “Tôi có những lời mời hấp dẫn hơn.”
Nếu bạn dùng cách thương lượng này, hãy chắc chắn đó là sự thật. Nhiều người dùng chiêu “đề nghị tăng lương” này ngay cả khi họ biết, không công ty nào chịu chi mức lương cao hơn cho họ.
Nếu chưa có phương án dự phòng chắc chắn, đừng bao giờ sử dụng chiêu bài “khiêu khích”. Có khả năng, bạn sẽ mất việc hoặc sẽ lại tiếp tục chịu áp lực lớn hơn trong công việc nhưng với mức thu nhập thấp hơn.
Hoài Trần (Trí thức trẻ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.