CafeLand - Đại học là cột mốc trưởng thành đối với nhiều người, nhưng sự chuyển tiếp từ bằng cử nhân đến một doanh nhân thực thụ sẽ có chút khó khăn. Do đó, bạn cần phải tiếp tục tiến lên, những bài học hay lời giảng mà bạn tiếp thu thực sự không thể giúp bạn chuẩn bị đối đầu với một sự thật quan trọng: không có một chương trình nào đặc biệt dành cho những người đã trưởng thành.

Vì vậy, sau đây là một vài thay đổi có thể xảy ra khi lần đầu tiên bạn rời ghế nhà trường và bắt đầu kinh doanh bằng chính đôi tay mình:

1. “Đi học đều” là điều bắt buộc

Khi còn ở trường, bạn có thể “cúp cua” hoặc “chuồn” về sớm mà vẫn có thể xoay sở để đậu các bài kiểm tra. Tuy nhiên, điều này sẽ không còn tồn tại trong thế giới thật, việc thật. Dù nắng hay mưa, các doanh nhân trẻ đều phải có mặt và thậm chí là đúng giờ. Điều này sẽ không chỉ giúp bạn lập một thói quen ngày qua ngày mà còn làm gương cho các nhân viên của mình.

2. Thời gian biểu là cố định

Buổi học cuối cùng trong tuần rồi cũng kết thúc, đây quả là một giây phút tuyệt vời. Bạn có thể cảm ơn trời vì không phải “lăn” ra khỏi giường vào lúc sáng sớm để làm mấy bài thực hành mệt mỏi trên trường nữa, nhưng đừng vội mừng. Cuộc sống của những người trưởng thành và một doanh nhân đồng nghĩa với việc bạn phải luôn đúng thời gian biểu chứ không phải xoay sở để có đủ số lần điểm danh. Là một doanh nhân trẻ, bạn phải tự làm nên thành công cho mình. Điều này có nghĩa là đôi lúc bạn cũng cần phải đi làm vào ngày Chủ Nhật.

3. Lúc rảnh rỗi không có nghĩa là rảnh rỗi

Tương tự như không có bữa ăn nào là miễn phí, thì trong thế giới của những người trưởng thành không có thời gian nào là rảnh rỗi. Trong suốt khoản thời gian ngồi trên ghế nhà trường, bạn luôn có những lúc được nghỉ giải lao hoặc những kỳ nghỉ lễ dài hạn, nhưng khi đi làm thì không giống như vậy. Nếu muốn làm một doanh nhân thì bạn phải chấp nhận rằng bạn bè mình có thể tìm một công việc giờ hành chính nhất định và có thể có nhiều thời gian vui chơi, còn bạn phải tích cực làm việc với các dự án kinh doanh của mình hoặc thúc đẩy cả công ty làm việc. Do đó, thực tế của việc trở thành một doanh nhân là hi sinh thời gian rảnh rỗi của mình để đổi lấy việc tự làm chủ một doanh nghiệp.

4. Làm nhiều việc thì tốt, nhưng làm tập trung một việc thì tốt hơn

Khi còn đi học, bạn buộc phải cân bằng thời gian để hoàn thành từ 4 đến 6 đề tài khác nhau cho mỗi học kỳ. Khi đã hoàn toàn là một doanh nhân, bạn vẫn phải giải quyết nhiều vấn đề hoặc gánh vác nhiều trọng trách. Nhưng thay vì phân chia toàn bộ thời gian tùy theo từng việc, bạn cần phải tập trung ưu tiên những việc cần thiết trước. Hãy tập trung vào một mục tiêu chung.

5. Kiến thức về kế toán là cần thiết

Những kiến thức bạn có được từ lớp kế toán có thể sẽ có ích để điều hành một doanh nghiệp, vì nếu không thể hiểu được những dòng chữ thống kê lời – lỗ hoặc phân tích bản cân đối tài chính, bạn sẽ gặp nhiều khó khăn. Như vậy là bạn đang liều lĩnh bước vào lĩnh vực kinh doanh mà trong đầu chẳng có một kiến thức nào về cách hoạt động của tiền và thuế. Do đó, hãy mua một quyển sách, tham gia một lớp học hay nghiên cứu trên mạng để biết cách tăng tối đa lợi nhuận, đầu tư tiền bạc và làm cho lợi nhuận tăng trưởng đều.

6. Bạn bè không chỉ dừng lại ở ý nghĩa bạn bè

Những ngày bạn bè cùng nhau cùng nhau quậy phá hay ăn chơi chỉ còn là dĩ vãng, vì mối quan hệ bây giờ đã khác xưa. Là một doanh nhân, bạn đã dày dạn kinh nghiệm thương trường. Hãy nhìn lại những mối quan hệ thời đi học, ai trong số họ luôn hỗ trợ bạn bên ngoài những cuộc ăn chơi ấy? Đó là những người bạn phải luôn giữ liên lạc và tiếp cận khi cần hỗ trợ hay lời khuyên.

7. Đừng lồng chính trị vào kinh doanh

Tham gia những buổi sinh hoạt, ủng hộ những quan chức giỏi và phát biểu ý kiến về những vấn đề chính trị mà mình có đam mê có thể phù hợp trong giai đoạn đại học. Nhưng khi đã tốt nghiệp, quan điểm của bạn có thể vẫn vậy, nhưng phải thận trọng hơn trong hành động lẫn lời nói của mình. Giới kinh doanh có đầy những quan điểm khác nhau, bạn tốt nhất nên giữ quan điểm trung lập khi nói chuyện với đồng nghiệp, nhân viên hay khách hàng.

8. Tự lập là chính

Những ngày cùng nhau vượt qua khó khăn trong lớp đã chấm dứt. Bên cạnh đó, trường đại học có thể cung cấp cho bạn một giáo trình đầy đủ và rõ ràng, nhưng một khi đã tốt nghiệp, thì bạn sẽ không có một tấm bản đồ nào trong tay để đi đến thành công. Bạn phải mở con đường riêng cho mình. Khi quyết định trở thành một doanh nhân, cũng chính là lúc bạn trở thành một người tìm kiếm, vì vậy hãy nắm lấy các cơ hội mà không ai có được.

9. Điểm số không còn có ý nghĩa

Đạt điểm 10 là cơ hội để bạn khoe khoang cho cả “thiên hạ” lúc còn đi học, nhưng khi đã “bước ra đời”, điều duy nhất tương tự điểm số mà bạn có thể thấy được là bản đánh giá năng lực mà các quản lý dùng để thuê nhân viên. Tương tự các doanh nhân khác, bạn sẽ không gặp phải bản đánh giá này vì bạn là chủ chính mình. Khi khởi đầu một doanh nghiệp, điểm 10, hay mức độ hoàn hảo trong bảng kế hoạch kinh doanh không có nhiều ý nghĩa bằng việc bạn có thực hiện nó một cách thành công hay không.

10. Thay đổi là chuyện bình thường

Trường đại học thường được xem là nơi bạn có thể khám phá ra chuyên ngành mình muốn theo học, và khi đã “phóng lao” rồi thì khó có thể đổi hướng được. Trong thực tế, nhiều sinh viên mới tốt nghiệp phải làm những công việc hoàn toàn khác với chuyên ngành của mình. Do đó, bạn phải nhận thức rằng thế giới thực tế là nơi mà mọi sự đều thay đổi và hãy chấp nhận điều này.

Việt Hải
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.