Mười bốn năm trước, công ty điện thoại Anh Vodafone thâu tóm Mannesmann của Đức - một trong các hãng có tên tuổi nhất trong giới doanh nghiệp nước này, với giá 112 tỷ bảng Anh (tương đương 183 tỷ USD) bằng cổ phiếu.

Ngày 24/6, công ty này tiếp tục mua lại Kabel Deutschland, công ty truyền hình cáp lớn nhất của nước Đức, với giá 7,7 tỷ bảng (tương đương 10 tỷ USD) bằng tiền mặt. Hành động này được cho là dấu hiệu khủng hoảng chứ không phải sự liều lĩnh.

Các công ty viễn thông châu Âu điêu đứng

Một giao dịch sáp nhập khác nhỏ hơn cùng ngày là Three - một công ty thuộc sở hữu của Hutchison Whampoa – Hồng Kông - mua lại Telefónica của Ireland tại Tây Ban Nha với giá 780 triệu euro. Cả hai vụ mua bán này phản ánh cuộc xung đột đang khiến các công ty viễn thông châu Âu điêu đứng.

Giao dịch của Three có thể xoa dịu hai vấn đề lớn trước mắt. Thứ nhất, nó sẽ giảm một phần nhỏ các khoản nợ của Telefónica mà công ty này hy vọng có thể giảm xuống 47 tỷ euro vào cuối năm nay. Thứ hai, nó sẽ giúp thị trường viễn thông - điện thoại của châu Âu bớt đông đúc hơn. Đa số các thị trường này, bất kể phạm vi lớn hay nhỏ, đều có 4 nhà cung cấp chính.

Chính quyền trước giờ luôn cố duy trì tình trạng này – nhưng nếu họ cho qua giao dịch vừa rồi ở Ireland, thị trường sẽ giảm bớt một đối thủ cạnh tranh. Hồi tháng 2/2012, một giao dịch tương tự của Three ở Áo mua lại Orange, một hãng truyền thông Pháp, mất gần một năm mới được thông qua, sau khi Ủy Ban châu Âu xét duyệt chặt chẽ.

Trong khi đó, vụ giao thương nói trên ở Đức thể hiện một vấn đề mới: các công ty viễn thông và truyền hình cáp đang xâm chiếm lãnh địa của nhau. Dù tấn công hay phòng thủ, các công ty đều đang giảm giá thành và mua bán sáp nhập.

Năm ngoái tại Pháp, Iliad, một nhà cung cấp dịch vụ internet mới, cho ra đời Free, một dịch vụ di động siêu rẻ, khơi ngòi cho một cuộc chiến giảm giá. Ở Anh, BT, nhà cung cấp dịch vụ điện thoại bàn và băng thông rộng hàng đầu, đang tiến vào lĩnh vực truyền hình thể thao, sau khi mua lại ESPN, một nhà đài Mỹ. Hành động này vừa thách thức vừa phòng thủ, giúp cho công ty này chống lại BSkyB, hãng truyền hình trả tiền lớn nhất của Anh – hãng này đang tìm cách kéo khách hàng băng thông rộng khỏi tay BT.

Các công ty di động gặp khó khăn trong việc chống trả, một phần vì họ không có mạng lưới băng thông rộng tốc độ cao của mình và vì thế không có cách nào khác ngoài thuê lại từ các nhà cung cấp truyền thống. Mặc dù giá thuê được điều chỉnh, đôi khi nó vẫn quá đắt đỏ.

Người dân châu Âu được lợi?

Ở thị trường lớn nhất của mình là Đức, Vodafone đã có mạng lưới băng thông rộng với khoảng 3 triệu khách hàng, và một thỏa thuận phục vụ sử dụng đường dây của Deutsche Telekom. Tuy vậy, Deutsche Telekom, nhà cung cấp dịch vụ băng thông rộng và di động lớn nhất nước này, đã bắt đầu cung cấp cáp quang tốc độ cao. Cả Kabel Deutschland và đối thủ, công ty con của Liberty Global ở Đức, đều đã và đang bổ sung băng thông tốc độ cao và chiếm thêm nhiều khách hàng. Mua lại Kabel Deutschland là câu trả lời cho Vodafone, đặc biệt là từ khi Liberty cũng bày tỏ mong muốn mua lại công ty này.

Vấn đề không dừng lại ở đó. Dù nhu cầu sử dụng dịch vụ vẫn cao, giá thành bị giảm không chỉ do suy thoái kinh tế và cạnh tranh mà do cả chính sách của nhà nước. Chính quyền đã buộc các công ty viễn thông giảm giá Mobile Termination Rate (MTRs) tính trên các cuộc gọi tới điện thoại của họ từ các nhà cung cấp khác và phí truy cập băng thông rộng. Theo nhận định của James Barford từ công ty nghiên cứu Enders Analysis, dù không giảm giá MTRs thì doanh thu dịch vụ di động cũng giảm 3,8% tới tháng 3 năm nay. Với việc giảm giá MTRs, doanh thu thực tế đã giảm 8,6%.

Cuối cùng, Ủy Ban châu Âu còn xén bớt cả phí roaming mà người dân châu Âu trả để có thể dùng di động ở các nước châu Âu khác. Lần cắt giảm tiếp theo sẽ có hiệu lực vào ngày 1/7, và Neelie Kroes, ủy viên chịu trách nhiệm vấn đề này, mong muốn một ngày sẽ xóa bỏ hoàn toàn loại phí này.

Cạnh tranh gay gắt và áp lực chính sách đồng nghĩa với việc người dân châu Âu được hưởng giá thấp hơn nhiều so với người dân Mỹ. Nhưng các nhà mạng than phiền rằng tình trạng này đang khiến họ thiếu vốn đầu tư vào công nghệ mới. Dù sao thì các công ty này cũng đã bắt đầu thuê mạng ở các nước mà họ không có hệ thống mạng riêng.

Minh Hằng (Thời báo kinh doanh)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.