Chính sách ESOP tại PNJ đang phần nào gây tranh cãi khi lãnh đạo chủ chốt được mua cổ phiếu với giá chưa bằng 1/3 giá thị trường. Mã này đã giảm kịch sàn khi thị trường điều chỉnh ngày hôm qua.

Rung lắc trong phiên sáng, cuối cùng điều gì đến cũng phải đến, chỉ số chính VN-Index chấp nhận bị điều chỉnh sau khi vượt ngưỡng 1040 điểm vào ngày 10/12.

Chỉ số quay đầu giảm sâu 8,22 điểm tương ứng 0,79% còn 1030,91 điểm. Đồ thị VN-Index gần như lao thẳng đứng kể từ thời điểm 14 giờ.

Một cú rung chuyển thị trường, bà trùm nữ trang Việt Nam mất tiền - 1

VN-Index lao dốc cuối phiên

Trong khi đó, trên sàn Hà Nội, HNX-Index vẫn tăng 0,56 điểm tương ứng 0,35% lên 159,3 điểm. UPCoM-Index sụt 0,55 điểm tương ứng 0,8% còn 68,71 điểm.

Thị trường điều chỉnh trong bối cảnh dòng tiền vẫn dồn dập đổ vào mua cổ phiếu. Nhà đầu tư đã rót 13.353,36 tỷ đồng vào các cổ phiếu trên sàn HSX trong phiên hôm qua, khối lượng giao dịch trên sàn này đạt 626,45 triệu đơn vị.

HNX cũng thu hút được 876,96 tỷ đồng với 72,28 triệu cổ phiếu giao dịch. UPCoM có 32,51 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng giá trị giao dịch 567,29 tỷ đồng.

Thị trường bị bao phủ bởi sắc đỏ với tổng cộng 539 mã giảm giá, 24 mã giảm sàn, gần gấp đôi số mã tăng giá. Thống kê cho thấy vẫn có 293 mã tăng, 42 mã tăng trần trong phiên này.

Trong rổ VN30 có 21 mã giảm giá khiến chỉ số VN30-Index sụt giảm đánh mất 9,75 điểm tương ứng 0,97%.

PNJ giảm sàn

PNJ là mã thiệt hại nặng nề nhất trong rổ VN30 ở phiên điều chỉnh hôm qua. Mã này giảm kịch sàn xuống 73.000 đồng, chịu áp lực chốt lời mạnh, cuối phiên trắng bên mua.

Một cú rung chuyển thị trường, bà trùm nữ trang Việt Nam mất tiền - 2

Một khối lượng lớn cổ phiếu PNJ được khớp lệnh giá sàn

PNJ vừa có những thông tin mới cập nhật về kế hoạch phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động (ESOP).

Theo đó, Tổng giám đốc PNJ Lê Trí Thông đã đăng ký mua vào 213.000 cổ phiếu PNJ từ ngày 7-25/12 theo chương trình ESOP. Theo phương án được ĐHĐCĐ chấp nhận, ông Thông được mua khối cổ phần này với giá 20.000 đồng/cổ phiếu, chưa bằng 1/3 thị giá PNJ ở trên sàn.

Trong số những nhân sự chủ chốt được mua cổ phiếu ESOP, bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐQT được mua khối lượng đáng kể nhất với 257.600 cổ phiếu PNJ. Con gái bà Dung là Trần Phương Ngọc Thảo - Thàh viên HĐQT cũng được mua ưu đãi 25.000 cổ phiếu PNJ.

Bà Đặng Thị Lài - Thành viên HĐQT kiêm Giám đốc khối được mua 150.000 cổ phiếu; ông Lê Hữu Hạnh - Thành viên HĐQT được mua 110.000 cổ phiếu. Các nhân sự cấp cao khác cũng được mua ưu đãi hàng chục nghìn cổ phiếu PNJ.

Nhìn chung, chính sách này của PNJ đang gây tranh cãi và khiến cổ đông nhỏ lẻ "mếch lòng". Nhiều nhà đầu tư lo ngại giá cổ phiếu PNJ sẽ bị pha loãng.

Bên cạnh PNJ, một loạt cổ phiếu lớn khác cũng bị bán ra ồ ạt, chốt lời trên vùng đỉnh. SAB giảm 1,2%, GAS giảm 2%, MSN giảm 1,8%, VHM giảm 1,6%, MWG giảm 1%, VIC giảm 1%, HPG giảm 2,3%,…

Nhóm penny đang được kỳ vọng như DLG cũng giảm 5,6%; QCG giảm 5,4%; ITA giảm 4,2%; AMD giảm 1,1%

Cổ phiếu Vinamilk "đỡ" thị trường

Cổ phiếu VNM của Vinamilk dường như nằm ngoài xu hướng thị trường khi bứt tốc tăng mạnh trong phiên điều chỉnh. Mã này tăng mạnh 2.300 đồng tương ứng 2,1% lên 112.000 đồng.

Vinamilk vừa thông báo sẽ trả cổ tức bằng tiền đợt 2/2020 cho cổ đông theo tỉ lệ 10% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận 1.000 đồng).

Ngày giao dịch không hưởng quyền là ngày 4/1/2021 và ngày thanh toán là 26/2/2021. Với hơn 2 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, Vinamilk dự kiến chi 2.090 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông ngay đầu năm mới.

Trước đó, VNM đã trả cổ tức đợt 1/2020 cho cổ đông theo tỷ lệ 20% (tương ứng 1 cổ phiếu nhận 2.000 đồng) vào ngày 15/10.

Một số cổ phiếu VN30 khác cũng có sức chống chịu cao, tăng điểm bất chấp tác động tâm lý của thị trường chung. NVL tăng 1.100 đồng lên 63.900 đồng; VCB tăng 0,7%, KDH tăng 1,4%, BID tăng 0,3%, EIB, SSI giữ được trạng thái tăng giá đến cuối phiên…

Ngoài ra, CTD vẫn tăng thêm 0,7% lên 70.500 đồng sau phiên bứt phá trước đó, HAG tăng 1,3% lên 4.740 đồng; DBC tăng 1,4% lên 43.150 đồng; HNG tăng 4,3% lên 14.400 đồng.

Theo nhận định của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC), chỉ số lùi lại gần 1.030 điểm và thanh khoản tăng so với phiên trước, đây được xem là một phiên phân phối.

Như vậy, VN-Index đã có 4 phiên phân phối, trong đó có 3 phiên phân phối nhẹ và phiên phân phối khá mạnh trong hôm qua. Hiện tại, vùng quanh 1.030 điểm vẫn đang có tác dụng hỗ trợ cho thị trường.

Tuy nhiên, chuyên gia VDSC cho rằng, nếu thị trường chuyển qua trạng thái điều chỉnh trong thời gian gần tới thì cũng không quá bất ngờ do thị trường đã ở trạng thái quá mua trong vài phiên gần đây và cần nhịp điều chỉnh để tìm lại vùng cân bằng.

Do vậy, nhà đầu tư vẫn nên cẩn trọng và quan sát thị trường, nếu tín hiệu hỗ trợ trong 1-2 phiên sắp tới không đủ mạnh thì cũng nên hạ tỷ trọng danh mục để giảm thiểu rủi ro ngắn hạn.

Xem thêm bài viết về: Bà Cao Thị Ngọc Dung
Mai Chi (Dân Trí)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.