Các thị trường mới nổi lớn nhất thế giới đã phục hồi nhanh chóng sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 vì cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp đều đổ xô đi vay. Nhưng giờ thời kỳ đi vay vô độ đang quay lại ám ảnh các ngân hàng ở những nước này.

Các ngân hàng Trung Quốc đóng vai trò rất lớn trong nền kinh tế.

Khi kinh tế tăng trưởng chậm lại, các khoản cho vay trễ hạn thanh toán cũng tăng lên. Hồi tháng 10, Bộ Tài chính Ấn Độ cho biết sẽ bơm 2 tỉ USD vào các ngân hàng quốc doanh đang nặng nợ xấu nhằm giúp họ đối phó với tình trạng vỡ nợ. Goldman Sachs dự báo tăng trưởng Ấn Độ sẽ chậm lại còn 4% trong năm kết thúc vào ngày 31.3.2014, mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ qua. Trong khi đó, tại Trung Quốc, các ngân hàng cũng bị buộc phải tăng trích lập dự phòng vì nợ xấu gia tăng.

Hiện tại, tín dụng đã vượt tốc độ tăng trưởng kinh tế tại hầu hết các thị trường mới nổi. Tại Trung Quốc, tiền vay của các doanh nghiệp đã tăng lên tới 132% GDP năm 2012 so với 104% của năm 2008, theo Ngân hàng Thế giới. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, con số này đã tăng lên 54% từ mức 33% và tại Brazil là 68%, tăng từ mức 53%. Tín dụng tại Nam Phi đã vượt 150% GDP vào năm 2012. Nợ tiêu dùng cũng đang tăng nhanh tại một số nước.

Đáng lo ngại là tín dụng tăng lên giữa lúc các nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại. Trung Quốc đã tăng chỉ 7,7% năm ngoái so với mức tăng trưởng trung bình 10,6%/năm trong thập niên kết thúc vào năm 2011. Ấn Độ đã tăng trưởng chỉ 5% năm ngoái, giảm từ mức trung bình 7,8%/năm. “Các khoản cho vay này sẽ được hoàn trả miễn là nền kinh tế còn tăng trưởng. Nhưng nếu có một cú sốc kinh tế lớn, có thể là việc Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giảm quy mô gói nới lỏng định lượng và dòng vốn nước ngoài chảy ra thị trường, tình hình sẽ rất nguy hiểm”, Nergis Kasabali, chuyên gia phân tích tại Burgan Yatirim Menkul Degerler AS ở Istanbul, nhận xét.

Trên thực tế, việc dòng vốn tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi vào đầu năm nay, một phần do lo ngại FED sẽ sớm giảm quy mô gói nới lỏng định lượng, đã làm tăng lãi suất ở các thị trường này và làm giảm giá nội tệ. Mặc dù sự tháo chạy của dòng vốn đã ngưng lại sau khi FED quyết định tiếp tục chương trình mua lại trái phiếu, nhưng một sự đảo chiều có thể đe dọa các nền kinh tế và ngân hàng ở các nước đang phát triển.

Theo một nghiên cứu của các giáo sư Carmen Reinhart và Kenneth Rogoff của Đại học Harvard, thông thường bong bóng giá tài sản, dòng vốn lớn đổ vào và cơn sốt tín dụng đi trước các cuộc khủng hoảng ngân hàng. Phân tích của họ đối với 66 quốc gia trong 2 thế kỷ qua đều cho thấy các nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng ngân hàng đều giống nhau ở các nước phát triển lẫn các thị trường mới nổi.

Những dấu hiệu báo hiệu khủng hoảng ngân hàng này đang hiện hữu ở các thị trường mới nổi. Nợ xấu tại các ngân hàng Ấn Độ đã tăng lên tới 3,9% tổng dư nợ tính đến ngày 30.6.2013, từ mức 2,4% của tháng 3.2011, theo Ngân hàng Trung ương Ấn Độ. Fitch ước tính, các tài sản trong diện “nguy cơ”, tức bao gồm nợ xấu và các khoản vay được tái cấu trúc, sẽ đạt tới 15% tổng dư nợ cho vay vào năm 2015.

Theo Michael Shaoul, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Marketfield Asset Management LLC (Mỹ), các quy định cho phép ngân hàng Ấn Độ được tái cơ cấu các khoản nợ khó đòi đã khiến cho nhiều người không thấy được tính chất nghiêm trọng của nợ xấu ở Ấn Độ. “Tại Brazil, ít nhất bạn thấy được các rắc rối đang nằm ở chỗ nào”, Shaoul nhận xét.

Các khoản vay “lâm nguy” ở các ngân hàng Ấn Độ đã vượt 10% tổng dư nợ cho vay nếu tính luôn cả phần nợ được tái cơ cấu, theo Standard & Poor’s (S&P). Tổ chức này ước tính các ngân hàng Ấn Độ đang bị thiếu hụt đến 41 tỉ USD. S&P cho rằng cứu nguy cho các ngân hàng quốc doanh sẽ làm căng thẳng tài chính công của Chính phủ Ấn Độ, vốn đang đối mặt với thâm hụt ngân sách lớn.

Hệ thống ngân hàng Trung Quốc, hầu hết thuộc sở hữu nhà nước, cũng trong tình trạng tương tự. Nợ khó đòi tại 4 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc đã tăng 4% trong quý III/2013. Đáng chú ý là sự bành trướng tín dụng ở các ngân hàng địa phương nhỏ hơn. Chúng đã làm phình to bảng cân đối kế toán thêm 30% vào năm ngoái, gấp 3 lần tỉ lệ của các ngân hàng lớn nhất Trung Quốc, theo S&P. Ngân hàng tăng trưởng nhanh nhất là Xiamen International Bank đã tăng gấp đôi tài sản của mình vào năm ngoái. Theo S&P, các ngân hàng này tăng trưởng nhanh một phần là do sức ép tăng trưởng tín dụng từ các chính quyền địa phương.

Tăng trưởng này tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu lớn khi có nhiều khoản vay không được ghi nhận trong bảng cân đối kế toán. Đó chính là điểm yếu của hệ thống ngân hàng Trung Quốc.

Các ngân hàng Trung Quốc đóng vai trò rất lớn trong nền kinh tế. Tài sản của các ngân hàng Trung Quốc đã gấp 2 lần GDP của nước này, mức cao nhất trong số các thị trường mới nổi. Các tổ chức cho vay ở Trung Quốc cũng có tỉ lệ sử dụng đòn bẩy cao nhất, với tổng tài sản gấp tới 20 lần vốn chủ sở hữu, so với 13 lần ở Brazil và Nam Phi; 8 lần ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Vì thế, sự vụn vỡ liên hoàn sẽ là một mối nguy rất lớn cho nền kinh tế. Một điều an ủi là Trung Quốc được trang bị đầy đủ “đạn dược” hơn nhiều thị trường mới nổi khác. Trung Quốc có gần 4.000 tỉ USD dự trữ ngoại hối và không dựa vào vốn tài trợ. Mặc dù các quốc gia không dùng dự trữ ngoại hối để tái cấp vốn trực tiếp cho ngân hàng nhưng quy mô dự trữ ngoại hối có thể giúp các quốc gia bảo vệ đồng tiền nước mình trước những biến động.

Các quốc gia đang phát triển khác có dự trữ ngoại hối ít hơn sẽ gặp khó khăn hơn trong việc giải cứu ngân hàng và bảo vệ nội tệ khi vốn đầu tư nước ngoài rút khỏi thị trường. Dự trữ ngoại hối của Thổ Nhĩ Kỹ sẽ cạn kiệt nếu nợ xấu đạt tới 25% tổng dư nợ, vốn là điều đã xảy ra trong suốt cuộc khủng hoảng ngân hàng của nước này vào năm 2001, theo Bloomberg. Dự trữ ngoại hối của Nam Phi cũng sẽ không đủ để giải cứu các ngân hàng nước họ nếu nợ xấu đạt tới mức đó.

Theo Bloomberg, trong bối cảnh bị sức ép tương tự, việc bơm vốn vào để bù đắp các khoản lỗ sẽ khiến cho nợ chính phủ Brazil tăng lên đến 81% sản lượng kinh tế từ mức 59% và của Ấn Độ là từ 50% lên mức 71%. Tỉ lệ cao như vậy sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài hoảng sợ, đẩy cao chi phí đi vay của chính phủ và càng làm suy yếu các nền kinh tế này.

Tuần qua Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đưa ra khuyến cáo mối đe dọa lớn nhất đối với đà phục hồi kinh tế thế giới chính là sự vụn vỡ của hệ thống ngân hàng ở các thị trường mới nổi, vốn đã chứng kiến sự tăng trưởng tín dụng quá nóng kể từ năm 2007. Đó cũng là một lý do OCED đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống còn 2,7% trong năm nay và 3,6% năm tới so với mức dự báo trước đó hồi tháng 5 là 3,1% và 4%.

Đàm Hoa (NCĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.