“Hầu hết mọi người dành thời gian lập kế hoạch cho kì nghỉ hè của mình nhiều hơn là dành thời gian lập kế hoạch cho cuộc đời mình", có người từng nói như vậy để nói về tầm quan trọng của việc tư duy chiến lược. Nhưng làm cách nào để rèn luyện tư duy chiến lược không phải ai cũng biết.
Để trở thành một chiến lược gia tốt cũng như để tạo ra và thực hiện những kế hoạch giúp đạt được mục tiêu mong muốn, bạn hãy ghi nhớ những chỉ dẫn sau đây:
1. Chia nhỏ vấn đề
Bước đầu tiên trong tư duy chiến lược là chia nhỏ một vấn đề thành nhiều phần nhỏ hơn, dễ kiểm soát hơn để bạn có thể tập trung vào chúng một cách hiệu quả hơn. Henry Ford đã làm sáng tỏ điều này khi ông phát minh ra dây chuyền sản xuất và đó là lý do tại sao ông nói : "Không việc gì là quá khó nếu bạn chia nó ra thành nhiều việc nhỏ".
Chia nhỏ vấn đề theo cách nào là tùy thuộc vào bạn, có thể dựa vào chức năng, nhiệm vụ, mục đích mà vấn đề đặt ra hay bằng nhiều cách khác. Điểm then chốt là bạn phải phân tách nó ra. Chỉ một người trên một triệu người có thể giải quyết tất cả mọi thứ một cách khéo léo, tinh tế trong đầu mình và tư duy một cách chiến lược để tạo nên một kế hoạch vững chãi, khả thi.
2. Hỏi "tại sao" trước khi hỏi "làm thế nào"
Hầu hết mọi người khi bắt đầu sử dụng tư duy chiến lược để giải quyết vấn đề hay lập kế hoạch thường hay vấp phải sai lầm là vội vã tìm hiểu làm thế nào để đạt được điều đó. Thay vì hỏi làm thế nào hãy hỏi tại sao trước. Nếu tiến ngay đến bước giải quyết vấn đề thì làm thế nào để bạn có thể biết tất cả mọi vấn đề?
Eugene G. Grace nói: "Hàng ngàn kiến trúc sư có thể xây cầu, tính toán sức căng và áp lực, cũng như phác ra những bản vẽ máy móc tinh vi trước khi chế tạo chúng. Tuy nhiên, những kiến trúc sư tài ba là những người có thể nói cây cầu này hay máy móc này có nên được chế tạo hay không, nơi chế tạo và thời điểm chế tạo. Câu hỏi tại sao giúp bạn nghĩ về tất cả lý do cho những quyết định".
Nó giúp bạn mở mang đầu óc của mình với những khả năng và cơ hội. Tầm vóc của một cơ hội thường hay quyết định lượng tài nguyên và công sức mà bạn phải đầu tư. Những cơ hội lớn cho phép những ý tưởng lớn được tung hoành. Nếu bạn tiến ngay vào bước làm thế nào , bạn sẽ bỏ lỡ điều này.
3. Xác định những vấn đề và mục tiêu thật sự
William Feather, tác giả của cuốn The Business of Life (Công việc của cuộc đời) nói: "Trước khi nó được giải quyết, một vấn đề phải được định rõ". Quá nhiều người nhảy ngay đến bước giải quyết mà không định rõ vấn đề , cuối cùng họ đã nhận ra mình giải quyết sai vấn đề. Để tránh việc này, hỏi những câu hỏi gợi mở để lộ ra vấn đề thật sự cần giải quyết sẽ thách thức tất cả những ngộ nhận của bạn.
Cần thu thập thông tin kể cả khi bạn nghĩ bạn đã xác định được vấn đề. (Bạn vẫn có thể phải hành động với dữ liệu không đầy đủ, nhưng chắc chắn bạn không muốn kết luận trước khi có đủ thông tin để bắt đầu xác định vấn đề thật sự).
Bắt đầu bằng việc bạn hỏi: "Còn gì khác có thể là vấn đề thật sự?" Bạn cũng nên loại bỏ những ý kiến chủ quan có tính cá nhân. Hơn tất cả mọi thứ khác, chúng có thể phủ bóng đen lên phán quyết của bạn. Khám phá ra tình huống thật và mục tiêu hướng tới là phần chủ yếu của "cuộc chiến". Một khi vấn đề thật đã được xác định, những cách giải quyết thường rất đơn giản.
4. Kiểm tra lại tài nguyên của bạn
Một chiến lược mà không để ý đến tài nguyên chắc chắn sẽ gặp thất bại. Hãy làm một cuộc kiểm kê: Bạn có bao nhiêu thời gian? Bao nhiều tiền? Những vật liệu và đồ dùng cần thiết là gì? Bạn còn cần gì nữa? Trách nhiệm và nghĩa vụ pháp lý cần phải có là gì? Những cá nhân nào trong nhóm có thể ảnh hưởng mạnh đến cả nhóm? Bạn biết gì về tổ chức và công việc của mình? Hãy tìm ra những tài nguyên bạn cần phải có để thực hiện kế hoạch của mình.
5. Phát triển kế hoạch của bạn
Cách tiếp cận quá trình lập kế hoạch dựa rất nhiều vào khả năng của bạn và độ lớn của thử thách mà bạn sắp phải vượt qua, nên rất khó để có thể nói một cách cụ thể về vấn đề này. Mặc dù vậy, bất kể khi nào lập kế hoạch, bạn hãy làm theo lời khuyên sau đây: bắt đầu với những gì rõ ràng nhất.
Khi bạn giải quyết một vấn đề hay lập một kế hoạch theo cách này, có thể bạn sẽ mang lại sự đồng tâm nhất trí cho cả nhóm vì tất cả mọi người đều có thể thấy được những gì bạn chỉ ra. Đó là những yếu tố rõ ràng để xây một pháo đài tư duy vững chãi và thúc đẩy sự sáng tạo cũng như chiều sâu sáng tạo. Cách tốt nhất để giải quyết sự phức tạp là bắt đầu bằng những gì đơn giản nhất.
6. Đặt đúng người đúng chỗ
Việc cho phép cả nhóm tham gia vào tư duy chiến lược của bạn là hoàn toàn cần thiết. Trước khi có thể thực hiện kế hoạch của mình, phải chắc chắn rằng bạn có những người thích hợp ở những vị trí phù hợp. Kể cả khi có tư duy chiến lược tốt cũng không thể giúp bạn thành công nếu bạn không để ý đến những người "cùng hội cùng thuyền" với mình. Hãy xem vấn đề gì sẽ xảy ra nếu bạn tính toán sai:
Nhân lực không phù hợp: Gặp phải vấn đề thay vì triển vọng.
Vị trí không phù hợp: Gặp phải sự bối rối thay vì sự tin tưởng.
Kế hoạch không phù hợp: Gặp phải đau buồn thay vì sự phát triển.
Vì vậy, mọi thứ sẽ ăn khớp với nhau khi bạn kết hợp đủ cả ba yếu tố: nhân lực phù hợp, vị trí phù hợp và kế hoạch phù hợp.
7. Lặp lại liên tục quá trình này
Có người từng nói: "Tư duy chiến lược giống như việc tắm vào buổi sáng, bạn phải thực hiện nó thường xuyên". Nếu bạn tùy tiện giải quyết một vấn đề quan trọng, tất cả những gì bạn nhận được sẽ chỉ là sự thất vọng. Những việc nhỏ có thể được thực hiện dễ dàng bằng hệ thống việc làm và kỉ luật cá nhân. Nhưng những vấn đề lớn lại cần thời gian tư duy chiến lược.
Ý chí chiến thắng của bạn là vô nghĩa nếu bạn không có ý chí chuẩn bị". Nếu bạn muốn trở thành một chiến lược gia hiệu quả, trước hết bạn phải trở thành một chiến lược gia trường kì.
Thảo Nguyên (Trí thức trẻ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.