Tuy bị giam cầm trong nhiều tháng liền, việc kinh doanh của Mohammed Al Amoudi lại phát triển đáng kinh ngạc. Mâu thuẫn đó khiến nhiều người phải đặt câu hỏi.

Hơn một năm trước, Mohammed Al Amoudi cùng hàng chục hoàng tử và doanh nhân Ả Rập biến mất tại khách sạn Ritz - Carlton ở thủ đô Riyadh nước Saudi Arabia.

Tỷ phú Mohammed Al Amoudi. Ảnh: Business Insider.

Chẳng bao lâu sau, tin đồn lan nhanh, nhiều người đặt nghi vấn rằng liệu tỷ phú này có còn sống.

Bây giờ, câu trả lời đã rõ. Một quan chức Saudi giấu tên cho biết Al Amoudi vẫn còn sống và sẽ hầu tòa vì tội tham nhũng và hối lộ. Thời điểm xét xử vẫn chưa được ấn định.

Thực tế mâu thuẫn

Việc bắt giữ Al Amoudi là kết quả cho nỗ lực đàn áp từ Thái tử Mohammed bin Salman. Mặc dù bị giam cầm kéo dài, phần lớn đế chế kinh doanh của tỷ phú này lại tăng trưởng kinh ngạc.

Doanh số nhà máy lọc dầu Preem AB tại Thụy Điển của Al Amoudi đã tăng hơn 30%, kéo theo khối tài sản của ông ở Stockholm lên giá. Theo số liệu từ bảng xếp hạng 500 người giàu nhất thế giới, Bloomberg Billionaires Index, tính từ lúc bị lực lượng an ninh bắt tại Riyadh năm ngoái, giá trị tài sản ròng của ông đã tăng khoảng 6%, đạt mức 8,3 tỷ USD.

Preem, công ty của Al Amoudi tại Thụy Điển. Ảnh: Energy Oil and Gas.

Trường hợp này phản ánh sự mâu thuẫn và phi lý của một Arab Saudi thịnh vượng dưới triều đại Thái tử Mohammed bin Salman. Ông đã thực hiện lệnh cấm vận với Qatar, gây chiến tại Yemen, và bị cáo buộc trong vụ giết hại nhà báo Jamal Khashoggi. Những sự kiện trên đã gây chấn động thế giới, nhưng chỉ khiến nhà lãnh đạo trẻ tuổi này thay đổi một ít trong chương trình nghị sự của mình.

Tim Pendry, phát ngôn viên của Al Amoudi cho biết vị tỷ phú đã được liên lạc với người thân và tình hình sức khỏe đang tốt. Ông Pendry kháng lại cáo buộc nhằm vào Al Amoudi cho bất kỳ hành vi sai trái nào và từ chối bình luận thêm.

Của cải của Al Amoudi có thể truy ra từ các hợp đồng của chính phủ Saudi dưới thời Vua Fahd, gồm 7,6 tỷ USD tài sản tích lũy bên ngoài vương quốc và các doanh nghiệp với hàng nghìn lao động đến từ châu Âu, châu Phi.

Cuộc dọn dẹp ở Saudi

Al Amoudi, doanh nhân gốc Ethiopia này là một trong những nhân vật cấp cao bị bắt bởi làn sóng đàn áp chống tham nhũng. Trong số đó có cả Hoàng tử Turki bin Abdullah, con trai cố Quốc vương Abdullah.

Đa số các doanh nhân và hoàng tử khác đã được thả ra sau khi trao trả hơn 100 tỷ USD tiền mặt và tài sản. Hoàng tử Alwaleed bin Talal, người nói rằng việc mình bị bắt giữ chỉ là “hiểu lầm”, một lần nữa lại thực hiện các giao dịch và vay khoản tiền lớn. Trong khi đó, Hoàng tử Miteb bin Abdullah, cựu lãnh đạo Lực lượng Vệ binh Quốc gia, bỏ hơn 1 tỷ USD tiền bảo lãnh, được cho là đã có cuộc gặp với Vua Salman.

Bên trong khách sạn Ritz - Carlton ở Riyadh, nơi mà các hoàng tử và doanh nhân Ả Rập bị bắt. Ảnh: Getty Images.

Vẻ ngoài bình thường không che giấu được nỗi lo lắng đang bao trùm lên những người Saudi giàu có đang ngày càng muốn đưa dòng tiền ra nước ngoài.

"Tiền mặt được chuyển đi khá nhanh”, Marcus Chenevix, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu đầu tư TS Lombard ở London cho biết.

Cuộc dọn dẹp này nhắm vào các thương gia giàu có, đặc biệt là ở thành phố Jeddah. Đó là nhóm người, gồm cả Al Amoudi, đi lên nhờ mối quan hệ với Vua Abdullah và Vua Fahd. Vua Salman từng là thống đốc Riyadh và mọi thứ “trở nên căng thẳng từ lúc ông đến”, theo ý kiến từ Chenevix.

Những đánh giá lạc quan

Preem của Al Amoudi là công ty nhiên liệu lớn nhất Thụy Điển. Hoạt động kinh doanh ở đây vẫn diễn ra bình thường với một ít sự điều chỉnh. Tháng trước, Preem tuyên bố đã bổ nhiệm Jason Milazzo, cựu giám đốc tài chính của Morgan Stanley, lên vị trí chủ tịch thay cho Al Amoudi. Công ty cũng nói rõ “không có thêm thông tin được xác nhận” về vị cựu chủ tịch.

Cả Fitch và S&P Global, hai tổ chức xếp hạng này đã đưa ra những đánh giá lạc quan về tín dụng của Preem. Các nhà phân tích nhận định, bất kể việc Al Amoudi, một cổ đông lớn, đã vắng mặt nhiều tháng liền, hoạt động kinh doanh của công ty không bị ảnh hưởng gì. Vladislav Nikolov, đại diện từ Fitch, đánh giá Al Amoudi “không thật sự liên quan đến các công việc quản lý thường nhật của Preem”.

Tên của Preem có thể tìm thấy nơi biển hiệu của hàng trăm trạm xăng trên toàn Thụy Điển. Công ty cũng chịu trách nhiệm cho gần 1/3 công suất tinh luyện tại khu vực Bắc Âu. Cổ phần của Al Amoudi ở đây có giá 5,1 tỷ USD. Ông đồng thời sở hữu một giàn khoan dầu trị giá 835 triệu USD, các công trình bất động sản, và các doanh nghiệp trải rộng trên nhiều ngành nghề. Chúng biến Al Amoudi trở thành một trong những nhà đầu tư tư nhân lớn nhất Thụy Điển.

Tài sản toàn cầu của Al Amoudi. Nguồn: Bloomberg Billionaires Index.

Trong khi Al Amoudi ủy quyền quản lý cho những người khác trong ban giám đốc, túi tiền ông vẫn rất hữu ích cho ngành năng lượng trong chu kỳ khó khăn. Theo bản cáo bạch trái phiếu năm 2016 từ Corral Petroleum, tài sản Al Amoudi khá nổi bật trên bảng xếp hạng toàn cầu, và ông tiếp tục cam kết với công ty dưới hình thức cho vay nội bộ hàng trăm triệu USD.

Vấn đề quốc gia

Đã không ai trong số cộng sự kinh doanh của Al Amoudi công khai đi tìm câu trả lời về tình thế khó khắn của tỷ phú này tại Saudi Arabia. Bên duy nhất thẳng thắn lên tiếng ủng hộ ông đến từ Ethiopia, nơi ông là nhà đầu tư lớn nhất với đất đai, mỏ vàng, đồn điền cà phê, công ty nhiên liệu và khách sạn. Khối tài sản của Al Amoudi ở đó lên đến 1,2 tỷ USD.

Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed trả lời truyền thông quốc gia hồi tháng 5 rằng ông tin vào việc phóng thích Al Amoudi sắp xảy ra sau lời kêu gọi từ cá nhân ông đến Thái tử Mohammad bin Salman.

Tháng 8, Thủ tướng Ahmed chia sẻ đến các phóng viên rằng ông nhận được thông tin từ các quan chức Saudi là việc thả Al Amoudi vẫn còn đang bị trì hoãn vì một số “tiến trình tố tụng”.

“Việc giam giữ Al Amoudi là một vấn đề quốc gia”, Ahmed nói.

Minh Đức (Zing)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.