Dựa trên kết quả của cuộc khảo sát về thị trường cà phê tại Việt Nam và một số quốc gia khác, Công ty nghiên cứu thị trường Mintel cho rằng, Starbucks không phải là “đối thủ đáng gờm” đối với cà phê Việt Nam.
Sự xuất hiện của cửa hàng Starbucks đầu tiên tại khu vực TP.HCM được đánh giá là một thách thức lớn cho ngành cà phê Việt Nam. Tuy nhiên, dựa trên kết quả của cuộc khảo sát về thị trường cà phê tại Việt Nam và một số quốc gia khác, Công ty nghiên cứu thị trường Mintel cho rằng, Starbucks không phải là “đối thủ đáng gờm”.

Người Việt Nam nổi tiếng sành cà phê tại khu vực Châu Á. Khảo sát của Mintel cho thấy, Việt Nam là quốc gia hàng đầu về cà phê “đích thực”, điển hình là cà phê xay hay cà phê nguyên hạt ước tính chiếm khoảng 23% tất cả các sản phẩm mới trong cùng phân khúc được đưa ra thị trường tại Châu Á trong vòng 2 năm vừa qua. Con số này gấp bốn lần so với quá trình phát triển sản phẩm mới của Trung Quốc (ước tính khoảng 6%) trong cùng kỳ.

Thị trường cà phê Việt Nam đã đạt 90 tỷ đô la trong năm 2008 và tăng lên khoảng 147 tỷ đô la năm 2012. Mintel dự đoán con số này sẽ tăng đến 213 tỷ đô la vào năm 2016. Theo dữ liệu về sản phẩm mới toàn cầu của Mintel, xét về nhu cầu thị trường, Việt Nam chiếm 10.1% thị trường sản phẩm cà phê mới được ra mắt tại Châu Á - Thái Bình Dương – đứng thứ 4 sau những thị trường phát triển như Hàn Quốc (15%), Nhật Bản (13%) cũng như Ấn Độ (11%).

Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới với dân số 89 triệu người, phần lớn thuộc thế hệ trẻ có trình độ, được giáo dục tốt. Tầng lớp trung lưu đang nổi lên nhanh chóng với khát vọng tiếp cận các thương hiệu quốc tế. Hiện tượng các dòng người xếp hàng dài trong ngày khai trương cửa hàng Starbucks chỉ thể hiện nhu cầu tiềm tàng của thị trường này đối với những sự kiện tương tự chứ không thể được xem là mối đe dọa cho cà phê Việt Nam.

Hiện đang xuất hiện trào lưu dịch chuyển từ uống trà sang cà phê ở khắp Châu Á. Tuy nhiên, thách thức tại thị trường này có một chút khác biệt khi người Việt Nam vẫn rất thích uống cà phê.

Về sức tiêu thụ cà phê, Việt Nam nằm trong top 5 quốc gia đứng đầu trong khu vực Châu Á về lượng tiêu thụ cà phê cùng với Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia.

“Người tiêu dùng Việt Nam đã quá quen thuộc với cà phê và đã hình thành được khẩu vị, sở thích cho riêng mình trong khi nhiều nước khác ở Châu Á, thị hiếu cà phê còn chưa hình thành rõ rệt. Chìa khóa để các thương hiệu cà phê lớn của quốc tế duy trì thành công lâu dài tại thị trường Châu Á chính là tạo được sự cân bằng, uyển chuyển và giảm bớt sự kiểm soát trong khi vẫn giữ được tinh hoa làm nên giá trị thành công toàn cầu của mình” – chuyên gia của Mintel kết luận.

Hoàng Thi (infonet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.