Theo tin từ Tổng cục Thuế, hiện nay cơ quan này đã quản lý được 3.188 doanh nghiệp có giao dịch liên kết thực hiện kê khai thông tin giao dịch liên kết.

Đây là một trong những bước đầu nhằm kiểm soát được các hoạt động chuyển giá của doanh nghiệp.

Song song đó, hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá đã từng bước xây dựng được cơ sở dữ liệu để làm cơ sở cho công tác thanh tra giá chuyển nhượng đối với các ngành nghề có rủi ro cao về thuế Thu nhập doanh nghiệp như: Sản xuất sợi, dệt vải, may mặc, giầy, dép, đồ uống...

Theo nhận định của Tổng cục Thuế, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế với sự khác biệt về thuế suất và chế độ ưu đãi thuế giữa các quốc gia thì vấn đề chuyển giá, tránh thuế không chỉ xảy ra tại Việt Nam mà xảy ra nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả quốc gia đang phát triển. Đây là vấn đề "nóng" và được đưa ra để bàn thảo tại nhiều Hội nghị quốc tế như: Hội nghị các nước G8, G20, Diễn đàn thuế quốc tế...

Tổng cục Thuế đang dùng nhiều biện pháp mạnh tay để chống hiện tượng chuyển giá. Ảnh minh họa: Người lao động

Từ đầu năm 2013 đến nay, việc tăng cường kiểm tra của ngành Thuế đã tạo ra hiệu ứng mạnh, số lượng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kê khai thua lỗ giảm.

Kết quả, trong 9 tháng đầu năm 2013, đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 1.223 doanh nghiệp lỗ, doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá; truy thu, truy hoàn 481 tỷ đồng và giảm lỗ 1.697 tỷ đồng.

Để hạn chế tình trạng lợi dụng chuyển giá nhằm trốn tránh nghĩa vụ thuế của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, từ tháng 5-2012, Bộ Tài chính đã phê duyệt Chương trình hành động kiểm soát hoạt động chuyển giá giai đoạn 2012-2015.

Trong đó, tập trung vào 6 nhóm giải pháp như: Hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá; Kiện toàn tổ chức, bộ máy và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực quản lý giá chuyển nhượng; Củng cố và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho quản lý thuế trong đó có quản lý giá chuyển nhượng; Tăng cường kiểm soát hoạt động chuyển giá thông qua việc đẩy mạnh hiệu quả hoạt động của từng bộ phận chức năng, nhất là việc nhận định rủi ro và thanh tra giá chuyển nhượng; Xây dựng và đẩy mạnh các chương trình hợp tác quốc tế về tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát hoạt động chuyển giá; Xây dựng chương trình truyền thông về công tác quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá.

Ngoài ra, về thể chế, Bộ Tài chính đã ban hành khung pháp lý về quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá từ rất sớm như: Thông tư 74/1997/TT-BTC, Thông tư 89/1999/TT-BTC, Thông tư 13/2001/TT- BTC ngày 8-3-2001 hướng dẫn thực hiện một số quy định về thuế đối với các hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam và gần đây nhất là Thông tư 66/2010/TT-BTC ngày 22-4-2010 dựa trên hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) được đánh giá là đầy đủ và toàn diện nhất, phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn của Việt Nam.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính cam kết sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp để hạn chế ngăn ngừa việc lợi dụng tình trạng chuyển giá, trốn thuế như: Hoàn thiện Thông tư hướng dẫn thực hiện cơ chế thoả thuận trước phương pháp xác định giá (APA) giữa cơ quan Thuế với doanh nghiệp nhằm tạo sự chủ động cho doanh nghiệp FDI trong việc lập kế hoạch kinh doanh và thực hiện nghĩa vụ thuế. Đào tạo kiến thức, nâng cao năng lực cho đội ngũ CBCC chuyên trách quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá về kỹ năng quản lý giá chuyển nhượng, bài tập tình huống.

Hiện Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đang hợp tác với Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam (EU), OECD, Ngân hàng Thế giới (WB) để thực hiện chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho Tổ quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá của Tổng cục Thuế và CBCC tại các Cục thuế trực tiếp tham gia quản lý giá chuyển nhượng. Xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu tỉ suất lợi nhuận của các DN độc lập theo từng ngành nghề có rủi ro cao về giá chuyển nhượng làm cơ sở chung cho Cục thuế sử dụng và phân tích rủi ro phục vụ công tác quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá.

Tổng cục Thuế sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra giá chuyển nhượng đối với các tập đoàn có nhiều doanh nghiệp thành viên; các ngành nghề có dấu hiệu rủi ro lớn về thuế do hành vi chuyển giá của doanh nghiệp liên kết như: Gia công may, các doanh nghiệp đã và đang thực hiện tái cơ cấu có khả năng lợi dụng chuyển giá để tránh thuế.

Tích cực tăng cường hợp tác quốc tế, đến nay Việt Nam đã ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần với trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong thời gian tới, sẽ tăng cường thực hiện trao đổi thông tin với cơ quan Thuế và các tổ chức nước ngoài phục vụ cho phân tích rủi ro và thanh tra giá chuyển nhượng; đàm phán với cơ quan Thuế nước ngoài có liên quan trong quá trình APA.

Ngoài ra, Tổng cục Thuế sẽ phối hợp với Tổng cục Hải quan trong công tác xác định giá trị máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu tại khâu NK, ngăn chặn các DN khai báo cao giá NK với mục đích tăng chi phí đầu vào, giảm lợi nhuận gây thất thu số thuế phải nộp trong nội địa; rút ngắn thời gian thu hồi vốn của nhà đầu tư nước ngoài.

Theo Báo Hải quan
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.