Việc mua bán, sáp nhập các mỏ, công ty dầu khí đang trở thành một xu hướng phát triển năng lượng trên thế giới.

Để đánh giá và nhìn nhận những cơ hội của xu hướng này trong ngành dầu khí Việt Nam, Báo DĐDN đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Thinh – Phó Tổng Giám đốc phụ trách Dịch vụ Tư vấn Mua bán và Sáp nhập – Công ty TNHH Deloitte Việt Nam.

Ông Phạm Văn Thinh – Phó Tổng Giám đốc phụ trách Dịch vụ Tư vấn Mua bán và Sáp nhập – Công ty TNHH Deloitte Việt Nam

- Thưa ông, đâu là cơ hội của hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) trong ngành dầu khí Việt Nam trong thời gian tới?

Theo tôi, sẽ có khá nhiều cơ hội cho hoạt động mua bán sáp nhập trong ngành dầu khí tại Việt Nam trong thời gian tới.Thứ nhất, Việt Nam là một trong những quốc gia có nguồn tài nguyên dầu khí dồi dào.Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam cũng là một trong những nước có nhiều hoạt động liên quan đến ngành dầu khí. Với sự ổn định về kinh tế chính trị cùng với sự phát triển của ngành công nghiệp dầu khí, Việt Nam sẽ tiếp tục là một địa điểm đầu tư có sức hút đối với các NĐT nước ngoài nói chung và các công ty dầu khí nói riêng.

Thứ hai, vấn đề về an ninh năng lượng ngày càng được chú trọng. Theo yêu cầu của Nhà nước, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN sẽ phải tiếp tục thăm dò tìm kiếm để tăng trữ lượng hàng năm. PVN cần phải huy động một lượng vốn lớn để phục vụ cho chủ trương lớn này. Bên cạnh việc tìm kiếm các nguồn tài trợ tài chính như vốn ngân sách, vay…, PVN có thể sẽ chuyển một một phần sở hữu của mình tại các lô trong nước cho các nhà đầu tư khác, vừa phục vụ mục đích thu hồi vốn đầu tư, vừa phân tán nhỏ rủi ro khi trong hoạt động thăm dò tìm kiếm.

Thứ ba, lĩnh vực hóa dầu là một lĩnh vực chúng ta đang chú trọng phát triển. Theo chủ trương của Nhà nước, chúng ta đang cần một lượng vốn rất lớn để đầu tư vào một số nhà máy lọc dầu để dần đưa Việt Nam trở thành một nước có thể tự sản xuất được xăng dầu và các sản phẩm hóa dầu cung cấp cho nhu cầu tiêu thụ nội địa cũng như xuất khẩu. Việc cổ phần hóa Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là một ví dụ cụ thể cho việc huy động vốn qua kênh mua bán, sáp nhập.

Ngoài ra, dịch vụ dầu khí cũng là một lĩnh vực rất hấp dẫn đối với các NĐT.NĐT nước ngoài với sức mạnh về vốn và công nghệ sẽ giúp cho các DN trong nước phát triển mạnh và bền vững hơn.Việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược cũng sẽ là một cơ hội cho các DN trong nước phát triển.

- Vậy còn những thách thức thì sao, thưa ông?

Các chính sách về đầu tư, về thuế, hải quan, thủ tục hành chính cần được cải thiện nhiều để thu hút đầu tư. Hiện tại, mức thuế của Việt Nam chưa thực sự cạnh tranh so với các nước trong khu vực, ví dụ như thuế thu nhập cá nhân. Điều này có ảnh hưởng đến chi phí nhân công của NĐT. Các NĐT cũng phàn nàn về các thủ tục hành chính còn rườm rà, phản hồi từ các cơ quan quản lý thường chậm, gây mất thời gian và cả chi phí của NĐT. Cách hiểu và vận dụng các chính sách không nhất quán giữa cơ quan cấp trên và cấp dưới, giữa các địa phương… hiện cũng khiến các NĐT băn khoăn khi thực hiện.

- Ông có cảnh báo gì về xu hướng này đối với các DN Việt Nam?

Khi đã tìm kiếm được mục tiêu phù hợp, các NĐT cần cân bằng giữa đảm bảo đánh giá đúng giá trị và đưa ra quyết định trong thời gian phù hợp. Để đảm bảo, các NĐT nên lựa chọn cho mình những nhà tư vấn về mua bán sáp nhập có uy tín để giúp họ lựa chọn mục tiêu, soát xét các vấn đề về tài chính, thuế, môi trường, định giá… cũng như tư vấn về cấu trúc giao dịch và đàm phán với công ty mục tiêu.

Đối với các công ty hoạt động trong lĩnh vực dầu khí tại Việt Nam, với xu hướng hiện nay, thị trường trong nước cũng như các nước trong khu vực sẽ dần có mặt đầy đủ các đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ. Dịch vụ kỹ thuật dầu khí, dịch vụ khoan... là những mảng dịch vụ mà các công ty trong nước đang có ưu thế tuy nhiên nhiều công ty nước ngoài cũng đã có mặt như Schlumberger, Baker Hughes…

Đây là một thách thức lớn đối với các công ty trong nước. Tuy nhiên, đây cũng có thể coi là một cơ hội cho các công ty tìm kiếm đối tác chiến lược để tranh thủ được thế mạnh về vốn, về công nghệ, về thương hiệu. Để lựa chọn được đối tác phù hợp, các công ty không chỉ nên chú ý tới các vấn đề về tài chính và kỹ thuật. Các vấn đề về văn hóa kinh doanh, chiến lược kinh doanh, các chính sách về quản trị kinh doanh, quản trị nhân sự... cũng cần được xem xét và cân nhắc kỹ càng.

Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.