Một trong những lý do chính khiến các thương vụ mua bán và sáp nhập DN (M&A) ở thị trường Việt Nam không thành công là bên bán, tức các DN Việt Nam thường đưa ra mức giá quá cao so với mức giá mà người mua có thể chấp nhận được.

Theo các chuyên gia tại Diễn đàn M&A vừa qua, đây chính là lý do vì sao trong lúc nền kinh tế khó khăn, đáng ra, hoạt động M&A phải sôi động hơn nữa, nhưng thực tế, số vụ M&A thành công còn rất khiêm tốn.

Chia sẻ về chủ đề này, ông Andy Ho, Giám đốc Vina Capital đặt câu hỏi: “Tại sao DN phải bán với giá thấp hơn? Vì DN và ngân hàng vẫn ngồi lại với nhau để tìm cách xử lý”. Còn ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhìn nhận, đúng là có tâm lý “chây ỳ” ở những DN cần tái cơ cấu tài sản để làm lành mạnh tài chính vì nhiều lý do. Nếu DN không tự xử lý thì cũng không ai có thể ép họ.

Nhìn sang thị trường Mỹ, giám đốc một CTCK nhận định, giá bất động sản tại đây từng lao dốc trong một thời gian, nhưng sau đó đã bắt đầu phục hồi để bước vào chu kỳ mới. “Theo tôi biết thì trong lĩnh vực bất động sản và chứng khoán ở Việt Nam, hiện tượng các ông chủ ‘tay không bắt giặc’ là rất phổ biến, bởi phần lớn vốn sử dụng của DN là vốn vay. Không phải tiền của họ thì có gì để mất đâu mà phải bán, cứ để đó thôi”, ông nói.

Tình trạng trên, theo nhiều chuyên gia, sẽ làm chậm quá trình tái cơ cấu tài sản của các DN, cũng như quá trình xử lý nợ xấu của ngân hàng và tái cơ cấu nền kinh tế nói chung.

Có 2 kịch bản xảy ra khi DN cứ nắm giữ tài sản trong lúc nguồn lực tài chính cạn kiệt, đó là giá trị tài sản sẽ tăng trở lại khi nền kinh tế phục hồi, nhưng cũng có thể đến giới hạn nào đó, bên bán buộc phải chấp nhận bán với giá thấp hơn với hy vọng bên mua “xuống tiền”. Trong lĩnh vực bất động sản, đại diện CBRE nhấn mạnh: “NĐT trong nước cần quên giai đoạn năm 2005 - 2007 đi, vì các NĐT nước ngoài không ở Việt Nam để làm giàu cho NĐT trong nước. Nếu không có cách tiếp cận thực tiễn và minh bạch, họ sẽ tìm kiếm cơ hội ở nơi khác”.

Công ty tư vấn M&A lâu đời và lớn nhất tại Nhật Bản - Recof cũng cho rằng, kỳ vọng về mức giá của phía DN Việt Nam nên được đánh giá lại so với giai đoạn trước, bởi DN Nhật Bản bị chi phối bởi các bên liên quan, nên họ không thể trả giá quá cao khi thực hiện các thương vụ.

“Tôi biết chắc rằng không ai mua với giá hiện nay. Không ai mua thì tài sản đó để làm gì, đến lúc sẽ phải bán với giá thấp hơn, không riêng gì bất động sản mà tài sản ở các lĩnh vực khác cũng thế”, vị giám đốc CTCK nói. Cũng giống như chứng khoán, nếu không bán hôm nay thì ngày mai cổ phiếu có thể tăng giá lại, nhưng cũng có thể sẽ mất giá thêm vài chục phần trăm. Với sự cạnh tranh thu hút nguồn vốn đầu tư hiện nay, tâm lý cứ giữ tài sản lại với kỳ vọng giá cao có thể khiến DN phải sống lay lắt dài hơn và chưa chắc đã thoát khỏi tình trạng phá sản.

Theo Đầu tư chứng khoán
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.