Câu chuyện bắt đầu từ ngày 27-8, khi nhiều tờ báo đưa tin "lương khủng” của nhóm lãnh đạo tại 4 doanh nghiệp (DN) dịch vụ công ích tại TP.HCM: có người nhận tới hơn 2,6 tỉ đồng tiền lương (thưởng) 1 năm, có nghĩa là hơn 200 triệu đồng/tháng. Tính chung, phần tiền mỗi vị này lấy được từ công quỹ cao gấp 41 lần 1 người lao động trong đơn vị do họ làm "công bộc”. Khi sự việc vỡ lở, dư luận không khỏi bàng hoàng. Vì sao những DN "lìu tìu” như công ty thoát nước, công ty công viên cây xanh, công ty
TP.HCM mưa to là ngập úng, nhưng lương "sếp thoát nước” thuộc loại khủng nhất thế giới
"Ai nghe cũng choáng”
Tại cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội và thu chi ngân sách địa phương trong tháng 8, triển khai nhiệm vụ tháng 9 (tổ chức sáng 29-8), ông Lê Hoàng Quân - Chủ tịch UBND TP.HCM nói: "Thông tin nóng nhất mấy ngày nay là chuyện lương giám đốc DN dịch vụ công ích gần 2,7 tỉ đồng. Tôi đi họp ở đâu cũng nghe xôn xao, giám đốc ở TP.HCM sao mà giỏi quá vậy, lương cao quá, ai nghe cũng choáng”. Ông Quân cũng đồng thời cho biết, trước đó, khi UBND TP chỉ đạo về việc chi trả tiền lương, chính lãnh đạo Công ty Công viên cây xanh còn làm đơn gửi lên Thành ủy cho rằng, UBND TP chỉ đạo thực hiện như vậy là giảm nguồn thu của DN, ảnh hưởng đến thu nhập của cán bộ công nhân viên. "Đúng là có giảm thật, nhưng giảm là giảm của công nhân do mấy ông thực hiện không đúng chủ trương. Chứ còn lương của ban quản lý, ban giám đốc thì cao ngất trời”, Chủ tịch UBND TP.HCM nói. Được biết, năm 2012, ngân sách nhà nước đầu tư cho Công ty Công viên cây xanh là 600 tỉ đồng.
Trước luồng ý kiến cho rằng, có thể những "sếp” của các DN dịch vụ công ích này làm ăn giỏi, có nhiều tiền, thì họ có quyền được chia, như vậy mới trúng, mới khuyến khích người ta làm ăn; vẫn Chủ tịch UBND TP.HCM giải thích: "Có đồng chí nói cái này không đụng tới ngân sách, do mình hoạt động mà có. Nhưng nếu hoạt động được bao nhiêu đem chia nhau hết thì còn gì là DN nhà nước. Phải nghiên cứu đầu tư tái sản xuất, mở rộng chiều sâu, chăm lo cho đời sống người lao động chứ, sao lại mang ra chia nhau”. Để rõ hơn, ông Quân nêu quan điểm: "Tôi nói thẳng cái tội của các anh là bớt lương, bớt thu nhập của người lao động để làm giàu cho bản thân. Tội này phải trị tới nơi tới chốn, không phải cứ nói anh thu rồi giờ trả lại là thôi. Làm như thế là sai hoàn toàn, từ sai về mặt chế độ chính sách cho tới quan điểm”.
Thái độ của lãnh đạo TP.HCM là rất rõ ràng: không dung túng cho sai phạm, trị đến nơi đến chốn sai phạm. Nhưng, một câu hỏi đặt ra: vì sao lãnh đạo TP.HCM không phát hiện ra vụ này, dù đã tồn tại một cách bất công hơn 2 năm qua? Theo quy định hiện hành, cơ chế quản lý tiền lương của DN có 100% vốn nhà nước có 2 quỹ tiền lương: quỹ tiền lương của người lao động và quỹ tiền lương của ban điều hành. Hàng năm, quỹ tiền lương của ban điều hành phải được UBND TP phê duyệt. Còn tiền lương của người lao động thì ăn theo đơn giá. Như vậy, tại đây đã xuất hiện ít nhất 3 lỗ hổng:
-Thứ nhất, không có sự rõ ràng cũng như giám sát chặt chẽ trên cơ sở những nguyên tắc tài chính nhà nước là quỹ để trả lương cho ban điều hành bao nhiêu phần trăm từ nguồn ngân sách, bao nhiêu phần trăm từ lợi nhuận thu được do làm ăn hiệu quả.
-Thứ hai, không có sự kiểm tra một nguồn tiền nữa các DN có được khi cùng với việc thực hiện nhiệm vụ còn tiến hành làm thêm các hợp đồng công việc "ngoài ngành”.
-Thứ ba, không kiểm tra việc ký (hoặc không ký) hợp đồng với người lao động, từ đó xem quyền lợi của họ có bị tước đoạt hay không? Chính vì thế, các DN dịch vụ công ích này mới có thể "hô biến” tiền của nhiều ngàn lượt người lao động vào túi của mình.
Nhiều công nhân ngâm mình trong cống rãnh nhưng không được ký hợp đồng lao động, vì tiền để "nuôi” sếp
Hành động
Không chỉ "khui” ra 4 DN dịch vụ công ích chi "lương khủng” cho các sếp, TP.HCM quyết tâm tiến hành tổng kiểm tra quỹ lương của 53 DN thuộc sở hữu của UBND TP. Những hành động của lãnh đạo TP.HCM giải quyết vụ này được dư luận đánh giá là nhanh chóng, mạnh mẽ, rốt ráo.
Ngày 4-8, lãnh đạo TP.HCM ra ký quyết định đình chỉ chức vụ đối với 8 cá nhân "lương khủng” của 4 DN sai phạm. Lý do được đưa ra là rất rõ ràng: ký hợp đồng sai quy định của Luật Lao động để tước đoạt quyền lợi của người lao động; chia tiền lương cho lãnh đạo DN cao bất thường, bất bình đẳng; số lao động thấp hơn nhiều so với thực tế. Khi nhận quyết định kỉ luật, ông Trần Thiện Hà, Giám đốc Công ty Công viên cây xanh đô thị nói: "Lệnh của Ủy ban như thế nào thì tôi chấp nhận như vậy”. Làm gì có chuyện dễ dàng thế, làm gì có chuyện dừng lại ở đó. Đình chỉ chức vụ chưa là gì so với tội trạng của các vị, mà phải là cắt chức, truy thu số tiền chiếm dụng sai trái và cuối cùng là ra tòa. Cùng với những nhân vật cộm cán trong "con thuyền lương khủng” những vị có liên quan tại những DN sai phạm cũng phải kiểm điểm. Việc đó phải kết thúc trước ngày 12-9, theo lệnh của lãnh đạo UBND TP. "Chuông nguyện hồn ai” đang vang lên rất gấp gáp.
Chưa hết, chiều 5-9, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà - người được coi là "bàn tay thép” của vụ này đã công bố thêm một sai phạm lớn của các DN làm bậy này: Đó là khai khống lao động để hưởng chênh lệch. Trước đó, tội của các DN này là tước đoạt quyền lợi người lao động bằng cách ký hợp đồng sai, chi "lương khủng” cho lãnh đạo sai quy định.
Khi những hành động quyết liệt đang được triển khai từ lãnh đạo TP, thì bỗng loang ra cái tin: sẽ thu hồi lại lương chi cao của công nhân tại các DN này, tổng cộng con số lên tới 100 tỷ đồng. 5.000 người lao động liên đới hoang mang. Chẳng lẽ mình cũng chung số phận với vài chục sếp bòn rút của công hay sao?
Gần như tức thì, chiều 5-9, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà đã lên tiếng khẳng định: TP không thu hồi lại một đồng nào lương chi quá cao của công nhân, mà chỉ thu hồi lương lãnh đạo. Ông Hà nhấn mạnh: "Việc làm sai quy định là do lãnh đạo của những đơn vị này. TP.HCM chắc chắn sẽ không lấy bất cứ một đồng nào của người lao động. Việc các công ty cố tình tung thông tin như vậy, gây hoang mang cho người lao động là sai. Bất cứ người lao động nào tại 4 đơn vị công ích của thành phố đã bị tước đoạt, mất đi quyền lợi của mình nay sẽ buộc lãnh đạo tại những đơn vị đó phải khôi phục, bồi thường”.
Không "sổng” người, lọt tội
Không chỉ TP.HCM vào cuộc mà nhiều cơ quan hữu quan cũng vào cuộc, vì vụ "lương khủng” tại các DN dịch vụ công ích gây bức xúc xã hội lên đến độ khó đo đếm. Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Phạm Minh Huân cho biết, Bộ này đã có công văn gửi UBND TP.HCM đề nghị kiểm tra tất cả các DN nhà nước trên địa bàn, trong đó tập trung vào việc xem xét việc trả lương như thế nào? Bộ LĐTB-XH cũng đã cử cán bộ tiền lương vào cùng phối hợp với TP.HCM để tìm hiểu do đâu mà các DN này lại trả lương cao như vậy. Theo ông Huân, trước mắt, TP.HCM cần phải xác định thu hồi những khoản chi vượt quản lý. Đây là việc cần làm ngay! Ông Huân giải thích, theo quy định Nhà nước đưa ra khung, nếu DN làm hiệu quả thì sếp đơn vị được xác định mức lương cao gấp 3 lần lương tối thiểu chung của DN. Lương viên chức quản lý tách riêng thành quỹ lương riêng. Quỹ lương gắn với hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN. Về mức lương cao nhất mà lãnh đạo những DN công ích này được nhận trong 2 năm 2011 và 2012, ông Huân cho rằng, nếu đúng quy định thì cao lắm cũng chỉ khoảng 40 triệu đồng/tháng, không thể cao hơn.
Thứ trưởng Phạm Minh Huân cũng cho biết thêm, căn cứ vào kết quả thanh tra của TP.HCM, Bộ LĐTB-XH báo cáo và đề nghị Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành và UBND các tỉnh, TP phải kiểm tra việc thực hiện các chế độ chính sách về lao động tiền lương đối với các DN nhà nước đang sở hữu vốn (kể cả DN sản xuất kinh doanh).
Những ngày qua, mạng internet xuất hiện rất nhiều bình luận, ý kiến xung quanh vấn đề lương khủng của sếp DN công ích. Một người chua chát tính rằng: "Tôi làm việc ở công ty TNHH một thành viên huyện. Làm việc cả thứ 7 + chủ nhật, đêm, bão… mà mỗi tháng tôi chỉ nhận được 3.500.000 đồng, kể cả tiền ăn trưa, xăng xe, điện thoại và bậc lương của tôi là 2,65”. Một giáo viên thì viết: "Một năm lương của một vị hơn cả đời dạy học của tôi”. Một người khác viết: "Mình là công chức nhà nước đã 3 năm rồi, lương 2,9 triệu (đã bao gồm phụ cấp 25%). Nhìn lương các bác ấy mà mình đau lòng quá”. Một công nhân làm giày xuất khẩu cho rằng, 1 tháng lương của "các ông ấy” bằng cả 5 năm làm việc không ăn uống (có nghĩa là chịu đói, chịu khát) của mình. Tất nhiên, không ai nhịn đói được 1 tháng, chết mất rồi còn đâu!
Đáng chú ý, một ý kiến cho rằng, nếu như vị lãnh đạo đó bỏ vốn cá nhân ra kinh doanh thì lương cao nữa cũng mặc kệ. Vấn đề ở đây là dùng tiền của Nhà nước, mà tiền của Nhà nước tức là tiền thuế của dân. Đó chỉ có thể nói là tội phạm, là những kẻ táng tận lương tâm.
Chúng ta không hạn chế việc trả lương cao cho những tài năng, những người quản lý giỏi nhưng phải căn cứ vào quy định của luật pháp, dựa trên sàn thu nhập chung, chứ không thể "ăn trên ngồi trốc” một cách bất công được. Với các DN nhà nước, thì đó vừa là pháp lý vừa là đạo đức cán bộ, ăn chặn trên lưng người lao động là một tội lỗi không thể dung thứ.
Trong vụ này, cũng không thể để "lọt người, lọt tội”- đó là những vị ăn lương để giám sát các DN công ích kể trên. Không có lý do gì họ không phát hiện ra những sai phạm "to như con voi”. Họ đã bưng bít số liệu, cung cấp những số liệu thiếu trung thực suốt một thời gian dài. Họ không làm nhiệm vụ "tham mưu” cho lãnh đạo mà đã và đang "âm mưu” để trục lợi. Mà như thế, lần này không thể để những vị "quan tham mưu” ấy "sổng” được.
Nam Việt (Đại đoàn kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.