Giữa bối cảnh thời gian đang cạn dần và cuộc chiến pháp lý ngày càng đuối, Tổng thống Trump đã tính chiêu mới để tiếp tục thách thức kết quả bầu cử.

Nỗ lực pháp lý đuối dần, Trump tính kế mới

Tổng thống Trump đang chuyển sự tâp trung sang Quốc hội bằng cách gây sức ép lên đảng Cộng hòa sau khi các tòa án liên tục bác bỏ các đơn kiện của ông trong nỗ lực đảo chiều kết quả bầu cử.

Động thái mới của Tổng thống Trump là một phần trong hướng tiếp cận đa chiều của ông khi tìm cách vận động các nhà lập pháp liên bang và các nhà lập pháp của từng bang đứng về phía những cáo buộc chưa có bằng chứng về gian lận bầu cử, cũng như huy động sự ủng hộ với thách thức pháp lý cuối cùng ở Tòa án Tối cao.

Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Nhà lãnh đạo Mỹ đã gọi điện cho các thành viên đảng Cộng hòa, khuyến khích họ tiếp tục đấu tranh và lên tiếng mạnh mẽ hơn về việc cuộc bầu cử đã bị đánh cắp dù cáo buộc này chưa đưa ra được bằng chứng.

Ông Trump hôm 9/12 đã có các cuộc trao đổi với Chủ tịch đảng Cộng hòa bang Arizona Kelli Ward và nghị sĩ Mike Johnson, người đứng đầu Ủy ban Nghiên cứu đảng Cộng hòa; cũng như dự kiến sẽ gặp một số tổng chưởng lý của các bang ở Nhà Trắng ngày 10/12 (giờ Mỹ). Trong khi đó, ông Rudolph W. Giuliani, luật sư rieng của ông Trump và là người dẫn đầu cuộc chiến pháp lý cũng thực hiện các cuộc điện đàm tương tự từ bệnh viện, nơi ông đang được điều trị Covid-19.

Tổng thống Trump cũng yêu cầu Phó Tổng thống Mike Pence liên hệ với các thống đốc và một số lãnh đạo đảng Cộng hòa ở những bang quan trọng để xem liệu họ có thể làm gì nhằm giúp Tổng thống đảo chiều kết quả bầu cử. Dù vậy, một nguồn tin thân cận cho biết, ông Pence sẽ không gây sức ép buộc các nhà lập pháp phải thực hiện các hành động cụ thể.

Trong khi đó, theo các nguồn tin giấu tên, tại Tòa nhà Quốc hội, các đồng minh bảo thủ của ông Trump trong Hạ viện đã trao đổi kín với các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa nhằm tranh thủ sự ủng hộ của một thượng nghị sĩ nào đó để phản đối danh sách đại cử tri ngày 6/1.

Vào ngày đó, Quốc hội sẽ triệu tập một phiên họp chung để kiểm phiếu đại cử tri và tuyên bố ông Biden là Tổng thống thứ 46 của Mỹ với sự chủ trì của Phó Tổng thống Mike Pence. Tuy nhiên, nếu một thành viên trong Hạ viện và một thành viên trong Thượng viện thách thức kết quả bầu cử của một bang nào đó, toàn bộ Quốc hội sẽ phải bỏ phiếu. Tình thế này sẽ buộc các thành viên đảng Cộng hòa phải lựa chọn giữa chấp nhận kết quả bầu cử hay ủng hộ nỗ lực đảo chiều kết quả bầu cử của ông Trump.

Tổng thống Trump đã gọi điện cho một số cố vấn chiến dịch tranh cử và cố vấn Nhà Trắng để yêu cầu sự giúp đỡ từ họ. Theo một người giấu tên có thông tin về các cuộc điện đàm của ông Trump, đây là nỗ lực phút chót của Tổng thống để đảo chiều kết quả.

Sức ép dồn lên vai đảng Cộng hòa sẽ ngày càng nặng nề hơn sau khi các đại cử tri gặp nhau tại từng bang ngày 14/12 để bỏ phiếu và những hy vọng của Tổng thống Trump vào cuộc chiến pháp lý đang phai nhòa dần.

Tính toán đến cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022 và cuộc bầu cử năm 2024, các thành viên đảng Cộng hòa hiện vẫn thể hiện sự trung thành với Tổng thống Trump.

Theo nhiều hãng truyền thông, ông Biden chiến thắng cuộc bầu cử tổng thống vừa qua với 306 phiếu đại cử tri trong khi ông Trump chỉ giành được 232 phiếu. Ứng viên đảng Dân chủ cũng dẫn trước nhà lãnh đạo đương nhiệm của Mỹ hơn 7 triệu phiếu phổ thông. Dù vậy, ông Trump tiếp tục từ chối chấp nhận kết quả bầu cử, đồng thời liên tục đưa ra các cáo buộc chưa có bằng chứng, khẳng định rằng cuộc bầu cử 2020 đã gian lận.

Các tòa án và thẩm phán trên khắp nước Mỹ đã bác bỏ thẳng thừng các cáo buộc của chiến dịch Tổng thống Trump và đồng minh do thiếu bằng chứng thuyết phục. Nỗ lực đảo chiều kết quả bầu cử của đội ngũ Tổng thống Trump tiếp tục chứng kiến một bước lùi mới hôm 8/12 sau khi Tòa án Tối cao bác bỏ nỗ lực của các đồng minh của Tổng thống Trump nhằm đảo chiều chiến thắng của ông Biden ở Pennsylvania. Những bước lùi tương tự cũng liên tục được ghi nhận ở Arizona, Nevada và Michigan.

Cuộc “thử lửa” trong đảng Cộng hòa

Bị các tòa án bác bỏ đơn kiện, Tổng thống Trump đang tìm cách huy động sự ủng hộ từ Quốc hội để thúc đẩy các nỗ lực hậu bầu cử của ông. Một số đồng minh trung thành nhất của Tổng thống đã đồng ý với việc này và gây sức ép để các thành viên khác trong đảng Cộng hòa cùng tham gia vào nỗ lực trên của ông Trump.

Tổng thống Trump đã điện đàm với ông Johnson sáng 9/12, yêu cầu lãnh đạo bảo thủ này triệu tập các thành viên đảng Cộng hòa trong Hạ viện ký một tài liệu trong đơn kiện của bang Texas, tìm kiếm sự can thiệp tư pháp chưa từng có nhằm bác bỏ kết quả tại 4 bang dao động đã bầu cho ông Biden là Michigan, Wisconsin, Georgia và Pennsylvania. Ông Johnson sẵn sàng thực hiện đề xuất trên và đã gửi email cho tất cả thành viên đảng Cộng hòa trong Hạ viện nhằm thuyết phục họ ký tên vào hồ sơ vụ kiện của bang Texas.

Trong email này, ông Johnson đã viết rằng, Tổng thống Trump "sẽ chờ để xem xét khi danh sách này hoàn thiện", đồng thời khẳng định Tổng thống sẽ biết ai là người đã ký và ai là người chưa ký.

Bên cạnh đó, nhiều thành viên trong Nhóm đại biểu đảng Cộng hòa trong Hạ viện và những người có quan điểm bảo thủ khác đã ký một bức thư gửi tới Tổng thống Trump, yêu cầu ông chỉ định Bộ trưởng Tư pháp William Barr bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt điều tra về "các trường hợp làm sai quy định" trong cuộc bầu cử vừa qua. Tuy nhiên, tuần trước, chính ông Barr đã khẳng định rằng Bộ Tư pháp không tìm thấy bằng chứng có thể đảo chiều kết quả bầu cử.

Tại Thượng viện, Chủ tịch cơ quan phụ trách Các vấn đề của chính phủ và An ninh nội địa Ron Johnson thông báo rằng ông sẽ tổ chức một phiên điều trần về "những trường hợp làm sai quy định" trong bầu cử vào ngày 16/12 tới, 2 ngày sau khi các đại cử tri đi bỏ phiếu.

Tại Michigan, đội ngũ pháp lý của Tổng thống Trump đã gia tăng sức ép với các nghị sĩ của bang nhằm can thiệp vào việc lựa chọn đại cử tri qua các cuộc gọi hàng ngày với các nhà lập pháp đảng Cộng hòa ở Lansing. Một nhân viên lập pháp bang Michigan cho biết hôm 9/12 rằng vấn đề đang được các thành viên đảng Cộng hòa thảo luận là liệu Tổng thống Trump có đang đặt cược "một ăn cả, ngã về không" vào vụ kiện của bang Texas hay không.

Cùng thời điểm, các tổng chưởng lý ở 17 bang Tổng thống Trump giành chiến thắng đã gây sức ép lên Tòa án Tối cao bằng cách ủng hộ đơn kiện của bang Texas nhằm thách thức kết quả bầu cử. Tòa án cho biết 4 bang là mục tiêu của vụ kiện gồm Michigan, Wisconsin, Pennsylvania và Georgia sẽ đưa ra phản hồi vào chiều 9/12 (giờ Mỹ).

Theo Hiến pháp, các bang có quyền đặt ra các quy định bầu cử và gần như chưa có trường hợp một bang khác thách thức các quy định này. Tuy nhiên, những bang ủng hộ vụ kiện của Texas nói rằng họ làm vậy để bảo vệ các chính cử tri của mình.

Tổng thống Trump hôm 9/12 đã viết trên Twitter rằng: "Đây là một sự kiện lớn. Đất nước của chúng ta cần một chiến thắng". Nhà lãnh đạo Mỹ cũng tiếp tục gọi điện cho các nhà lập pháp của các bang như Georgia, Michigan và Pennsylvania.

Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Mo Brooks cho biết ông sẽ thách thức kết quả bầu cử dù chưa rõ có bao nhiêu đại cử tri mà ông và các đồng minh khác của Tổng thống Trump sẽ phản đối. Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu họ có thể thuyết phục một thành viên đảng Cộng hòa trong Thượng viện tham gia vào nỗ lực buộc Hạ viện và Thượng viện phải tiến hành bỏ phiếu hay không.

Đầu tuần này, ông Brooks và hạ nghị sĩ Cộng hòa Andy Biggs, lãnh đạo Nhóm đại biểu đảng Cộng hòa trong Hạ viện đã gặp kín các lãnh đạo trong Ủy ban Chỉ đạo đảng Cộng hòa ở Thượng viện, gồm có thượng nghị sĩ Mike Lee và Ted Cruz. Theo các nguồn tin thân cận, các thành viên đảng Cộng hòa trong Hạ viện đưa cả 2 thượng nghị sĩ trên vào kế hoạch của họ và khẳng định họ cần một thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa tham gia vào nỗ lực này.

Văn phòng của 2 thượng nghị sĩ trên đều từ chối bình luận. Khi được hỏi về vấn đề này hôm 8/12, ông Cruz lảng tránh câu hỏi và nói rằng tòa án sẽ đưa ra quyết định cuối cùng.

Những người có quan điểm bảo thủ cũng đang để mắt đến thượng nghị sĩ Rand Paul và Josh Hawley trong nỗ lực đứng về phía Tổng thống Trump.

"Điều này thật điên rồ. Dĩ nhiên, Tổng thống Trump có quyền thách thức kết quả bầu cử ở tòa án để kiểm lại phiếu. Nhưng những nỗ lực nhằm chuyển hướng phiếu bầu của người dân thật sự nguy hiểm và sẽ phá hủy nền dân chủ của chúng ta", thượng nghị sĩ Mitt Romney đánh giá.

Xem thêm bài viết về: Donald Trump
Kiều Anh (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.