CafeLand - Mặc dù không phải là huyền thoại về đầu tư như George Soros hay Ray Dalio – trên thực tế, ông còn không có cả trang Wikipedia riêng – nhưng thực ra Larry Robbins là quản lý quỹ đầu tư thành công nhất trên thế giới hiện nay. Quỹ đầu tư uy tín nhất của ông mang tên Glenview Capital Opportunity đã chi trả mức lợi nhuận gây sốt 84,2% cho các nhà đầu tư vào năm ngoái, mức lợi nhuận cao nhất so với bất kỳ quỹ đầu tư nào trong năm 2013.

Larry Robbins (người thứ 3, hàng đầu tiên từ phải qua) cùng đội ngũ nhân sự chủ chốt của quỹ

Trong thập kỷ vừa qua, ông đã giúp các nhà đầu tư có mức tăng hàng năm là 13,4% - quả là không tệ khi xem xét trong bối cảnh lúc bấy giờ, khi mà cuộc khủng hoảng tài chính bao trùm dẫn tới một số quỹ đầu tư hàng đầu bị xóa sổ. Ông đứng ra khởi động quỹ Glenview Capital Management 13 năm trước với 72 nhân viên và “chiếm lĩnh” toàn bộ một tầng của tòa nhà nổi tiếng General Motors Building trên Fifth Avenue, New York. Đó là một khởi điểm hoàn hảo với một cựu vận động viên khúc côn cầu của trường Đại Học Pennsylvania – và thật thú vị, ông đặt tên cho công ty của mình là Glenview sau khi tham gia đội tuyển khúc côn cầu trẻ vùng ngoại ô Chicago.

Tại văn phòng, Robbins cùng các cộng sự đã thực hiện một nghiên cứu chuyên sâu về đầu tư dài hạn ở các công ty vốn lớn có lợi thế là không phụ thuộc vào các tập đoàn chịu chi phối của chu kỳ tăng trưởng kinh tế. Cũng như rất nhiều các giám đốc quỹ đầu tư khác đã thành công vào năm 2013, ông thu lợi nhờ thực hiện chiến lược đặt cược một khoản lớn vào cổ phiếu chỉ khi thị trường bước vào đợt tăng giá kéo dài. Trên thực tế, cho đến ngày 30/06/2013, top 10 nhà lãnh đạo của Glenview đã chiếm 2/3 tổng tài sản của quỹ.

Tăng giá chứng khoán y tế

Rất nhiều thành công của Robbin với tư cách là nhà đầu tư xuất phát từ lợi nhuận thu về từ cổ phiếu y tế khi ông “chân ướt chân ráo” đầu tư vào lĩnh vực này năm 2004, cùng lúc Tổng thống George W. Bush ký Đạo Luật Cải Tổ Y Tế buộc chính phủ phải tăng số tiền bồi hoàn cho các công ty hỗ trợ người cao tuổi.

Hiện tại, gần một nửa tài sản của Glenview được đầu tư vào các công ty hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, bao gồm Tenet Healthcare, Community Health Systems, McKesson, Humana, và Health Management Associates. Khác với những “đồng đạo” phố Wall, Robbins là một “fan khủng” của Đạo luật chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền – hay còn gọi là Obamacare. Vì đạo luật này là một cú hích lớn cho quá trình đầu tư vào y tế của ông và thúc đẩy ông đầu tư mạnh tay hơn nữa vào lĩnh vực này, một chiến lược đã thu về một khoản xứng đáng. Ông cho biết “Đã có quá nhiều nỗi lo vô ích đối với đạo luật Obamacare”. Ví dụ như, ban đầu hầu hết các nhà đầu tư đều bán ra các cổ phiếu của các công ty bảo hiểm trước khi kịp nhận ra rằng mình đã bỏ lỡ những gì.

Hướng tới phương pháp năng động hơn

Trước đây, Robbins đã từng dùng thuật ngữ “khêu gợi” để mô tả phương pháp của mình. Phương pháp này có thể mô tả ngắn gọn là phát triển mối quan hệ thân mật với ban quản lý các doanh nghiệp để đề xuất những thay đổi có lợi cho cổ đông. Tuy nhiên, sự tự tin của Robbins đã dẫn ông tới một chiến lược đầu tư mới, và ông đã tiến hành một cuộc đấu tranh ủy quyền đầu tiên vào năm ngoái với Hiệp Hội Quản Lý Y Tế (Health Management Associates) với mục đích yêu cầu thay đổi người đứng đầu tổ chức này.

Để giải thích cho “cú tấn công” này, ông xuất phát từ niềm tin rằng các bệnh viện đang ở “dưới tác dụng đòn bẩy” và nên được khuyến khích mua lại cổ phiếu để chi trả cho các cổ đông được nhiều hơn. Một trong số đó là bệnh viện do Tenet Healthcare làm chủ sở hữu, trong đó Glenview là cổ đông lớn nhất. Lần đầu tiên đầu tư vào, đơn vị này đã có năng lực tiền mặt và số tiền có thể vay nhiều đến nỗi “có thể phải mua lại từng cổ phiếu trong khoảng 19 tháng”. Sau khi được Robbins thuyết phục, ban điều hành của Tenet nhận thấy rằng họ có thể “phân bổ nguồn vốn để chia sẻ quyền mua lại trong khi vẫn duy trì được vị thế”. Trong giai đoạn này, họ đã mua lại 26% cổ phiếu, nhưng Robbins đã thuyết phục họ tiến xa hơn nữa và phát hành 800 triệu USD trái phiếu, dùng 500 triệu USD để mua cổ phiếu và 300 triệu để mua lại. Vậy kết quả thế nào? Giá cổ phiếu đã tăng gấp đôi và hiện nay đang được giao dịch ở mức 39 USD.

Mặc dù hoạt động tích cực trong những công ty mà ông đầu tư, ông lại không hề có ý muốn kiểm soát bất cứ công ty nào, vì ông không muốn điều hành công ty, ông chỉ muốn mang lại lợi ích tốt đẹp hơn cho các cổ đông.

Bí quyết thành công?

Cùng với lượng cổ phiếu y tế dồi dào, Glenview còn có lượng vốn góp lớn tại General Motors, American International Group (AIG), công ty cố vấn công trình Flextronics và Xerox. Không như những quỹ đầu tư lớn khác, Glenview thường nắm cổ phiếu trong nhiều năm liền và không sử dụng những biện pháp chặn đứng thua lỗ. Lập luận của Robbins khá thẳng thắn, sử dụng phép phân tích đối với 76 trường hợp, trong đó Glenview sở hữu một cổ phiếu giảm giá trong hơn ba năm qua. “Nếu chúng tôi bán, chúng tôi sẽ tránh được thiệt hại 98 triệu USD, nhưng lại làm mất đi 2,2 tỷ USD lợi nhuận của các nhà đầu tư. Những biện pháp chặn đứng thua lỗ có thể khiến chúng tôi phải trả giá như vậy đó” ông cho biết.

Về vấn đề làm thế nào ông có thể quản lý tốt các phần còn lại của quỹ đầu tư khi ở khoảng cách xa, Robbins chia sẻ: “Các hoạt động của ngành quỹ đầu tư giống như một nhà giao dịch chứ không phải là người sở hữu. Trên thương trường, giá thấp sẽ dẫn tới hoạt động bán chứ không phải mua. Lý do căn bản là để bảo tồn vốn vì hệ thống có thể sẽ sụp đổ”. Triết lý của ông ngày càng có nhiều nét tương đồng với các nhà đầu tư giá trị như Warren Buffett hay John Malone, đồng thời ông đã mô tả ngắn gọn nó như sau: “Hãy suy nghĩ như chủ sở hữu chứ không phải nhà kinh doanh”.

Thu Hằng (Hedgethink)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.