Về hưu, nhưng bà Ngô Thị Hồng (thôn Phong Nam, xã Hòa Châu, H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) vẫn tất bật mỗi ngày, quyết tâm làm giàu trên đống vải vụn.
Bà Hồng (giữa) hướng dẫn chị em xử lý vải vụn - Ảnh: An Dy
Khởi nghiệp bằng trợ cấp hưu trí

Sau hơn 30 năm làm công trong ngành may mặc, bà Hồng về hưu với gói trợ cấp hưu trí gần 20 triệu đồng.

Nhìn thấy những người dân quê còn quá nghèo khó, lúc nông nhàn cũng chẳng thể kiếm được việc làm thêm bà quyết phải làm một cái gì đó giúp người dân quê mình. Sẵn kinh nghiệm nhiều năm trong ngành may mặc, bà Hồng nghĩ ra chuyện buôn bán vải vụn, vải đầu khúc để gia công thành những sản phẩm đồ gia dụng.
Nghĩ là làm. Đầu năm 2004, bà dùng trọn số tiền hưu, rồi vay mượn thêm của người thân lập xưởng gia công.
“Hồi đầu cực lắm. Tôi đi khắp nơi gõ cửa các xí nghiệp, nhà máy để xin mua vải vụn, rồi vào Đại Lộc, Duy Xuyên, lên Tiên Phước (Quảng Nam) để kết nối với các cơ sở thu mua và xuất hàng gia công. Gặp cái gì cũng mua, từ vải vụn, bông, cho đến ni lông, giấy vụn… kéo về đầy nhà không khác gì xưởng ve chai”, bà Hồng nhớ lại thời gian đầu khởi nghiệp.
Mỗi tháng, bà Hồng xuôi ngược tạm nhập, tái xuất hơn 30 tấn vải vụn, vải đầu khúc, chăn bông, nệm lót các loại rồi cho gia công thành nhiều mặt hàng gia dụng như thảm chùi chân, chăn bông, đồ bảo hộ lao động, găng tay, áo chống nắng...
Hàng gia công từ xưởng của bà xuất đi khắp các tỉnh thành của miền Trung, rồi lên Tây nguyên, vào miền Nam, ra miền Bắc.
Điểm tựa của những người bất hạnh
Hơn 10 năm nay, cái xưởng vải vụn nhỏ nằm lọt thỏm giữa làng quê yên bình của bà Hồng là điểm tựa mưu sinh của hơn 30 chị em lao động nghèo, khuyết tật với thu nhập ổn định từ 3 - 4 triệu đồng/tháng.
“Chúng tôi là dân làm nông, không biết đi xe đạp, xe máy nên cũng chẳng mấy khi ra khỏi làng, nói chi đến chuyện làm thêm ở đâu. Từ khi có xưởng này, chị em trong thôn có thêm việc làm lúc nông nhàn, thêm thu nhập. Toàn là hộ nghèo cả nên chị Hồng rất thương, chăm chuốt từ miếng ăn đến cả chuyện lương thưởng, lễ lạt. Hễ có nhà nào ốm đau, bệnh tật hay ngặt nghèo là chị lại giúp thêm”, chị Ngô Thị Thu, một lao động tại xưởng vải của bà Hồng, cho biết.
Đang trò chuyện với chúng tôi, bà Hồng lại tất bật nghe điện thoại và xử lý công việc với các khách hàng, rồi chỉ đạo luôn công tác từ thiện xã hội khắp nơi. Vừa phải gấp rút may chăn, màn, quần áo cho trẻ em mấy huyện miền núi của Quảng Nam, lại nghe chuyện gửi tiền trợ cấp hàng tháng đều đặn, đúng ngày cho 2 phụ nữ nghèo trong thôn, rồi đến tổ chức quyên góp nấu hơn 200 suất cơm từ thiện cho bệnh nhân ở Bệnh viện Tâm thần Quảng Nam vào cuối tuần…
Đồng hành cùng bà Hồng trong nhiều hoạt động thiện nguyện tại địa phương, chị Ngô Thị Ngọc, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Phong Nam tâm sự: “Thấy ai đau ốm, ngặt nghèo ở đâu chị Hồng cũng tìm đến giúp đỡ, có khi tiền triệu, rồi chục triệu, thậm chí có những chuyến từ thiện cả trăm triệu nên ai cũng nghĩ chị giàu ghê lắm. Thực ra, chị làm ra nhiều tiền nhưng làm bao nhiêu lại cho đi bấy nhiêu chứ chẳng giữ lại mấy cho riêng mình. Công tác hội phụ nữ ở địa phương cũng nhờ vào chị nên nhiều chị em nghèo, khuyết tật được tạo việc làm, ổn định cuộc sống”.
“Làm giàu ở đây không phải là làm ra mớ của cải chất đống, rồi con cháu hư hỏng. Ở tuổi 60, tôi vẫn quyết làm giàu để không phụ thuộc con cái, để có tiền làm công tác xã hội, giúp được nhiều chị em phụ nữ nghèo, khuyết tật ở trong thôn có việc làm và thu nhập ổn định”, bà Hồng nói.
An Dy ( Thanh niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.