Trong khoảng hơn 10 ngày trở lại đây, giá xăng dầu thế giới đã giảm khoảng 5-7%. Người tiêu dùng và các doanh nghiệp hy vọng giá xăng dầu trong nước sẽ giảm, nhưng điều đó đã không xảy ra.

Trong khoảng hơn 10 ngày trở lại đây, giá xăng dầu thế giới đã giảm khoảng 5-7% so với thời trước đó. Người tiêu dùng và các doanh nghiệp hy vọng giá xăng dầu trong nước sẽ giảm, nhưng điều đó đã không xảy ra.

Giá thế giới giảm, lại tăng giá trong nước

Theo quyết định của liên bộ Tài chính - Công Thương thống nhất điều chỉnh giá bán xăng dầu tăng từ 20 giờ ngày 28/3/2013 tăng 362-1.430 đồng/lít, xăng điều chỉnh tối đa 1.430 đồng/lít, đẩy giá bán lẻ xăng A92 lên mức cao kỷ lục. Nhiều chuyên gia kinh tế, người dân, doanh nghiệp sản xuất ngỡ ngàng, choáng váng.

Cái lý của cơ quan chức năng đưa ra cho việc tăng giá xăng dầu trong bối cảnh giá thế giới đang giảm nghe ra có vẻ thiếu thuyết phục, mới đứng về phía lợi ích của cơ quan chức năng, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, chưa đứng về phía giới tiêu dùng.

Việc tăng giá xăng dầu, cơ quan chức năng cần có sự thông báo công khai, cụ thể, hết sức minh bạch, không thể đưa ra một trong các nguyên nhân là hạn chế buôn lậu. Vậy lực lượng quản lý thị trường làm gì? Trong khi đó, ngày 27/3 Trung Quốc quyết định giảm giá xăng dầu.

Để làm rõ việc điều chỉnh (tăng, giữ ổn định, hoặc giảm) giá chỉ có thể được xem xét qua cơ chế điều hành giá xăng dầu. Hiện nay giá xăng dầu được điều hành theo Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Đến nay, nghị định này đã có nhiều bất cập cần sửa đổi gấp.

Đầu năm 2013, Bộ Công Thương vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện và đề xuất hướng sửa đổi Nghị định 84 cho phù hợp với thực tiễn. Về cơ chế điều hành giá, trong báo cáo cho rằng, về bản chất cách điều hành là không thay đổi, chỉ thay đổi chu kỳ, tần suất điều chỉnh giá.

Định dạng và sửa chữa những bất cập

Trong cơ chế định giá, hướng đề xuất sửa đổi của cơ quan chức năng vẫn thừa nhận định giá xăng dầu chia làm 3 bước, đề xuất thu hẹp biên độ tăng giá (3%; 5% và 7%) để không tăng giá sốc.

Lần đầu tiên đề xuất phương án khác là quy định con số cụ thể (tuyệt đối), khi giá cơ sở và giá hiện hành trong nước chênh 500 đồng/lít, doanh nghiệp được tự quyết định giá bán lẻ, nếu mức chênh từ 500 - 1.000 đồng/lít thì doanh nghiệp được quyết định giá bán kết hợp với sử dụng quỹ bình ổn. Nhà nước chỉ can thiệp khi mức chênh lệch giữa giá bán lẻ và giá cơ sở cao hơn 1.000 đồng/lít.

Tư duy đó hoàn toàn không phù hợp với cơ chế định giá trong nền kinh tế thị trường. Trong cơ chế thị trường, chỉ có một trong hai chủ thể có quyền định giá, là Nhà nước hoặc thị trường. Nếu thị trường độc quyền thì giá do Nhà nước định, còn thị trường cạnh tranh thì giá do thị trường định (doanh nghiệp định giá theo giá thị trường - đó là giá phổ biến về một loại hàng hóa nào đó trên thị trường tại một thời điểm và không gian nhất định).

Trong bối canh thị trường xăng dầu chưa có cạnh tranh thực sự, vẫn còn độc quyền (Petrolimex với thị phần 55%, giữ vị trí thống lĩnh thị trường xăng dầu nội địa), với một thị trường còn mang tính độc quyền, Nhà nước để cho doanh nghiệp tự quyết định giá dù trong biên độ nhỏ, là trái với cơ chế quản lý giá trong nền kinh tế thị trường. Định giá xăng dầu vẫn chia 3 bước, theo cơ chế lưỡng tính là không phù hợp.

Qua các lần điều chỉnh tăng, giảm giá cho thấy việc điều hành giá không đúng với diễn biến của giá thị trường thế giới khi có sự diễn biến phức tạp của giá xăng dầu thế giới. Việc giá trong nước tăng không kịp với giá thế giới buộc các doanh nghiệp phải găm hàng, chờ thời điểm có lãi mới bán. doanh nghiệp đã tìm mọi cách trì hoãn để không bán hàng, như mất điện, bảo trì hệ thống, hỏng máy... Đó là lẽ đương nhiên trong hoạt động kinh doanh trên thương trường.

Thông thường, các doanh nghiệp phải đẩy mạnh bán ra để thu lợi nhuận. Thế nhưng tại sao doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu găm hàng? Đây là lỗi cơ chế quản lý giá. Do việc kìm giá quá lâu (4 lần) từ 15/2-26/2/2013) chủ yếu sử dụng quỹ bình ổn, hệ lụy dẫn đến khi giá thế giới giảm, nguồn quỹ bình ổn cạn kiệt và có nơi âm, chúng ta lại quyết định tăng giá, trái với quy luật thị trường, gây sốc, choáng váng cho người tiêu dùng. Niềm tin thị trường đã thấp, nay lại càng xuống thấp hơn nữa.

Sử dụng linh hoạt, nhạy bén các công cụ điều tiết

Thuế, giá, phí, quỹ bình ổn, mức chiết khấu, lợi nhuận định mức... là những bộ phận quan trọng trong cấu thành của giá bán. Việc sử dụng các công cụ này thời gian qua chưa linh hoạt nhạy bén.

Trước ngày 28/3 sau khi cộng các loại thuế, phí và được hưởng mức trích quỹ bình ổn với mặt hàng xăng ở mức 2.000 đồng/lít, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối đang có mức lãi khoảng 800 - 850 đồng/lít. Mức lãi với mặt hàng diesel 0,5S khoảng trên 700 đồng/lít. Mặt hàng lãi cao nhất là dầu hỏa với mức khoảng trên 900 đồng/lít.

Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại nhiều đơn vị đã bị âm do mức trích sử dụng quỹ cao kéo dài trong thời gian qua. Ngay các đơn vị chiếm thị phần lớn như Petrolimex, PV Oil, quỹ bình ổn cũng đã được sử dụng hết.

Người dân đang phải chịu đựng trả thêm tiền, còn doanh nghiệp xăng dầu đang có lãi nhờ quỹ bình ổn giá. Với mức trích như vậy, đáng ra giá xăng bán lẻ sẽ rẻ hơn 300 đồng/lít, nhưng người dân vẫn phải trả thêm 300 đồng/lít để tạo quỹ nhằm bù lại khi giá thế giới tăng.

Do lãi nhiều, nên mức chiết khấu mà các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu trích cho các đại lý lên tới 700-800 đồng/lít xăng bán lẻ. Chính vì thế, bán được càng nhiều, doanh nghiệp nhập khẩu càng có lãi. Đây chính là lý do khiến các doanh nghiệp đang có cuộc chạy đua ngầm về mức chi hoa hồng chia cho các đại lý từ 200 đồng tăng lên gấp 4 lần như hiện nay.

Chi phí hoa hồng, xét cho cùng người tiêu dùng phải gánh. Nếu tính bình quân theo lượng xăng dầu được nhập trong năm 2013 là 13 triệu tấn, trong đó 60% mặt hàng xăng, với lượng bán ra trung bình khoảng trên 2 triệu lít xăng/ngày, các doanh nghiệp đang ung dung hàng chục tỷ đồng lợi nhuận/ngày.

Định mức chi phí, thù lao hoa hồng đại lý

Những chi phí kinh doanh này cần sửa đổi, bổ sung theo hướng điều chỉnh mức chi phí kinh doanh định mức, đồng thời khống chế mức thù lao dành cho tổng đại lý, đại lý không vượt quá chi phí kinh doanh định mức.

Cụ thể, chi phí bán lẻ bình quân ở các địa bàn gần cảng nhập khẩu và gần nhà máy chế biến xăng, dầu ở trong nước của các thương nhân đầu mối đối với xăng, dầu diezel, dầu hỏa sẽ có mức tối đa là 860 đồng/lít (quy định hiện nay là 600 đồng/lít).

Đối với các địa bàn khác với quy định trên tối đa bằng 860 đồng/lít cộng với tối đa 2% mức giá bán lẻ xăng, dầu diezel, dầu hỏa ở địa bàn gần cảng nhập khẩu và gần nhà máy chế biến xăng, dầu ở trong nước. Như vậy, với cách tính này chi phí kinh doanh định mức được nâng lên, doanh nghiệp nhập khẩu đầu mối sẽ có lợi hơn.

Theo chúng tôi, cần minh bạch chi phí kinh doanh này gồm các chi phí cố định và chi phí biến đổi để có thể đánh giá sự biến động của các chi phí mà doanh nghiệp phải thực hiện. Khi đưa ra mức cụ thể cần phải khảo sát, đánh giá có cơ sở khoa học và thực tiễn, không đưa ra mức theo chủ quan của cơ quan quản lý hoặc theo sự đề nghị của các doanh nghiệp. Nếu đưa ra mức quá cao sẽ thiệt hại cho người tiêu dùng, nếu quá thấp không đủ bù đắp chi phí thì doanh nghiệp sẽ không thể tồn tại để hoạt động.

Về quỹ bình ổn giá nên tập trung về một đầu mối để quản lý có hiệu quả, được sử dụng linh hoạt và đáp ứng được yêu cầu bình ổn giá trong từng thời kỳ. Không được phép để quỹ bình ổn trong trạng thái âm. Tuy nhiên, cần nghiên cứu lại nguồn hình thành quỹ, ngoài sự đóng góp của người tiêu dùng, doanh nghiệp cũng cần trích một phần rất nhỏ lợi nhuận để chia sẻ sự rủi ro khi có sự biến động về giá. Đồng thời cần có cơ chế quản lý, giám sát và minh bạch công khai về quỹ bình ổn.

Về tần suất điều chỉnh giá, tần suất 10 ngày cũng chưa thật phù hợp với sự biến động của giá xăng dầu thế giới vốn thường xuyên biến động, mà cần phải ngắn hơn. Song một vấn đề khó khăn là hiện xăng dầu dự trữ quốc gia đang được để tại các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối. Thực tế này dễ dẫn đến tình trạng khó tách bạch giữa xăng dầu dự trữ quốc gia và xăng dầu kinh doanh. Cần phải nghiên cứu, xây dựng cơ chế theo hướng bảo đảm minh bạch, thuận lợi trong quản lý, sử dụng xăng dầu dự trữ quốc gia.

Định mức hao hụt và quản lý giá đầu vào

Định mức hao hụt tự nhiên về xăng dầu hiện nay do các doanh nghiệp đầu mối tự xây dựng, ban hành và thực hiện, cơ quan Nhà nước không thẩm định nên việc quản lý chi phí hao hụt của các doanh nghiệp trong giá vốn hàng bán còn mang tính chủ quan.

Nếu các doanh nghiệp lợi dụng việc tự quy định mức hao hụt để nâng chi phí kinh doanh, sẽ gây khó khăn cho việc giám sát. Cần ban hành một định mức hao hụt xăng dầu cho từng công đoạn đối với từng chủng loại xăng, dầu.

Hiện các doanh nghiệp tự tiến hành nhập khẩu, khó khăn trong việc quản lý giá đầu vào. Cần tổ chức đấu thầu theo tiêu chí giá nhập của các đầu mối. Hiện nay ngoài thị trường Singapore, hiện đơn vị đang nhập khẩu tại nhiều thị trường khác chẳng hạn như Trung Đông. Nên việc quy định lấy giá Platt’s tại Singapore để tính giá cơ sở liệu có còn hợp lý?

Với những cách thức điều hành giá xăng dầu còn lúng túng, không phù hợp với diễn biến của giá thế giới như hiện nay, một vấn đề đặt ra cần phải sửa đổi gấp Nghị định 84. Đồng thời cơ quan chức năng cũng cần có những biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp sau khi tăng giá xăng dầu sẽ lấy “cớ” để tăng giá bán của mình một cách bất hợp lý.

Ngô Trí Long (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.