Nghe có vẻ nực cười, vô trách nhiệm cũng như "ngược" với tư duy bình thường, thế nhưng Ashley Morris, CEO của công ty Capriotti lại cho rằng đây là cách tốt nhất để phát triển cả tập thể cũng như từng cá nhân bên trong nó.
Có thể đó không phải là điều bạn nghe thấy hàng ngày khi mà những CEO đều được xem như trung tâm đầu não của cả tập thể, họ có khả năng hét ra lửa cũng như chèo lái con thuyền tới đúng đích. Thế nhưng, Ashley Morris, CEO của công ty Capriotti lại cho rằng đôi khi giỏi giang, thông minh quá cũng không phải là điều tốt đẹp.
Anh cho rằng có rất nhiều lợi ích khác nhau không những để phát triển các cá nhân mà còn là để phát triển cả tập thể. Vậy, một CEO "ngu ngốc" sẽ mang lại những lợi ích gì? Dưới đây là luận điểm của Ashley Morris.
1. Làm việc phải có tập thể, mọi người cùng có suy nghĩ riêng chứ không phải chỉ do 1 người chỉ đạo.
2. Được nghe nhiều hơn là nói, cải thiện khả năng nắm bắt thông tin cũng như tìm kiếm được ý tưởng hoàn hảo nhất.
3. Rút ngắn khoảng cách lãnh đạo với nhân viên, tiếp cho họ đam mê cũng như động lực để chinh phục những thử thách mới.
Cụ thể hơn, Ashley Morris đi sâu vào từng ví dụ.
Tạo niềm tin vào tập thể, kích thích tinh thần làm việc theo nhóm
Có lẽ điều tồi tệ nhất của một doanh nghiệp hay tập thể là phải nghe 1 người. Trong khi thành lập nên ban lãnh đạo của Capriotti, tôi phải chắc chắn rằng mình tìm đúng người, người có khả năng cũng như những kĩ năng đủ để làm việc. Sau đó việc tôi cần làm tiếp theo là tạo nên một môi trường trao đổi tri thức để những người xung quanh giúp nhau cải thiện bản thân.
Cách thức này cho phép bạn không cần đưa ra ý kiến hay nhận định của mình quá nhiều mà nó là từ tập thể, từ ý kiến hoàn thiện nhất. Tất nhiên, cấp dưới cũng sẽ rất nể phục bạn nếu như bạn chịu lắng nghe họ, tôn trọng ý tưởng họ nói ra.
Ví dụ, tôi từng có một kế hoạch marketing có thể tiêu tốn của công ty tới 105.000 USD. Thế nhưng, đội marketing gạt phăng ý tưởng của tôi và đưa ra ý kiến của họ. Sau phần tranh luận chúng tôi tới với ý tưởng quyết định và rồi cùng thực hiện nó. Không mấy bất ngờ khi mà ý tưởng của nhóm marketing hoàn thiện hơn tôi rất nhiều, chi phí chỉ 10.000 USD cho mỗi cửa hàng. Nếu cứ chỉ tay 5 ngón và không nghe người khác, công ty tôi sẽ mất kha khá tiền cũng như thời gian cho những kế hoạch chẳng đi đến đâu.
Nghe nhiều hơn những gì bạn nói
Một trong những yếu tố quan trọng nhất của thuyết "kẻ ngu ngốc nhất phòng" là bạn phải đặt mình vào vị trí của học sinh chứ không phải giáo viên, của một người cấp dưới chứ không phải lãnh đạo.
Cách thức tôi thực hiện nó là lắng nghe ban lãnh đạo nói mặc dù chức vụ của họ kém tôi. Mặc dù tôi là CEO, thế nhưng không phải lúc nào tôi cũng đúng và những gì tôi nói ra không phải lúc nào cũng mang lại lợi ích tuyệt đối cho tập thể. Nếu như dừng lại dù chỉ vài phút thôi để nghe đồng nghiệp, cấp dưới nói, bạn sẽ nhận ra rất nhiều điều.
Trung bình mỗi người bình thường nói khoảng từ 100 tới 200 từ mỗi phút thế nhưng chúng ta có thể nghe tới 600 từ mỗi phút. Và tại sao không nghe toàn bộ những gì người khác nói, xử lý thông tin, hiểu bản chất mọi việc?
Ví dụ điển hình là trong đội ngũ của tôi có một anh chàng nghiền làm bánh sandwich, anh ta sáng chế ra rất nhiều loại sandwich khác nhau và có lần đề nghị được bán thử một loại bánh anh nghĩ ra trong chuỗi cửa hàng của Capriotti. Nếu là một CEO bình thường, dựa trên các đánh giá về sự chuyên nghiệp rồi đủ các yếu tố, chắc chắn tôi đã từ chối. Nhưng không, tôi lắng nghe và thấy rằng anh ta thật sự tin tưởng vào sản phẩm của mình.
Thế rồi Capriotti bắt đầu thử nghiệm loại bánh ấy trên các cửa hàng toàn nước Mỹ. Giờ đây, chỉ riêng loại bánh này chiếm tới 20% doanh số của toàn chuỗi. Bạn thấy rồi chứ? Đừng nhìn vào danh phận một người, hãy nhìn vào ý tưởng mà họ mang tới.
Xây dựng đam mê trong tập thể
Kể từ khi mua lại Capriotti và trở thành CEO 9 năm về trước, tôi nhận thấy rằng có nhiều người muốn tham gia vào hoạt động điều hành công ty, họ muốn ý kiến của họ được hiện thực hóa và có ảnh hưởng tới tập thể. Vì là người ngu ngốc nhất phòng thế nên nhóm người xung quanh của bạn sẽ là những người có trình độ giáo dục tốt cũng như các khả năng vượt xa những gì bạn có thể làm. Không phải bạn mà chính họ mới là người đưa tập thể lên tầm cao mới.
Vậy, việc của một CEO là gì? Là ghép nối, bù lấp chỗ trống, sử dụng điểm mạnh hay ý tưởng của một người bù lấp vào những thiếu hụt của tập thể.
Khi tôi bắt đầu giao quyền nhiều hơn cho những quản lý cấp dưới, họ trung thành với Capriotti hơn cả, làm việc chăm chỉ hơn và có mục tiêu rõ ràng để thực hiện. Nếu quá độc đoán, Capriotti giờ đây chắc hẳn sẽ là một doanh nghiệp "chết" khi chẳng có ý tưởng và mọi người đi làm với động lực = 0.
Khi tôi còn đi học, tôi và bạn cùng phòng ưa thích Capriotti tới nỗi chúng tôi phá hợp đồng, thuê một căn nhà ở gần cửa hàng Capriotti để có thể tới đây dùng bữa mỗi ngày. Tất nhiên, đam mê của tôi với Capriotti là rất lớn và tôi cần truyền nó cho những người làm cùng tôi. Tin tưởng, chấp nhận ý tưởng của những người tài giỏi xung quanh là cách đơn giản, nhanh nhất để truyền lửa cho cấp dưới.
Kết
Biết trước mọi câu trả lời cho mọi câu hỏi tất nhiên là điều tuyệt vời, thế nhưng chẳng ai làm được điều đó. Chúng ta là con người, chúng ta có nhiều khuyết điểm và chúng ta cần tới tập thể. Hãy nhớ rằng, là lãnh đạo, bạn thuê cấp dưới vì những lý do khác nhau, hãy để họ làm tốt nhất những gì họ có thể làm. Một khi tất cả mọi người đều làm tốt, đều phát triển, phần thưởng sẽ ngoài sức tưởng tượng.
Trí thức trẻ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.