Sau nhiều năm phấn khích với tăng trưởng nhanh và dường như thống trị toàn cầu, câu chuyện Trung Quốc giờ trở nên trầm lắng. Trung Quốc hiện như đang trượt dốc và có lẽ cũng sẽ kéo theo cả nền kinh tế thế giới. May thay, vấn đề không tệ như nhiều người tưởng.

Mô hình kinh tế của Trung Quốc vốn phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư và nợ. Không ngạc nhiên khi sau nhiều năm tăng trưởng ngoạn mục, mà trước hết do đầu tư, chi tiêu của Trung Quốc cho kết cấu hạ tầng và năng lực sản xuất giờ đang chậm lại.

Cùng với tăng trưởng nhanh, mức nợ của Trung Quốc cũng dâng lên khi tiền vay được đổ vào các đường cao tốc, sân bay, nhà máy thép, xưởng đóng tàu, đường sắt cao tốc, chung cư và văn phòng nhiều hơn mức mà nước này có thể sử dụng hiệu quả.

Một vài nhà kinh tế đã dự báo ngay từ năm 2006 rằng, Trung Quốc sẽ đối mặt với vấn đề nợ trầm trọng. Và đến năm 2010, những người lạc quan nhất cũng nhận ra rằng, vấn đề đó đã thực sự xảy ra.

Để tự bảo vệ trước rủi ro khủng hoảng nợ, Trung Quốc phải dừng ngay việc chi tiêu công. Hiện tại, Bắc Kinh muốn lập lại cân bằng cho nền kinh tế để thoát khỏi tình trạng lệ thuộc vào đầu tư và vay nợ, và để nâng vai trò của tiêu dùng trong thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng điều này không thể xảy ra mà không đi kèm với tăng trưởng chậm hơn.

Vậy điều gì sẽ xảy ra tiếp theo - liệu kinh tế Trung Quốc có suy sụp? Có thể không. Bởi một cuộc khủng hoảng tài chính thực chất là một dạng tháo chạy khỏi ngân hàng, và chừng nào mà tín nhiệm chính phủ còn cao, các ngân hàng được bảo lãnh và kiểm soát vốn được duy trì thì điều gì đó rất khó xảy ra.

Điều có thể xảy ra hơn là, trong những năm tới, tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ tiếp tục giảm khi nước này tập trung vào kích thích tiêu dùng. Tăng trưởng trong nhiệm kỳ của Chủ tịch Tập Cận Bình không thể vượt quá mức trung bình từ 3 - 4% nếu việc lập lại cân bằng kinh tế được quản lý tốt.

Liệu tăng trưởng kinh tế chậm hơn có là một thảm họa đối với Trung Quốc. Tất nhiên, đó sẽ là một thay đổi lớn sau gần 3 thập kỷ tăng trưởng xấp xỉ 10%/năm. Liệu tăng trưởng thấp hơn nhiều có tạo ra thất nghiệp cao và sự rối loạn cho nền kinh tế? Có những lo lắng về các khả năng này. Nhưng nền kinh tế Trung Quốc, cho đến giờ, đã chứng tỏ được rất nhiều sự kiên cường của mình trong những cơn bão đã qua, như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Bắc Kinh có những thách thức lớn ở phía trước. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc mang lại lợi ích cho các công ty lớn, cho nhà nước, các lực lượng quyền thế và tầng lớp thượng lưu. Điều mà Chính phủ Trung Quốc cần làm là phân phối lại tăng trưởng để thu nhập bình quân hộ gia đình có thể tăng lên và nhờ đó, người tiêu dùng sẽ có nhiều tiền hơn để chi tiêu.

Việc này không dễ thực hiện, nhưng có những dấu hiệu tích cực. Chính quyền của ông Tập Cận Bình dường như đã xác định thực hiện những thay đổi cần thiết, cho dù cái giá phải trả là tăng trưởng thấp hơn nhiều. Ngay cả nếu tăng trưởng GDP giảm xuống thì thu nhập bình quân hộ gia đình Trung Quốc vẫn tăng 5 -6%/năm và điều này sẽ giúp Trung Quốc đi đúng hướng.

Còn đối với phần còn lại của thế giới, không có lý do gì để phải lo lắng về sự suy giảm tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc. Trái với suy nghĩ của nhiều người, Trung Quốc không phải là động lực của tăng trưởng toàn cầu, mà chỉ đơn thuần là cấu phần cơ học lớn nhất của tăng trưởng toàn cầu. Thứ dẫn dắt tăng trưởng toàn cầu là sức cầu. Trung Quốc, với thặng dư thương mại lớn, không phải là một nhà cung cấp cầu ròng cho thế giới. Hay nói cách khác, vấn đề đối với thế giới không phải là tăng trưởng của Trung Quốc nhanh bao nhiêu, mà là nước này trao đổi thương mại với các đối tác của mình như thế nào. Nếu Trung Quốc tái cân bằng cơ cấu tăng trưởng như đã nói, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của nước này có thể sẽ tăng nhanh hơn xuất khẩu. Điều này là tốt cho thế giới.

Ngoài ra, lĩnh vực sản xuất của thế giới, vốn bị thua thiệt bởi các doanh nghiệp xuất khẩu của Trung Quốc, sẽ hưởng lợi. Khi tiền lương của các công nhân Trung Quốc tăng lên - để họ sẽ có thêm tiền mua hàng hóa và dịch vụ - thì các nước đang phát triển khác sẽ có cơ hội để cạnh tranh xuất khẩu nếu có chi phí nhân công thấp hơn.

Không có gì phải nghi ngờ về việc Bắc Kinh có một chặng đường dài để thay đổi nền kinh tế khổng lồ của mình, nhưng ngay từ bây giờ, cũng không có gì ngạc nhiên hay bất ngờ về tăng trưởng chậm lại của nước này. Đó có thể sẽ là điều tốt đẹp cho người Trung Quốc cũng như nền kinh tế toàn cầu.

Quang Huy (Đầu tư chứng khoán)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.