Trò chuyện với nữ doanh nhân Phạm Thị Kim Oanh – Chủ tịch HĐQT Cty DFB Hanco Nutrition (DFB) mới biết, kinh doanh trong ngành sữa không đơn giản, khi chỉ nhìn thấy miếng bánh thị trường tiềm năng, nhưng để “ăn được miếng to” thì không dễ.
Theo bà Oanh để bước chân vào lĩnh vực này và có chỗ đứng cho sản phẩm trên thị trường, doanh nghiệp phải tìm lối đi của riêng mình.
Tìm lối đi riêng
– Bà có nói đến những khó khăn của ngành sữa, nhưng tại sao bà vẫn chọn ngành này?
Tôi thật sự đam mê ngành thực phẩm. Theo tôi, dù ở giai đoạn nào, kinh tế thịnh hay suy, thì ngành thực phẩm vẫn giữ vai trò khá quan trọng, đặc biệt là mặt hàng sữa dành cho trẻ em. Năm 1997, tôi bước chân vào kinh doanh, tiếp xúc đầu tiên của tôi là mặt hàng bơ sữa, lúc bấy giờ tôi chỉ nhập khẩu một vài nguyên liệu để cung cấp cho ngành bánh kẹo và kem. Dần dần tôi thấy sản phẩm dinh dưỡng này rất có ý nghĩa, tìm hiểu sâu về nó tôi nhận thấy đây là một nguồn dinh dưỡng hoàn hảo cho con người, và cũng là nhu cầu thiết yếu nhất cho thế hệ tương lai. Sau bốn năm khởi nghiệp, tôi cũng đã tích lũy được ít vốn liếng, kinh nghiệm, rồi đi đến quyết định thành lập Cty để sản xuất sữa. Năm 2001, Cty DFB được thành lập, cùng với nhà máy sản xuất 20.000m2 tại Củ Chi (TP HCM).
– Như vậy, định hướng ngành, cũng như chiến lược kinh doanh của bà hoàn toàn “thuận buồm xuôi gió”?
(Cười) Người miền Nam vẫn thường nói đùa với nhau “nói zậy, nhưng không phải zậy…”. Con đường kinh doanh mà quá dễ dàng, thì toàn xã hội này, ai cũng đi làm kinh doanh được hết. Khi Công ty DFB đi vào hoạt động, ban đầu cũng chật vật lắm. Công việc quản lý phức tạp, áp lực đưa sản phẩm ra thị trường,… là cả một vấn đề không đơn giản. Chính tôi là người phải đích thân truyền tải thông điệp sản phẩm đến từng đại lý cũng như truyền thông, để người tiêu dùng hiểu những dòng sản phẩm có nhu cầu thiết thực như giúp trẻ tăng cân và phát triển chiều cao. Đi đôi là giá cả hợp lý “chất lượng ngoại, giá thành nội”. Với định hướng đó, sản phẩm của DFB được người tiêu dùng đón nhận khá tốt trên thị trường và chúng tôi cũng phải ghi nhận, thuận lợi với DFB lúc bấy giờ là trên thị trường còn ít đối thủ cạnh tranh. Từ thành công ban đầu, DFB tiếp tục phát triển thêm những dòng sản phẩm mới cho nhiều lứa tuổi.
– Vậy, bà có nghĩ “vạn sự khởi đầu…” sẽ là con đường trải thảm đỏ cho sự nghiệp của DFB vững bước sau này không?
Nếu tôi trả lời “có” có nghĩa bản thân tôi quá tự tin. Bởi trong cuộc đời mỗi một con người, khó có thể nói được điều gì sau một đêm ngủ dậy. Trong kinh doanh cũng vậy, “thiên thời, địa lợi…” cũng là yếu tố quan trọng giúp kế hoạch kinh doanh thành công, nhưng không phải là tất cả, nếu chúng ta không đam mê, không có định hướng, chiến lược cho kế hoạch kinh doanh của mình.
Và như tôi đã nói ở trên, thời điểm thành lập Cty DFB, cũng như tung sản phẩm ra thị trường, được xem là thuận lợi. Nhưng thuận lợi đó không phải là mãi mãi, nếu mình không có kế hoạch mới tiếp theo, khi mà nhu cầu thị trường tăng và các đối thủ lớn dần xuất hiện. Trong đó phải kể đến nhiều thương hiệu đến từ các tập đoàn đa quốc gia, với nhiều thế mạnh về tiếp thị, khuyến mãi, truyền thông rầm rộ trên các phương tiện…
– Và bà đã nhận thấy “nguy cơ” bị lép vế ?
Nói “lép vế” thì quá! Nhưng rõ ràng con cá nhỏ, không đua nổi với những con “cá mập” có bề dày thương hiệu, cùng với những chiến lược khuyến mại, tiếp thị rầm rộ, thế mạnh thuộc về các thương hiệu sữa ngoại. Vì vậy, chiến lược của DFB lúc này là đi vào thẳng vào chất lượng và giá.
– Nhưng trong bối cảnh chung, doanh nghiệp nào cũng có chiến lược của riêng mình để giữ thị phần và khách hàng, đâu riêng gì DFB?
“Buôn có bạn, bán có phường…”. tôi không lấy Cty nào làm đối thủ cạnh tranh mà tìm ngách riêng để tạo dựng thị trường của riêng mình. Dù sao 15 năm có mặt trên thương trường, tôi đã có khách hàng của riêng mình, có sản phẩm của riêng mình, không trùng lắp sản phẩm, không ăn theo thương hiệu nổi tiếng, cũng không chen chân giữa chốn đông người…giá cả cạnh tranh, sản phẩm cụ thể cho từng đối tượng, giá thành phù hợp với túi tiền bình dân, đặc biệt là người tiêu dùng vùng nông thôn,… đó là hướng đi của DFB trong thời điểm hiện tại và trong tương lai.
– Vậy, để giữ được và mở rộng thị phần, chiến lược tiếp theo của DFB là gì thưa bà?
Như chúng ta ta biết, đầu năm 2008 -2010 khi nền kinh tế suy thoái trên diện rộng, cũng là lúc DFB nhìn lại chặng đường đã đi qua để xác định vị trí, phân khúc thị trường của mình.
Theo đó, DFB đã tái cấu trúc toàn diện, xác định lại giá trị cốt lõi và thay đổi trở thành DFB Hanco Nutrition với slogan “Đong đầy dưỡng chất ươm mầm yêu thương” mang một thông điệp rõ ràng đến với người tiêu dùng: sản phẩm có nghiên cứu về chất lượng cho nhu cầu cần thiết. Để thực hiện được giá trị cốt lõi này, DFB đã hợp tác toàn diện với Trường Đại Học Nông Lâm TP HCM, Khoa Công nghệ Thực phẩm. Vai trò của trường tuyển dụng nhân sự, đào tạo kỹ thuật, nghiên cứu và cho ra đời những dòng sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thiết cấp thiết cho trẻ nhỏ và bà mẹ mang thai, góp phần mang đến người Việt Nam một sản phẩm có chất lượng cao với giá thành hợp lý nhất.
– Như vậy, mục tiêu tái cấu trúc của DFB đã rõ ràng?
Là nhà kinh doanh, nên tôi luôn đặt mình vào vị trí người tiêu dùng, để biết được họ cần gì, thị trường đang cần gì… và tôi nghĩ, đối với ngành kinh doanh thiết yếu, sản phẩm quá đơn điệu, sẽ không có độ phủ thị trường và mình sẽ bị “bao phủ” bởi những dòng sản phẩm khác. Mà bất cứ lúc nào các đối thủ mạnh hơn sẵn sàng làm mới thương hiệu. Vì thế, sự khởi đầu, sự tạo dựng thương hiệu DFB tuy không lớn, nhưng cũng đủ để tự hào về thương hiệu Việt. Và dự án mới cho một nhà máy đạt chuẩn Codex đang xây dựng tại Đồng Nai với tổng mức đầu tư 400 tỷ đồng cho giai đoạn 1 với tổng diện tích 12 héc ta, công suất 36.000 tấn năm. Bao gồm các sản phẩm sữa, ngũ cốc dinh dưỡng… Nhà máy xây dựng quy mô và công nghệ tiêu chuẩn Châu Âu. Dự kiến đi vào hoạt động và cho sản phẩm ra thị trường giữa năm 2017.
– Và DFB đã định hướng được mục tiêu của mình trên sân nhà?
Với chúng tôi tất cả tiêu chí cạnh tranh công bằng và giá trị của DFB mang thông điệp “đong đầy yêu thương…” thể hiện của một nhà sản xuất trước người tiêu dùng. DFB vừa cho ra dòng sản mới Dolssure là bộ giải pháp dinh dưỡng xuyên suốt cho nhiều phân khúc. Sữa Dolsure Mum Fruity có vị ngon để uống cho thời kỳ thai nghén. Sữa Dolsure Pedia cho trẻ thấp còi suy dinh dưỡng, Dolsure Grow Up phát triển tối ưu về chiều cao và đặc biệt dòng sữa canxi cho người trưởng thành và lớn tuổi là Oldlac Cancium bổ sung Collagen Type II cho khớp sụn mà đó là nhu cầu thật sự rất cần cho người lớn… Đó là những dòng sản phẩm mở đầu cho kế hoạch mở rộng thị phần trong năm 2015 và chiến lược maketting để hiện thực hóa việc mở thêm 2.000 điểm bán mới trong 2 năm tới. Ngoài thị trường trong nước, thị trường xuất khẩu kỳ vọng đóng góp 20% doanh số trong tương lai từ nhà máy mới này.
Để khẳng định chính mình
– Là người đam mê, gắn bó với ngành sữa, bà đánh giá về thị trường sữa trong giai đoạn hiện nay thưa bà?
Phải ghi nhận ngành sữa đang có những bước đột phá trong kinh doanh. Sự có mặt của nhiều DN sữa nội địa đã làm thay đổi bộ mặt của ngành. Nếu trước đây, nguyên liệu sản xuất sữa trong nước nhập khẩu đến 80-90%. Nhưng nay, ngành sữa đã thay đổi, nguồn nguyên liệu sữa tươi tại chỗ đang có xu hướng phát triển mạnh. Từ nguồn nguyên liệu nuôi bò sữa tươi trong dân, đến các Cty chăn nuôi công nghiệp bài bản như Hoàng Anh Gia lai, T.H Milk; Vinamilk… sản xuất sữa tươi, sữa chua và nhiều sản phẩm khác từ sữa… đã làm cho thị trường sữa “hạ nhiệt”. Những thương hiệu sữa đa quốc gia lâu nay làm mưa, làm gió trên thị trường cũng đã đến lúc nhìn lại “bản thân” để biết mình đang ở phân khúc nào trên thị trường.
Nếu chúng ta không đam mê, không có định hướng, chiến lược cho kế hoạch kinh doanh của mình thì khó thành công được.
– Theo bà, vẫn còn là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp sữa Việt Nam phát triển?
Chỉ tính ngành hàng sữa bột, theo kết quả khảo sát của Cty nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam mới đây đã cho thấy, người tiêu dùng Việt tỷ lệ sử dụng sữa còn quá thấp, khoảng 50% so với các nước trong khu vực. Và đối tượng sử dụng sữa dành cho trẻ em hiện chiếm đến 70% thị phần, trong khi sữa dành cho người lớn chỉ chiếm 30%, chủ yếu vẫn là dòng sữa dành cho phụ nữ mang thai. Và xu hướng thị phần và sản phẩm có giá thành hợp lý đang chuyển dịch về những thành thị, thị trấn nhỏ, vùng nông thôn. Và tôi nghĩ, đây là thị phần khá tốt cho những DN sản xuất sữa trong nước.
– Vậy thông điệp của DFB muốn gửi đến người tiêu dùng, thưa bà?
Điều mà tôi muốn nhắn gửi đến với người tiêu dùng Việt, nên thay đổi thói quen hướng ngoại. Bởi trong môi trường hội nhập toàn cầu, mỗi một doanh nghiệp đều hướng đến sự cạnh tranh tốt nhất cho bản thân mình. Nên sản phẩm đảm bảo chất lượng, giá thành hợp lý là điều tất yếu. Bên cạnh đó, vai trò của nhà bán lẻ, đại lý rất quan trọng. Họ sẽ là người trực tiếp truyền tải thông điệp này và hướng người tiêu dùng nên dùng sản phẩm gì vừa với túi tiền mà chất lượng không thua kém hàng ngoại.
– Xin cảm ơn bà!
15 năm thành lập và phát triển, DFB Hanco Nutrition cũng đã tạo dựng được chỗ đứng cho mình trên thị trường nội địa. Chính vì vậy, không phải tôi là nhà sản xuất sữa trong nước nên hô to “người Việt nên ủng hộ hàng Việt”. Khi tôi có con nhỏ tôi đã sử dụng sữa của các DN trong nước và tôi đã khuyên gia đình, bạn bè tôi, nên sử dụng sữa nội. Bởi tôi khởi nghiệp từ ngành hàng bơ sữa nên tôi hiểu rất rõ “người tiêu dùng dễ sa vào bẫy hàng hiệu…” trong khi sữa nội, nguyên liệu nhập khẩu 100% từ các nước có nguồn nguyên liệu nổi tiếng trên thế giới, đến công thức phối trộn gần như giống nhau… tại sao cùng công thức, chất lượng, lại bỏ tiền ra mua một sản phẩm sữa ngoại tương đồng với sữa nội, nhưng giá cả lại đắt gấp nhiều lần.
Phương Nhi (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.