Đó là ý kiến của ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam trong cuộc trao đổi với ĐTCK.

Ông Huỳnh Trung Khánh

Chênh lệch lớn giữa giá vàng nội - ngoại nhiều tháng qua liệu có phải do cung khan hiếm, hay chính sự độc quyền đã khiến vàng tại thị trường nội địa đắt hơn, thưa ông?

Vàng trong nước tăng mạnh thời gian qua là do ảnh hưởng bởi đà tăng của giá vàng thế giới. Tuy nhiên, mức chênh lên đến 2,5 - 3 triệu đồng/lượng như hiện nay có nguyên nhân từ việc người giao dịch vàng tập trung quá nhiều vào thương hiệu vàng SJC. Đồng thời, với quy định chỉ cho lưu thông mỗi thương hiệu vàng miếng SJC, trong khi nguồn cung vàng SJC lại đang khan hiếm nên cầu tăng sẽ áp đảo cung và tạo áp lực lên giá vàng. Do đó, muốn kéo giá vàng ở nội địa sát với giá thế giới thì giải pháp tốt nhất là cần bổ sung cung để đáp ứng cầu, nhất là khi lực cầu hiện nay có đến từ các NHTM.

Có nghĩa là việc hạn chế kinh doanh vàng miếng theo quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP sẽ còn tác động đến thị trường vàng trong thời gian tới?

Tôi cho rằng, không cần thiết phải hạn chế kinh doanh vàng miếng, vì nhu cầu của thị trường là thực tế và việc nắm giữ vàng của người dân ngày càng tăng, nhất là khi nền kinh tế trong nước và thế giới chưa ổn định. Mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khi hạn chế kinh doanh vàng miếng là nhằm thiết lập lại trật tự cho thị trường vàng, song về dài hạn, để quản chặt thị trường vàng bằng mệnh lệnh hành chính là rất khó. Thực tế hiện nay, Nghị định 24 quy định việc kinh doanh vàng miếng là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện và chỉ cấp phép cho những DN đáp ứng được yêu cầu, nhưng một số tiệm vàng nhỏ lại chuyển đổi sang đăng ký kinh doanh với ủy ban nhân dân quận, huyện là kinh doanh hàng kim loại, sau đó họ âm thầm buôn bán vàng miếng và các lực lượng chức năng khó có thể kiểm soát.

Nhìn sang các nước trong khu vực, chẳng hạn như Trung Quốc trước đây cũng đã thực hiện mô hình thu hẹp và hạn chế kinh doanh vàng miếng như Việt Nam, song chỉ một thời gian ngắn sau đó phải tái mở cửa thị trường vàng và hiện nay họ đang khuyến khích người dân tăng nắm giữ vàng. Do đó, ở Việt Nam cũng không nên hạn chế và thu hẹp kinh doanh vàng miếng, nên về lâu dài, theo tôi, nên mở cửa để đáp ứng nhu cầu.

Vậy theo ông, Việt Nam có nên tính đến nhập khẩu vàng để cân đối cung - cầu?

Về chính sách, sẽ do NHNN cân đối, nếu cung ngoại tệ đang bị hạn chế thì cũng không nên nhập khẩu vàng. Song theo tôi, nếu xem vàng là một loại ngoại tệ mạnh thì việc nhập khẩu mặt hàng này không có vấn đề gì. Bởi thực tế, khi giá vàng trong nước cao hơn so với giá thế giới sẽ khó tránh được việc nhập lậu. Đáng chú ý là khi thời hạn cuối cùng để dừng huy động vàng sắp cận kề (25/11/2012), lực cầu về vàng trên thị trường sẽ tăng, do các NHTM phải mua vàng để cân đối trạng thái, bù đắp phần hụt.

Ông có cho rằng, NHNN có tiếp tục gia hạn việc huy động vàng một lần nữa?

Theo tôi, khả năng lần nàyn NHNN sẽ không gia hạn việc dừng huy động vàng trong dân đối với các NHTM như hai lần trước đây. Bởi nếu cứ tiếp tục gia hạn sẽ làm cho các NHTM ỷ lại và tiếp tục sử dụng nguồn vốn vàng huy động sai mục đích…, để đến khi NHNN buộc dừng huy động thì các ngân hàng phải tăng “gom” vàng để cân đối.

Nguồn lực vàng trong dân được đánh giá là rất lớn. Theo ông, giải pháp nào để có thể khơi thông được nguồn vốn này để phục vụ cho nền kinh tế?

Tôi cho rằng, về dài hạn, cần tiếp tục huy động vàng trong dân, song phải có biện pháp để sử dụng hiệu quả nguồn vốn đó. Hiện nay, trên thế giới, các NHTM vẫn được huy động vàng, chứ không riêng gì ngân hàng trung ương. Tuy nhiên, NHNN phải kiểm soát chặt việc này. Các ngân hàng huy động vàng phải sử dụng đúng mục đích và minh bạch trong việc sử dụng vốn vàng.

Vậy có nên phát hành chứng chỉ bằng vàng để huy động nguồn vốn này trong dân?

Thói quen của người Việt Nam lâu nay là tích trữ vàng. Do đó, theo tôi, muốn huy động được nguồn vàng trong dân, trước hết phải làm sao cho dân tin, nên đòi hỏi phải có sự minh bạch trên thị trường. Tôi cho rằng, việc phát hành chứng chỉ huy động vàng trước mắt sẽ khó khả thi.

Theo ông, Việt Nam có cần thiết thành lập Sàn giao dịch vàng quốc gia?

Điều đó cũng cần thiết, nhưng trước mắt khi có Sàn giao dịch vàng quốc gia, theo tôi, chỉ nên cho các công ty và tổ chức giao dịch kinh doanh. Khi sàn hoạt động ổn định thì mới đến các nhà đầu tư cá nhân giao dịch và kinh doanh vàng qua tài khoản. Trên thực tế trước đây, khi các sàn vàng ra đời, nhiều nhà đầu tư cá nhân đã thua lỗ nặng do chưa có kinh nghiệm trong việc đầu tư vàng qua sàn…

Theo Đầu tư chứng khoán
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.