Gần đây Jamie Dimon cho biết ông vẫn sẽ giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc của JPMorgan thêm 5 năm nữa. Thế nhưng, thứ Ba tuần qua (ngày 1.7), Dimon tiết lộ ông sẽ trải qua đợt điều trị ung thư cổ họng. Điều này đã làm dấy lên câu hỏi liệu ai sẽ thay thế ông và làm thế nào ngân hàng lớn nhất nước Mỹ xét về tài sản sẽ xử lý vấn đề sức khỏe vô cùng nhạy cảm này với hàng ngàn nhân viên cũng như nhà đầu tư của mình.

Jamie Dimon, CEO của JP Morgan

Theo thông báo nội bộ Dimon gửi cho nhân viên, bác sĩ chẩn đoán căn bệnh của ông là “có thể chữa được”. Dẫu cho những lời trấn an này thì vấn đề sức khỏe của ông vẫn khiến nhiều người thắc mắc liệu Hội đồng Quản trị JPMorgan đã lên kế hoạch tìm người kế vị Dimon hay chưa.

Tạm gác chuyện tìm người kế vị, một vấn đề mà nhiều doanh nghiệp đắn đo là cách xử trí như thế nào khi người đứng đầu doanh nghiệp lâm trọng bệnh. Một số nhà điều hành cho rằng cần phải nói rõ, không nên giấu giếm. Harry J. Pearce là người đã từng rơi vào hoàn cảnh đó. Khi bác sĩ chẩn đoán ông bị bệnh bạch cầu, Harry J. Pearce, lúc đó 56 tuổi và là ứng cử viên sáng giá cho vị trí CEO tại hãng xe Mỹ General Motors, đã ngất xỉu trước hung tin này. Nhưng vài giờ sau đó, ông đã báo cho CEO John F. Smith Jr. về bệnh tình của mình.

“Khi một nhà điều hành cấp cao bị chẩn đoán mắc phải một căn bệnh nguy hiểm, tôi thấy cần phải có nghĩa vụ thông báo về tình trạng bệnh và phương thức điều trị có liên quan cho Hội đồng Quản trị của GM”, Pearce, nay 71 tuổi và sức khỏe vẫn còn tốt, nhớ lại.

Giống như Pearce, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp từ Steve Jobs cho đến Warren Buffett và giờ là Jamie Dimon, đều rất đắn đo với việc có nên công khai vấn đề sức khỏe của bản thân. Nên tiết lộ bao nhiêu phần trăm sự thật và khi nào thì nên nói là chuyện không dễ chút nào vì nếu không khéo, có thể gây ra sóng gió cho tình hình kinh doanh của công ty. Đó là chưa nói đây là vấn đề cá nhân rất tế nhị. Vì thế xử lý thông tin về sức khỏe của dàn lãnh đạo cấp cao là một vấn đề rất khó khăn, nhất là khi nhà lãnh đạo đó đang là bộ mặt của doanh nghiệp.

Warren Buffett, CEO của Berkshire Hathaway

Đó là trường hợp của Steve Jobs và cũng là trường hợp của Jamie Dimon, một trong những nhà lãnh đạo ngân hàng nổi tiếng nhất nước Mỹ. Thông tin về sức khỏe của Dimon đã khiến giá cổ phiếu của JPMorgan giảm 1% thậm chí khi thị trường chứng khoán nói chung đang giao dịch gần ở mức cao kỷ lục. Điều này cho thấy nhà đầu tư quan tâm thế nào đến Dimon và một JPMorgan nếu không còn Dimon.

Dù giá cổ phiếu giảm, nhưng các chuyên gia quản trị doanh nghiệp nhìn chung đánh giá cao việc tiết lộ thông tin kịp thời của JPMorgan do tầm quan trọng của ngân hàng này đối với Phố Wall và nền kinh tế của Mỹ, cũng như vai trò không thể chối cãi của Dimon trong Ngân hàng. Dimon chính là người đã lèo lái JPMorgan vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009 và đạt mức lợi nhuận cao như hôm nay.

“JPMorgan đúng khi quyết định tiết lộ thông tin về sức khỏe của Dimon. Đó là một sự cân bằng rất khó khăn giữa quyền hợp pháp về tính riêng tư xét về phía của nhà điều hành và quyền hợp pháp của cổ đông - quyền được biết khi có những vấn đề quan trọng xảy ra cho một nhà điều hành”, Gary Hewitt, đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại hãng nghiên cứu quản trị GMI Ratings, nhận xét.

Không có một quy định nào của cơ quan quản lý thị trường chứng khoán bắt buộc doanh nghiệp phải tiết lộ thông tin liên quan đến sức khỏe của nhà điều hành doanh nghiệp. Các chuyên gia cho rằng những quy định như vậy có thể xâm phạm quyền riêng tư của một cá nhân theo luật chăm sóc sức khỏe hiện hành.

Một cuộc nghiên cứu năm 2009 về các trường hợp tiết lộ sức khỏe của CEO cho thấy nhiều nhà điều hành công khai tình trạng bệnh chỉ khi nào họ tin rằng bệnh của họ có thể chữa được. Còn các công ty khác thì chỉ tiết lộ khi vị CEO đó qua đời.

“Tôi nghĩ bản thân họ cũng không muốn thừa nhận mình bị bệnh vì nó sẽ khiến cho nhiều người lo ngại về tình hình của doanh nghiệp, hoặc là họ không muốn tiết lộ vì họ chưa có kế hoạch gì tìm người kế vị”, Lex Perryman, tác giả của cuộc nghiên cứu nói trên và là Giáo sư về quản trị tại Trường Kinh doanh Milgard thuộc Đại học Washington, nhận xét.

Đối với các doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ, một câu hỏi quan trọng là liệu các nhà điều hành cấp cao có cảnh báo với hội đồng quản trị một khi họ ngã bệnh hay không. Trường hợp của Frank C. Lanza, CEO của L-3 Communications, là một ví dụ.

Hồi tháng 4.2006, Lanza cho biết ông đã trải qua một cuộc phẫu thuật thực quản để lấy đi những tế bào sẹo gây ra do chứng trào ngược acid. Ông mất 2 tháng sau đó và khám nghiệm tử thi khẳng định nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông là do ung thư thực quản. Tiết lộ này đã làm dấy lên nghi vấn rằng liệu Hội đồng Quản trị có biết mức độ trầm trọng về căn bệnh của Lanza hay không.

Các chuyên gia cho rằng những nhà điều hành có sức ảnh hưởng như Dimon nhất thiết phải tiết lộ các thông tin quan trọng cho nhà đầu tư. Đã có rất nhiều trường hợp nhà lãnh đạo công bố rất sớm tình trạng bệnh của mình như Warren Buffett của tập đoàn Berkshire Hathaway. Mùa xuân năm 2012, Buffett cho biết ông bị ung thư tuyến tiền liệt. Vào năm 1996, Andy Grove, người đã xây dựng Intel trở thành tập đoàn chip hùng mạnh nhất thế giới, đã nói rõ và chi tiết quá trình ông phát hiện và điều trị căn bệnh thư tuyến tiền liệt như thế nào trên tạp chí Fortune.

Thế nhưng, cũng có doanh nghiệp hứng chịu búa rìu dư luận do chần chừ hoặc tiết lộ nhỏ giọt căn bệnh của nhà điều hành. Công ty bị nhiều người chê trách là Apple, khi chỉ tiết lộ thông tin nhỏ giọt về sức khỏe của Steve Jobs. Sau nhiều tháng đồn đoán về Jobs, vào đầu năm 2009, Apple mới đăng đàn, nói rằng Jobs đang bị “mất cân bằng hóc-môn”. Một tuần sau đó, Jobs xin nghỉ phép để chữa bệnh, nói rằng các vấn đề sức khỏe của ông “phức tạp hơn” ông tưởng. Và rồi ông đã mất vào tháng 10.2011, thọ 56 tuổi.

Steve Jobs, cựu CEO của Apple

Đối với Dimon, việc ông quyết định tiết lộ bệnh tình của mình không phải là một quyết định dễ dàng, theo 2 người thân cận với ông. Những người này cho biết Dimon, hiện 58 tuổi, đã thấy có gì đó không ổn cách đây vài tuần. Trước khi cảnh báo cho nhân viên, Dimon đã thực hiện hàng loạt cuộc xét nghiệm. Và các bác sĩ xác nhận là ung thư chưa có di căn và có thể chữa khỏi. Sau khi có xác nhận này, Dimon đã viết thư thông báo cho nhân viên. Trong thư thông báo, Dimon nói rằng việc điều trị dự kiến sẽ kéo dài khoảng 8 tuần và ông phải hạn chế đi lại. Tuy vậy, ông vẫn có ý định tiếp tục công việc như trước giờ.

Mặc dù mỗi người là khác nhau, nhưng Pearce, nguyên là một nhà điều hành tại GM, cho biết việc vẫn tiếp tục cường độ làm việc như cũ trong khi đang điều trị bệnh là không hề dễ dàng. “Tôi từng ngây thơ cho rằng mình có thể quay trở lại làm việc và vẫn có thể tiếp tục làm công việc như trước đây, nhưng không phải như thế”, Pearce nói. Sau khi mất 4 tháng điều trị bệnh, Pearce đã quay trở lại làm nhưng sau đó vào năm 2001, ông đã quyết định rút lui.

Khánh Đoan (NCĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.