Ai cũng cần ngân hàng và ai cũng quan tâm đến ngân hàng. Dù vậy, giới ngân hàng LUÔN gây nhiều tranh cãi. Họ hiếm khi công bố những trục trặc của bản thân và có những điều họ chưa nói cho chúng ta biết.

So với các quốc gia khác, NIM của ngân hàng Việt Nam luôn cao hơn, cho thấy quyền lực của ngân hàng ở Việt Nam rất lớn.

Ngân hàng lãi bao nhiêu?

Từ xưa đến nay chức năng cơ bản của một ngân hàng thương mại vẫn là huy động tiền gửi và cho vay. Khi bạn gửi vào ngân hàng 110 đồng với lãi suất 7%, ngân hàng trả tiền lãi cho bạn 7,7 đồng mỗi năm. Sau khi dành ra một phần dự trữ bắt buộc để giữ an toàn thanh khoản, chẳng hạn như 10 đồng, ngân hàng sẽ dùng tiền này để cho vay lại kiếm lời. Giả sử, ngân hàng đã có khách hàng chấp nhận vay 100 đồng với lãi suất 12%, ngân hàng sẽ thu tiền lãi 12 đồng mỗi năm. Mức lãi của ngân hàng sẽ là 4,3 đồng (12 đồng trừ đi 7,7 đồng).

Con số 4,3 đồng lời này theo bạn là cao hay thấp? Giới ngân hàng thường cho rằng, ngân hàng lời 3 đến 4 đồng là vừa đủ để trang trải các chi phí và mức lời này hợp lý. Nhưng nếu nhìn theo góc khác, các ngân hàng có thể đang lời nhiều hơn mức này.

Để tính mức độ sinh lời của ngân hàng trong hoạt động tín dụng, người ta hay dùng đến chỉ số NIM (Net Interest Margin), được tính từ con số tiền lãi 4,3 đồng kia chia cho tài sản sinh lợi, ở đây là 100 đồng cho vay. Như vậy, tỉ lệ NIM là 4,3% mang ý nghĩa rằng: cứ bình quân 100 đồng ngân hàng cho vay được họ sẽ thu lời 4,3 đồng từ hoạt động này sau khi trừ đi chi phí vốn, nhưng chưa trừ đi các chi phí giao dịch khác, kể cả chi phí quản lý và tất nhiên là trong trường hợp không có nợ xấu.

Ngân hàng nào cũng muốn tăng NIM, bằng 2 công cụ là lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay. Chênh lệch giữa hai loại lãi suất này càng cao, người ta kỳ vọng NIM càng lớn. Trong đó, ngân hàng chủ yếu dùng lãi suất cho vay để điều chỉnh NIM của mình. Tại sao? Về mặt nguyên tắc, mức độ rủi ro là yếu tố quyết định lãi suất; rủi ro cao thì đòi hỏi lãi suất cao. Nhưng người gửi tiền hầu như không có thông tin để đánh giá mức độ rủi ro cho đồng tiền của mình khi gửi ở ngân hàng A hay ngân hàng B. Ngân hàng là người chủ động đưa ra mức lãi suất và đối với ngân hàng thì tất cả các khoản tiền gửi vào đều có rủi ro bằng nhau, nên áp dụng mức lãi suất như nhau; chênh lệch chủ yếu do thời hạn và số tiền gửi, nhưng không đáng kể. Trong khi đó, lãi suất cho vay chênh lệch rất cao vì ngân hàng có thể thẩm định mức độ rủi ro của người đi vay.

Chẳng hạn với lãi suất huy động 7%, cùng lắm các ngân hàng chỉ dám huy động tối đa 8-8,5%.

Thời kỳ tăng trưởng nóng, các ngân hàng đặt lãi suất huy động thấp và lấy lãi suất cho vay thấp. Đến thời kỳ khủng hoảng, lãi suất huy động được đẩy lên để đảm bảo duy trì thanh khoản; lãi suất cho vay cũng được đẩy lên với mức mạnh hơn nhiều để đảm bảo không chỉ ngân hàng có lời mà còn bù đắp thêm cho các khoản rủi ro. Tín dụng tăng trưởng liên tục bởi các ngân hàng luôn nhiệt tình với những khoản cho vay. Họ đặt lãi suất cao và nghĩ rằng người vay sẽ hoàn trả nhiệt tình mà quên mất rằng, lãi suất cho vay càng cao nghĩa là xác suất phá sản của dự án người vay càng lớn.

Hậu quả để lại của thời kỳ này còn nhiều điều đáng nói và điều này thể hiện qua NIM của ngân hàng. NIM cũng là vấn đề gây nhiều tranh cãi trong thời gian gần đây, khi ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, đề nghị một cách tính NIM khác. Con số ông Tuấn đưa ra cao hơn hẳn so với số liệu NIM trung bình của các ngân hàng. Nhưng nhìn về tổng thể, dù tính theo cách nào NIM vẫn thể hiện một xu hướng nhất định và cho thấy các trục trặc hiện tại trong hệ thống ngân hàng.

NIM cao - Nợ nhiều

NCĐT tập hợp lại dữ liệu của 29 ngân hàng (vì có nhiều ngân hàng không có dữ liệu trong năm 2012) cho thấy NIM trung bình của 29 ngân hàng này trong năm 2012 là 3,79% nếu tính theo cách truyền thống (do Công ty Truyền thông Tài chính StoxPlus tính toán) và 4,62% theo cách tính của ông Tuấn. Đáng chú ý hơn, trong cả 3 năm 2010 đến 2012, những con số tính toán theo cách mới cũng đều cao hơn. Và dù tính theo cách nào thì NIM đều có xu hướng tăng trong vài năm trở lại đây.

Cần lưu ý rằng, không hẳn các ngân hàng có NIM cao là lợi nhuận cao, thậm chí là ngược lại. Các ngân hàng có NIM cao trong năm 2011 thì tỉ lệ nợ xấu tăng rất mạnh vào các năm sau đó. Phần nhiều trong số đó đều là những ngân hàng thương mại yếu kém, đã sáp nhập hoặc hợp nhất trong năm 2012 và 2013.

Một trường hợp điển hình là ngân hàng Phương Tây. Năm 2011, NIM của ngân hàng này ở mức 9,46% và tỉ lệ nợ xấu là 1,3% (theo số liệu của StoxPlus). Đến năm 2013, trước khi hợp nhất với PVFC, tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng này là 6,84%. Hay như Navibank, NIM của ngân hàng này trung bình 2 năm 2011 - 2012 là 6% thì tỉ lệ nợ xấu đã tăng từ 2,92% trong năm 2011 lên 5,64% trong năm 2012, và 8,7% vào thời điểm tháng 9.2013.

Có thể liệt kê ra rất nhiều trường hợp tương tự khác. Chẳng hạn như TienPhongBank (NIM 7,7% trong năm 2012), hay Đại Tín (NIM 5,77% vào năm 2011). Một trường hợp mới gần đây nhất là PGBank. Năm 2011, NIM là 9,56% và tỉ lệ nợ xấu là 2,1% thì đến tháng 9.2013, tỉ lệ nợ xấu đã lên đến 9,5%.

Những ngân hàng có quy mô nhỏ cũng có mức NIM cao hơn ngân hàng có quy mô lớn. Nhóm ngân hàng tư nhân có NIM cao hơn nhóm ngân hàng có cổ phần nhà nước.

Xu hướng này cũng đúng ngay cả trong trường hợp sử dụng con số NIM tính toán theo cách truyền thống. Như trường hợp của PGBank ở trên, NIM được công bố cũng lên đến 7% trong năm 2011 và 5,64% trong năm 2012.

Ngược lại, cũng có những ngân hàng có NIM ở mức trung bình, theo cả hai cách tính toán và tỉ lệ nợ xấu cũng ở mức thấp. Chẳng hạn như Eximbank, NIM trong 2011 là 3,73% (số liệu công bố) và 3,82% (số liệu ước tính mới). Tỉ lệ nợ xấu của Eximbank giảm từ mức 1,61% trong năm 2011 xuống còn 1,32% trong năm 2012.

Nếu coi nợ xấu như là một chỉ báo cho thái độ chấp nhận rủi ro của ngân hàng (nợ xấu càng nhiều chứng tỏ ngân hàng cho vay “ẩu” trong quá khứ) thì nghĩa là NIM càng cao, ngân hàng càng chấp nhận rủi ro nhiều hơn. “NIM cao và nợ xấu cao thường có mối liên hệ với nhau theo kiểu hai mặt của một đồng xu”, ông Tuấn cho biết. Tức là, nợ xấu cao thường là hệ quả của việc theo đuổi NIM cao và ngược lại. Hai hệ quả này xuất phát từ cùng một nguyên nhân chính và cũng là trục trặc của hệ thống tài chính Việt Nam khi ngân hàng là số 1.

Khi ngân hàng là số 1

Theo ông Tuấn, NIM cao ở đây cho thấy cấu trúc độc quyền nhóm trong hệ thống ngân hàng, cũng như vai trò trung tâm của hệ thống tài chính gián tiếp ở Việt Nam. So sánh ở mức độ toàn nền kinh tế, NIM càng cao càng chứng tỏ rằng ngân hàng có quyền lực. Nếu anh cần vốn thì anh sẽ đi vay ở đâu? Câu trả lời số 1 vẫn là ngân hàng.

Tương tự, Tiến sĩ Lê Hồng Giang cũng đồng tình với ý kiến này. NIM cao hay thấp phụ thuộc nhiều vào sức mạnh thị trường của các ngân hàng. NIM cao, sức mạnh thị trường của ngân hàng lớn nghĩa là thị trường tài chính có ít cạnh tranh. “Cạnh tranh ở đây không chỉ được hiểu trong nội bộ ngân hàng, mà còn là với các nguồn quỹ khác”, ông Giang cho biết.

Nếu so sánh với các quốc gia khác, có thể thấy NIM của các ngân hàng Việt Nam luôn ở mức cao hơn. Chẳng hạn, NIM trung bình giai đoạn 2007 - 2011 của Thái Lan là 3,3%, Trung Quốc là 2,8%, Malaysia là 2,9%, Nhật là 1,1% và Mỹ là 3,4%. Ở các quốc gia phát triển như Nhật hay Mỹ, NIM có xu hướng giảm dần rõ rệt.

Việt Nam hiện nay, cũng giống như mô hình sở hữu chéo của Nhật trước kia, có một điểm chung là dòng vốn được phân bổ chủ yếu qua ngân hàng - gần như là trung gian tài chính duy nhất. Trong khi ở nhiều nước có thị trường vốn phát triển, doanh nghiệp không phải phụ thuộc quá nhiều vào ngân hàng.

Mặt khác, NIM cao cũng có thể là hệ quả của sở hữu chéo ở các ngân hàng. “Chính sở hữu chéo đã làm trầm trọng thêm mức độ độc quyền nhóm của ngân hàng”, ông Tuấn cho biết.

Các ngân hàng có sở hữu chéo thường dành một phần vốn tài trợ cho các công ty trong chuỗi liên kết sở hữu của mình. Thông thường những khoản vay này được kỳ vọng lãi suất rẻ hơn lãi suất thị trường, hoặc các điều kiện cho vay được nới lỏng hơn. Vì thế, ngân hàng phải bình quân lãi suất để đảm bảo mục tiêu lợi nhuận bằng cách tăng lãi suất đối với các khoản vay nằm ngoài mối liên kết, sở hữu. Điều này có nghĩa nhiều doanh nghiệp khác đang chịu chi phí lãi suất cao cho những khoản vay mà mình không được nhận.

Mặt khác, trong một ngân hàng có sở hữu chéo thì thái độ chấp nhận rủi ro còn cao hơn rất nhiều. Bởi nhóm cổ đông sở hữu chéo có tới 2 nguồn lợi ích: các khoản vốn đổ vào các công ty sân sau và lợi nhuận từ ngân hàng mình đang sở hữu; trong khi nếu có rủi ro thì phần rủi ro được chia sẻ đều cho toàn bộ các cổ đông còn lại.

Ví dụ điển hình là trường hợp của bầu Kiên. Sức ép từ ông chủ này đã buộc các nhà quản lý Ngân hàng ACB lúc bấy giờ phải tìm mọi cách gia tăng lợi nhuận, cho dù họ tự nhận định và lường trước được những rủi ro của nó.

Như vậy, có vẻ mọi câu chuyện về ngân hàng ở Việt Nam đều quay về với vấn đề: sở hữu chéo. Đã có rất nhiều hướng giải quyết được đem ra bàn bạc, nhưng có lẽ điều quan trọng nhất nên làm là giảm tầm quan trọng của ngân hàng. Bài học của Nhật cho thấy, giảm tầm quan trọng của ngân hàng đã góp phần giảm sở hữu chéo. “Về lâu dài nếu muốn tăng mức độ cạnh tranh thì phải đa dạng hóa thị trường tài chính để ngân hàng không còn là kênh duy nhất của người gửi tiền hay người vay tiền, để dòng vốn luân chuyển hiệu quả trong nền kinh tế”, Tiến sĩ Giang kết luận.

Việt Dũng (NCĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.