Thị trường thương mại điện tử Việt Nam vừa nhận thêm tin buồn khi website Lingo.vn lặng lẽ đóng cửa.

Đầu tháng 8 này, website Lingo.vn đột nhiên ngừng hoạt động mà không hề có bất kỳ thông báo nào. Lingo.vn được cho là đã đóng cửa sau khi không được nhà đầu tư tiếp tục rót vốn do trang web kinh doanh không hiệu quả.

Website thương mại điện tử nối gót nhau đóng cửa, bán mình

Lingo.vn trình làng từ tháng 8/2011, thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Truyền thông VMG, hoạt động theo mô hình B2C. Đến tháng 3/2014, VMG thành lập Công ty TNHH Lingo, với vốn điều lệ 100 tỷ đồng trên cơ sở tách riêng Trung tâm Lingo từ công ty mẹ VMG nhằm chuyên trách kinh doanh và phát triển dịch vụ thương mại điện tử cho VMG.

Lingo.vn đã đặt mục tiêu trở thành website thương mại điện tử số 1 Việt Nam khi nhận vốn đầu tư của Tập đoàn đầu tư quốc tế Yellow Star Investment.

Thế nhưng, từ năm 2012 đến hết tháng 6/2016, tổng hợp từ các báo cáo tài chính, Lingo.vn lỗ khoảng 150 tỷ đồng và lâm vào cảnh thua lỗ. Với kết quả hoạt động không được như kỳ vọng, việc Lingo.vn không tiếp tục nhận được sự rót vốn của nhà đầu tư và buộc phải đóng cửa là điều được báo trước.

Trước khi Lingo.vn “khai tử”, hàng loạt trang thương mại điện tử khác cũng đã biến mất. Các trang thương mại điện tử khác đã thông báo ngừng hoạt động: Deca.vn, Beyeu.com, Lamdieu.com, Foreva.vn (cùng của Quỹ đầu tư mạo hiểm IDG), fab.vn...

Trong khi đó, không ít trang thương mại điện tử trong nước bị mua lại. Gần đây nhất, tháng 4/2016, Rocket Internet - chủ sở hữu Zalora Việt Nam, đã bán lại sàn thương mại điện tử này cho Central Group (Thái Lan). Tương tự, Alibaba (Trung Quốc) đã chính thức làm chủ sàn thương mại điện tử Lazada tại Đông Nam Á, sau khi hoàn tất thương vụ trị giá 1 tỷ USD. Đầu tháng 12/2015, FoodPanda.vn cũng đã bị Vietnammm.com mua lại.

Vì sao phải chia tay?

Phần lớn các trang thương mại điện tử đóng cửa vì lý do tài chính. “Đầu tư lớn - hoạt động không hiệu quả - bị cắt vốn đầu tư - buộc phải đóng cửa” là hình dung khá đầy đủ về vòng đời ngắn ngủi của một website thương mại điện tử tại Việt Nam.

Website Beyeu.com khi đóng cửa đã để lại một “lời nói sau cùng” kinh điển: “Kinh doanh thương mại điện tử cần rất nhiều tiền. Nhiều doanh nghiệp sẽ quyết định dừng việc đốt tiền. Chúc may mắn cho những kẻ còn lại!".

Khi quyết định đóng cửa trang Deca.vn, ông Phan Minh Tâm - một trong các sáng lập viên của công ty sở hữu Deca.vn cho biết, lý do đóng cửa trang thương mại điện tử này “không phải do Công ty thiếu tiền đầu tư”.

Tuy nhiên, việc đóng cửa của Deca.vn cũng vẫn liên quan vấn đề tài chính. Deca.vn có thể không thiếu tiền, nhưng có thể họ đã nhận thấy mức đầu tư quá cao, lâu hoàn vốn trong khi các đối thủ khác gia tăng đầu tư…, nên quyết định rút khỏi thị trường.

Một yếu tố khác cũng có thể là nguyên nhân khiến nhiều trang thương mại điện tử hoạt động khó khăn ngày càng khó khăn là sự gia nhập thị trường của các “đại gia” như Vingroup (Adayroi.com), FPT (Sendo.vn), GFG (Lazada, Zalora), tiki.vn… Sự tham gia của các “đại gia” này khiến các trang thương mại điện tử khác khó còn cơ hội phát triển, nếu không có một chiến lược khác lạ.

Tiền là chưa đủ

PGS-TS Nguyễn Văn Thoan - Phó ban Đào tạo, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho rằng, vốn đầu tư là rất quan trọng, nhưng ý tưởng sáng tạo còn quan trọng hơn. Nếu chỉ cần vốn thì nhiều doanh nghiệp hùng mạnh đã đầu tư và thành công trong thương mại điện tử ngay từ những ngày đầu tiên.

Theo ông Thoan, yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người, ở đây là con người nắm được công nghệ, làm chủ được công nghệ mới, theo kịp sự phát triển của công nghệ mới và ứng dụng được trong thương mại điện tử và rộng hơn là ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, quản lý và kinh doanh.

“Tiếp đó mới là vốn đầu tư. Chỉ những dự án có vốn đầu tư ổn định và liên tục trong thời gian dài, 5 năm hoặc 10 năm, mới có thể thành công lớn. Đặc biệt, việc đầu tư phải được triển khai liên tục, qua nhiều giai đoạn, mới giúp các dự án thương mại điện tử phát triển được vì công nghệ mới cần nhiều thời gian nghiên cứu và liên tục phát triển”, ông Thoan nhận định.

Chia sẻ vấn đề này, ông Trần Trọng Tuyến - CEO Công ty cổ phần Công nghệ DKT nhận định, thiếu vốn có thể được xem là nguyên nhân chính, nhưng không phải nguyên nhân duy nhất dẫn đến việc dừng hoạt động của các trang thương mại điện tử.

“Theo tôi, nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc nhiều startup thương mại điện tử dừng hoạt động là việc chưa đánh giá chính xác số vốn cần bỏ ra để duy trì doanh nghiệp cho đến lúc có lãi, dẫn đến việc khởi nghiệp quá gấp rút khi chưa có đủ lượng vốn cần thiết”, ông Tuyến nói.

Hữu Tuấn (Báo đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.