Sau 30 năm "sở hữu" chiếc ghế tổng thống tưởng chừng bất khả xâm phạm, bản án trọn đời trong trại giam và tình trạng sức khỏe ngày càng xấu là kết cục chưa ai từng nghĩ có thể xảy ra với cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak.

Con đường quan lộ và khoảng tối quyền lực

Muhammad Hosni Sayyid Mubarak chào đời ngày 4/5/1928 trong một gia đình nghèo khó tại một ngôi làng nhỏ vùng châu thổ sông Nile, gần thủ đô Cairo. Khi lớn lên, chàng trai nhà nghèo tốt nghiệp học viện quân sự Ai Cập năm 1949 rồi gia nhập không lực và trở thành tổng tư lệnh.

Từng giữ chức thứ trưởng Quốc phòng, Mubarak được bổ nhiệm vào vị trí Phó Tổng thống Ai Cập khi mới 43 tuổi. Ít người có thể ngờ rằng, vị Phó tổng thống "non choẹt" chưa mấy tiếng tăm trên chính trường này lại giữ vị trí lãnh đạo tối cao trong nhiều năm như vậy. Đến năm 1981, sau vụ người đứng đầu đất nước Ai Cập lúc bấy giờ là Anwar Sadat bị ám sát, Mubarak trở thành tổng thống thứ tư của xứ sở Kim tự tháp.

Cho đến tận ngày nay, khi Mubarak đang nằm bất động trong bệnh viện tại một nhà tù ở Cairo, người ta vẫn đồn đoán không ngừng về vận mệnh cuộc đời của ông. Nhiều người cho rằng, cái chết "bất đắc kỳ tử" của cố "thủ lĩnh" Anwar Sadat có liên quan mật thiết đến ông Mubarak. Theo miêu tả của những người chứng kiến sự việc, ông Sadat bị các phần tử Hồi giáo cực đoan sát hại ngay tại một cuộc diễu binh ở thủ đô Cairo. Lúc đó, ông Mubarak may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần dù ngồi sát người tiền nhiệm. Điều kỳ lạ, ông chỉ bị xây xát phần mềm và sang chấn nhẹ về tâm lý.

Cũng kể từ thời khắc "ngàn cân treo sợi tóc" đó, ông Mubarak trở thành đương kim tổng thống của xứ sở Kim tự tháp. Vị "thủ lĩnh tối cao" có thời gian "trị vì" lâu nhất Ai Cập này cũng may mắn thoát chết trong ít nhất 6 vụ ám sát tiếp theo. Lần gần đây nhất là vào năm 1995, chiếc xe limousine chở ông bất ngờ bị tấn công tại thủ đô Addis Ababa (Ethiopia) khi dự Hội nghị Thượng đỉnh châu Phi. Tuy nhiên, ông vẫn bình yên vô sự.

Cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak.

Với sự may mắn thần kỳ khiến ông luôn thoát chết trong gang tấc, cựu tư lệnh không quân này cũng duy trì quyền lực bằng mối quan hệ thân thiết với phương Tây. Ông thẳng tay "trị" các phong trào đối lập ở Ai Cập. Giới quan sát đánh giá, có một khoảng tối đằng sau sự nắm quyền của ông Mubarak. Các thành viên của nhóm đối lập thường bị bắt giam, thậm chí tra tấn như cơm bữa. Cơ quan mật vụ được đào tạo ồ ạt. Hàng ngày, hàng giờ, chúng thâm nhập, sục sạo khắp nơi khiến người dân Ai Cập cảm thấy bị làm phiền.

Trong những năm nắm quyền, Tổng thống Mubarak thường phải chịu sức ép từ rất nhiều phía. Sau 30 năm nắm quyền tại đất nước của những vị vua Pharaong, tổng thống Mubarak phải đối diện với quá nhiều chỉ trích từ phía nhân dân cũng như giới công quyền.

Đúng như dự đoán, đoạn kết cho bản trường ca của Mubarak cuối cùng cũng đã được định đoạt. Ông quyết định từ chức và chuyển giao quyền lực cho Hội đồng Tối cao các lực lượng vũ trang Ai Cập vào ngày 11/2/2011 sau những áp lực không ngừng từ các cuộc biểu tình chấn động Ai Cập. Đây không chỉ trở thành dấu mốc trong lịch sử chính trường đất nước Bắc Phi mà còn là một ngã rẽ định mệnh của gia đình Mubarak.

Những tháng ngày còn lại, ông phải sống trong tù, đối diện với tội lỗi mà mình đã gây ra. 30 năm được ban phát cho quyền lực ngút trời, ông khép lại cuộc đời mình trong 4 bức tường của một nhà tù ở thủ đô Cairo, phó mặc cho số phận định đoạt.

Đoạn kết đầy bi thảm

Theo phán quyết của tòa án, ông Mubarak cùng hai con trai bị giam giữ vì tội giao dịch với bọn nội gián, rửa tiền, bị cáo buộc tham nhũng nhiều tỷ USD trong những năm tại vị. Hàng trăm chứng cứ được đưa ra để chứng minh rằng trong suốt 30 năm nắm quyền, việc tiếp cận với những hợp đồng đầu tư kếch xù đã khiến gia đình ông nắm giữ khối tài sản có thể lên tới 70 tỷ USD.

Cựu tổng thống Ai Cập còn bị kết án tù chung thân vì tội ra lệnh giết hại hàng trăm người tham gia làn sóng biểu tình chống Chính phủ trong tháng 1 và 2/2011. Thậm chí, nhiều người cho rằng, ông xứng đáng với bản án tử hình do những tội lỗi mà mình gây ra trong thời gian nắm quyền. Sau 30 năm làm tổng thống và giữ các vị trí quân sự cấp cao, ông Mubarak được tiếp cận với nhiều hợp đồng đầu tư và kiếm được hàng trăm triệu bảng Anh lợi nhuận. Hầu hết những lợi nhuận có được đều thu ở nước ngoài và gửi trong các tài khoản ngân hàng bí mật hoặc đầu tư vào thị trường nhà cao cấp hoặc khách sạn.

Tuy nhiên, những gì xảy ra đã lật mở một chương mới không ít rối ren trong lịch sử Ai Cập hiện đại và là một đoạn kết không có hậu với cựu Tổng thống Hosni Mubarak. Sau khi Mubarak từ chức, Chính phủ Thụy Sĩ đã phong tỏa mọi tài sản của ông trong các ngân hàng nước này. "Chính phủ Thụy Sĩ làm như vậy là để tránh nguy cơ có người biển thủ tài sản của Ai Cập. Chúng tôi cũng kêu gọi các quan chức có trách nhiệm của Ai Cập tuân thủ những đòi hỏi chính đáng của nhân dân trong việc công khai, minh bạch tài sản", tuyên bố của bộ Ngoại giao Thụy Sĩ viết.

Mới đây, báo chí rầm rộ đăng tải thông tin cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak đã rơi vào trạng thái hôn mê hoàn toàn trong nhà lao. Các bác sĩ ở một bệnh viện nhà tù tại Cairo đã phải dùng máy sốc tim nhiều lần để duy trì sự sống cho vị tổng thống quyền lực một thời này. Theo Adel Saeed, người phát ngôn của văn phòng tổng công tố Ai Cập, ông Mubarak bị "các biến chứng tim mạch" và đã được dùng máy sốc tim nhiều lần trong suốt thời gian vừa qua.

Trong khi đó, Alaa Mahmoud, người phát ngôn bộ Nội vụ Ai Cập khẳng định, ông Mubarak đã "hôn mê hoàn toàn" trong nhiều ngày, cuộc sống ngày càng ngắn đi. Hai con trai ông là Gamal và Alaa đã gửi đơn xin quản lý nhà tù cho phép họ được ở bên cạnh ông. Đơn xin này sau đó đã được chấp thuận. "Sức khỏe ông ấy trở nên xấu đi từ khi bị tuyên án, với chứng cao huyết áp, các vấn đề hô hấp và nhịp tim bất thường", Mahmoud nói.

Mới đây, Fareed El Deeb, luật sư của ông Mubarak cho biết, ông từng tới thăm và thấy vị cựu tổng thống bị hôn mê 3 lần. Sau đó, ông đã xin chuyển ông Mubarak từ nhà tù tới một bệnh viện quân đội nhưng bị từ chối. El Deeb nói rằng, bệnh viện của nhà tù trang thiết bị yếu kém không đủ trình độ để xử lý trường hợp bệnh tình của ông Mubarak.

Biển thủ ít nhất 57 tỷ USD trong vòng 8 năm

Được biết, hai con trai cựu tổng thống Mubarak đang bị giam cầm cũng là tỷ phú. Tờ Wall Street Journal dẫn thông tin của Global Financial Integrity, một tổ chức chuyên theo dõi tình trạng tham nhũng ở các nước đang phát triển, ước tính rằng có tới 57 tỷ USD đã được tuồn bất hợp pháp ra khỏi Ai Cập trong giai đoạn 2000-2008. Phần lớn tài sản phi pháp này được cất giấu trong các ngân hàng của Anh, Thụy Sĩ và bất động sản tại Anh và Mỹ.

Theo Anh Văn (Người đưa tin)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Kết cục của Tổng thống "trị vì" lâu nhất xứ Kim tự tháp

    Kết cục của Tổng thống "trị vì" lâu nhất xứ Kim tự tháp

    26/11/2012 8:57 AM

    Sau 30 năm "sở hữu" chiếc ghế tổng thống tưởng chừng bất khả xâm phạm, bản án trọn đời trong trại giam và tình trạng sức khỏe ngày càng xấu là kết cục chưa ai từng nghĩ có thể xảy ra với cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.