Nhiều người cho rằng còn khập khiễng nếu ví Jack Ma là một Rupert Murdoch của Trung Quốc nhưng không ai có thể phủ nhận ông chủ Alibaba có thể làm được nhiều điều với ngành truyền thông nước này.

Ngành truyền thông Trung Quốc đang phát triển với tốc độ chưa từng có, một phần là nhờ Jack Ma, một trong những đại gia ngành thương mại điện tử nổi tiếng nhất Trung Quốc, người sáng lập ra trang bán lẻ trực tuyến Alibaba.

Trong một buổi họp báo năm ngoái, Trưởng ban tuyên giáo Trung ương Liu Qibao ca ngợi Ma là một trong những cá nhân điển hình của Trung Quốc đương đại. Tháng 12 vừa, Ma xuất hiện trên khắp các mặt báo sau khi chi 266 triệu USD để mua lại tờ The South China Morning Post, tờ báo tiếng Anh lâu đời nhất tại Trung Quốc.

Jack Ma đang muốn thâu tóm những tờ báo, tạp chí lớn nhất Trung Quốc.

Ma hiện đang tìm cách mua lại cổ phần của Caixin, một trong những tạp chí danh giá nhất Trung Quốc, từng bước gây dựng nên đế chế truyền thông của riêng mình. Thậm chí một vài người còn gọi ông là Rupert Murdoch của Trung Quốc.

Từ năm 2013, tỷ phú người Trung Quốc này đã bắt đầu thu mua cổ phần của một số tờ báo hay trang web như Business Review, China Business Network và Youku Tudou, trang web chia sẻ video lớn nhất Trung Quốc. Ông cũng đầu tư vào các sản phẩm truyền thông như Momo, ứng dụng hẹn hò phổ biến nhất Trung Quốc hay Sina Weibo, mạng xã hội lớn nhất nước.

Năm 2014, ông mua lại ChinaVision Media (sau đó đổi tên thành Alibaba Pictures). Năm ngoái, ông mạnh tay chi 382 triệu USD để trở thành cổ đông lớn thứ hai của Beijing Enlight Media.

Tham vọng của Ma thậm chí còn vượt qua cả biên giới Trung Quốc. Năm ngoái, ông đầu tư 200 triệu USD vào Snapchat, một trong những ứng dụng xã hội phổ biến nhất của giới trẻ và 215 triệu USD vào ứng dụng nhắn tin Tango.

Vậy liệu có hợp lý khi ví Jack Ma với ông trùm truyền thông nước Mỹ Rupert Murdoch, người sở hữu Sun Newspaper và Wall Street Journal?

“Jack đang tăng cường đầu tư vào truyền thông, nhưng không vì thế mà gọi ông là ông trùm truyền thông được", Duncan Clark, tác giả cuốn Alibaba: The House that Jack Ma Built nhận xét. Ge Jia, một blogger có tiếng ở Bắc Kinh cũng đồng ý rằng sự so sánh này là khập khiễng: “Murdoch nắm trong tay cả một đế chế truyền thông có thể cho phép làm bất cứ điều gì mình muốn. Nhưng môi trường truyền thông ở Trung Quốc thì hoàn toàn khác.”

Một số người cho rằng để đạt được tham vọng của mình, Jack Ma cần xoa dịu những điều tiếng về các hoạt động kinh doanh của mình. Điều tra từ năm 2011 của Caixin Media tiết lộ Ma đã chuyển nhượng Alipay cho một công ty thuộc sở hữu của mình mà không được sự đồng thuận của các cổ đông chính là Yahoo và SoftBank Group.

Caixin xác nhận sắp hoàn thành vòng huy động vốn và cho biết tờ báo luôn chào đón những nhà đầu tư tiềm năng.

Nếu thương vụ này thành công thì đây sẽ là “quả đậm” dành cho Jack Ma. “Nói thẳng ra là chẳng có mấy công ty truyền thông giá trị như Carixin”, Clark khẳng định.

Nhưng blogger Ge Jia thì lại cho rằng: “Đây giống như mà phi vụ hợp tác trao đổi. Ma cần các mối quan hệ và tầm ảnh hưởng của Caixin, và Caixin thì lại cần tiền của Ma.”

Đáp lại nhưng bình luận này, Caixin cho biết nhà đầu tư tiềm năng cần phải biết tôn trọng quyền độc lập biên tập cũng như các thỏa thuận về quản lý và bảo mật của tờ báo.

Hà Tường (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.