Heineken đang đề nghị mua lại toàn bộ số cổ phần của nhà sản xuất bia Tiger với số tiền lên tới 6 tỷ USD nhằm ngăn chặn ý định thâu tóm thương hiệu này của một tỷ phú Thái Lan.

Đây cũng là một phần trong kế hoạch mở rộng tầm ảnh hưởng của Heineken tại các thị trường mới nổi.

Ngày 20.4, hãng sản xuất bia lớn thứ 3 thế giới Heineken cho biết họ đã đề nghị với ban lãnh đạo Fraser & Neave Ltd. (F&N) sẽ trả 50 đô la Singapore (tương đương 40 USD) cho mỗi cổ phiếu mà F&N nắm giữ tại Công ty Bia châu Á Thái Bình Dương (APB) – nhà sản xuất bia Tiger.

Thâu tóm nhà sản xuất của Tiger Beer sẽ là thương vụ lớn nhất của Heineken kể từ năm 2010. Ảnh: Bloomberg

Hiện tại, F&N đang có trong tay gần 40% cổ phần của APB còn Heineken sở hữu 41,9%, gồm 9,5% là trực tiếp nắm giữ và 32,4% là gián tiếp thông qua một công ty liên doanh với F&N.

Đề nghị trên trị giá 5,1 tỷ đô la Singapore (4,1 tỷ USD) và sẽ đem lại cho Heineken khoảng 82% số cổ phần tại APB. Nếu thành công, Heineken sẽ tiếp tục chi thêm 2,4 tỷ đô la Singapore nữa để sở hữu nốt số cổ phần của các cổ đông còn lại.

Trước đó, vào đầu tuần này, hãng đồ uống Thai Beverage của tỷ phú Charoen Sirivadhanaphakdi cho biết hãng đã thỏa thuận mua lại 22% cổ phần tại F&N của 3 cổ đông với số tiền 2,8 tỷ đô la Singapore. Trong khi đó, công ty của con rể vị tỷ phú này đã mua 8% cổ phần tại APB với giá 45 đô la Singapore một cổ phiếu.

Heineken tuyên bố việc tăng lượng cổ phần của mình tại APB phù hợp với chiến lược phát triển của hãng tại các thị trường mới nổi. Vài năm trở lại đây, Heineken đã tiến hành thâu tóm nhiều hãng đồ uống tại Mexico, Brazil, mở rộng hoạt động tại Ấn Độ cũng như tăng cường sự hiện diện tại châu Phi.

APB (trụ sở tại Singapore) là đối tác thương mại của Heineken trong suốt 80 năm qua. Hãng sở hữu 39,7% cổ phần của mình thông qua liên doanh và trực tiếp nắm 7,3%.

Cùng ngày, sau khi có thông tin của Heineken, cổ phiếu của APB và F&N niêm yết tại sàn chứng khoán Singapore đã bị ngừng giao dịch.

Theo Dân Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.