Thừa nhận phải thay đổi cung cách phục vụ để thích nghi, nhưng nhiều tiểu thương cho rằng các doanh nghiệp sản xuất hàng trong nước phải chăm chút hơn đến chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Điều đó để thu hút sự quan tâm hơn nữa của người tiêu dùng tại các chợ.

Sản phẩm của Vinamilk trong Ngày vàng hàng Việt được tổ chức tại chợ Bà Chiểu - Ảnh: THANH ĐẠM

Những ý kiến thẳng thắn của các tiểu thương đã làm không khí buổi tọa đàm "Tiếp sức hàng Việt - đồng hành cùng tiểu thương" do báo Tuổi Trẻ, Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao, Công ty cổ phần Sữa VN (Vinamilk) cùng Sở Công thương TP.HCM phối hợp tổ chức ngày 5-7 tại TP.HCM trở nên sôi động và xóa tan khoảng cách giữa tiểu thương và doanh nghiệp...
Bán hàng "đuổi khách" đã lỗi thời
Chọn giới thiệu hàng loạt tiểu phẩm được thu hình trực tiếp, do các đại sứ hàng Việt như NSƯT Kim Xuân, Quyền Linh, Trung Dân, Hạnh Thúy... thủ vai, những tràng cười nghiêng ngả của hơn 200 tiểu thương đến tham dự đã làm không khí buổi tọa đàm trở nên hào hứng.
Tuy nhiên, không ít tiểu thương đưa mắt nhìn nhau với một chút ngượng ngùng, bởi nói như chị Nguyễn Kim Hoa - tiểu thương ngành hàng đồ khô chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh), "giờ ngồi coi lại mới thấy tụi tui bán hàng đôi khi cũng... kỳ cục thiệt".
Những điều mà chị Hoa nói "kỳ cục" chính là những kiểu bán hàng muốn đuổi khách đi bằng tệ nói thách, bằng kiểu trả lời gắt gỏng, nhát gừng, thậm chí dọa nạt "chưa bán mở hàng đó nghe", mà đỉnh điểm là đốt "phong long" xua khách không thương tiếc!
Còn chị Nguyễn Thị Cúc, tiểu thương chợ Bàu Cát (Q.Tân Bình), cười vui nói rằng: "Toàn chuyện cũ thôi, nhưng chợ nào cũng xuất hiện tình trạng tương tự như vậy". Chị Nguyễn Ngọc Khánh, tiểu thương chợ Bà Chiểu, thì khẳng định: "Hay chứ! Nhờ xem những tiểu phẩm như vậy chúng tôi mới hiểu được mình còn thiếu kỹ năng bán hàng gì để mà thay đổi, phục vụ khách hàng". Trong khi đó, chị Dung, trưởng ban quản lý chợ Thị Nghè (Q.Bình Thạnh), cho biết: "Tiểu phẩm mặc dù rất hài hước nhưng lại nói đúng, nói thật về tình hình các chợ hiện nay, nhờ đó tiểu thương tự xem lại kỹ năng, thái độ của mình để bán hàng tốt hơn".
"Hiến kế" cho doanh nghiệp
Giải thích lý do hàng VN đã có nhiều bước tiến cải thiện, chất lượng nâng cao hơn trước nhưng vẫn chưa thu hút được người tiêu dùng quan tâm hơn hàng ngoại nhập, bà Nguyễn Thị Ly, tiểu thương chợ Bà Chiểu, cho rằng khiếm khuyết của nhà sản xuất hiện nay là chưa quản lý được chất lượng một cách triệt để, bao bì, mẫu mã còn đơn điệu, kém an toàn. "Để bắt mắt, nhất là với hàng thực phẩm, nhà sản xuất phải dùng nguyên liệu chính phẩm để làm bao bì chứ không nên dùng phế phẩm vì hàng hóa nhìn vào muốn mua hay không là cũng do bao bì quyết định" - bà Ly nói.
Tiểu thương Võ Thị Phương (chợ Bàu Cát) cho rằng muốn khuyến khích người tiêu dùng dùng hàng VN, nhà sản xuất cần làm ra những sản phẩm đạt chất lượng tốt nhất, đặc biệt là đảm bảo được sức khỏe. Dù mẫu mã có đẹp đến đâu nhưng chất lượng quá tệ sẽ gây tác hại rất xấu trong nhận thức người tiêu dùng. "Chính một bộ phận doanh nghiệp ăn xổi ở thì sản xuất ra những sản phẩm kém chất lượng khiến người tiêu dùng hoảng, không dám dùng cũng là nguyên nhân khiến chỗ đứng hàng Việt chưa thật sự được vững chắc" - bà Phương nói.
Tiểu thương Tuyết Hồng, chợ Đa Kao (Q.1), "phân bì" khi cho rằng việc các chương trình khuyến mãi cho tiểu thương ở chợ doanh nghiệp thực hiện rất ít, thậm chí không có, "trong khi siêu thị khuyến mãi quá trời!". Điều này cũng làm hạn chế sức cạnh tranh của tiểu thương với các kênh phân phối khác.
Nhà nước "đứng sau lưng" tiểu thương
Theo ông Huỳnh Khánh Hiệp - phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, trong nhiều năm nữa chợ truyền thống vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng đối với người dân. Cuộc vận động "người Việt ưu tiên dùng hàng Việt" đòi hỏi từ nhiều phía góp sức, từ cơ quan chức năng, doanh nghiệp, tiểu thương, người tiêu dùng... để đạt được mục tiêu.
Về phía cơ quan nhà nước, từ Sở Công thương, các cơ quan ban ngành, ban quản lý các chợ sẽ tiếp tục quan tâm, sửa chữa, chỉnh sửa các chợ đảm bảo yêu cầu về an toàn trật tự, vệ sinh ở khu vực chợ truyền thống. "Sở sẽ phối hợp với các địa phương để giải quyết vấn đề này trong thời gian tới" - ông Hiệp nói.
Còn bà Vũ Kim Hạnh, chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng VN chất lượng cao, cho biết hội sẽ cố gắng tổ chức nhiều chương trình để hỗ trợ hàng Việt. "Chúng tôi mời các doanh nghiệp lại và nói rằng hãy mang hàng tới chợ, hãy tự đi, chủ động gặp gỡ tiểu thương để kết nối với tiểu thương, gắn bó, thuyết phục tiểu thương bán thêm hàng Việt" - bà Hạnh nói.
Bà Hạnh cũng khuyến nghị doanh nghiệp cần phải tin tiểu thương, vì "đưa hàng vào chợ không làm mất đi uy tín của sản phẩm mà còn đẩy mạnh, tạo điều kiện cho người tiêu dùng bình dân tiếp cận được với sản phẩm có chất lượng tốt".
Theo Tuổi Trẻ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.