Hàn Quốc tiếp tục giữ vững vị trí nền kinh tế sáng tạo nhất thế giới, trong khi các nước Bắc Âu chiếm phần lớn trong Top 15 và Nga bị tuột hạng đáng kể, theo bảng chỉ số sáng tạo các nền kinh tế năm 2017 của Bloomberg.

Được đánh giá là nền kinh tế sáng tạo nhất, Hàn Quốc dẫn đầu thế giới trong 3 hạng mục thành phần: hoạt động R&D, giá trị gia tăng trong sản xuất, đăng ký sáng chế… Ngoài ra, các hạng mục như: hàm lượng công nghệ cao, giáo dục đại học và mức độ tập trung các nhà nghiên cứu của nước này cũng nằm trong Top 5. Riêng điểm số về năng suất của Hàn Quốc lại cải thiện rất ít trong năm qua, hiện đang xếp thứ 32. Đây chính là lý do khiến "ngôi vương" của Hàn Quốc ngày càng mỏng manh hơn vì khoảng cách với các thứ hạng dưới đang hẹp dần.

Đứng ở vị trí thứ nhì là Thụy Điển. Nền kinh tế này đã tăng một bậc so với năm 2016, chủ yếu nhờ vào sự cải thiện của hạng mục giá trị gia tăng trong sản xuất. Người hàng xóm Bắc Âu của nước này là Phần Lan tăng thêm 2 bậc, lên vị trí thứ 7 nhờ sự nổi lên của các công ty công nghệ cao trong nước. Riêng Na Uy vẫn giữ nguyên thứ hạng 14 của năm ngoái.

Những ý tưởng mới thường gặt hái được kết quả tốt tại Thụy Điển mặc dù chính phủ hiện tại của nước này ít thân thiện với với kinh doanh hơn và các áp đặt về thuế lao động có thể tác động đến hoạt động đầu tư, theo ông Magnus Henrekson - Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế công nghiệp tại Stockholm. Người Thụy Điển tự thúc đẩy một bầu không khí với những hoài bão cá nhân to lớn, không giống như các nước láng giềng tại châu Âu thường nhấn mạnh đến tính tập thể. Theo vị chuyên gia này, đó cũng là một lợi ích to lớn cho nền kinh tế nước này.

“Trong nền văn hóa này, con người theo chủ nghĩa siêu cá nhân. Điều đó có nghĩa những người có ý tưởng rất quan tâm đến việc theo đuổi ý tưởng của mình để trở nên giàu có. Ngoài ra, các ưu đãi đang có và hệ thống thuế cũng ủng hộ họ”, ông Henrekson nói.

Còn theo giáo sư Asa Lindholm Dahlstrand – chuyên gia nghiên cứu về đổi mới tại Đại học Lund của Thụy Điển, việc tập trung vào R&D đã giúp nước này vượt qua được cơn bão suy thoái kinh tế của châu Âu trong nhiều năm qua. “Có rất nhiều sự tập trung vào R&D tại Thụy Điển. Chúng tôi nhìn thấy được những gì đang xảy ra ở các nước khác, nơi mà họ không làm như vậy”, giáo sư Dahlstrand nói. Đồng Krona Thụy Điển yếu cũng tạo lợi thế cho xuất khẩu nước này thời gian qua. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chính sách tiền tệ này không thể tiếp tục mang lại hiệu quả lâu dài. “Không bao giờ là tốt về dài hạn để dễ dàng hưởng lợi từ xuất khẩu nhờ vào việc định giá thấp đồng tiền của bạn”, ông Henrekson cảnh báo.

Tuột hạng thê thảm nhất năm nay là Nga, mất 14 bậc và rơi xuống vị trí thứ 26. Theo Bloomberg, nguyên nhân bởi những ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt và sự hạ nhiệt của giá năng lượng trong vài năm trở lại đây. Cùng với đó, các điểm số về năng suất và sản xuất của Nga cũng tuột giảm trong năm nay.

Nhật Bản, nơi đồng yên vẫn đang phải vật lộn để phục hồi kể từ 2 năm nay, đã có cú rớt hạng mạnh nhất trong Top 25, di chuyển từ vị trí thứ 4 xuống thứ 7. Nguyên nhân một phần bởi Nhật tuột mất danh hiệu số 1 về hoạt động đăng ký sáng chế.

Mỹ cũng tuột một hạng xuống hạng 9 trong khi Israel tăng 2 hạng lên hạng 10. Trung Quốc là thị trường mới nổi có hạng tốt nhất, hiện xếp thứ 21 toàn cầu về chỉ số sáng tạo. Thành tích của Trung Quốc được cải thiện nhờ vào sự nâng chất về giáo dục đại học và gia tăng về hàm lượng công nghệ cao.

Bảng báo cáo được Bloomberg thực hiện với 200 nền kinh tế trên thế giới. Sau khi tổng hợp số liệu và xếp hạng, Bloomberg công bố danh sách Top 50. Cho đến năm nay, Việt Nam chưa nằm trong danh sách này.

Viễn Thông (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Hàn Quốc tiếp tục là nền kinh tế sáng tạo nhất thế giới

    Hàn Quốc tiếp tục là nền kinh tế sáng tạo nhất thế giới

    17/01/2017 11:54 PM

    Hàn Quốc tiếp tục giữ vững vị trí nền kinh tế sáng tạo nhất thế giới, trong khi các nước Bắc Âu chiếm phần lớn trong Top 15 và Nga bị tuột hạng đáng kể, theo bảng chỉ số sáng tạo các nền kinh tế năm 2017 của Bloomberg.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.